MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 18/06 - 24/06]: Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng đồng thuận rung lắc, giao dịch phái sinh sôi động

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch vô cùng sôi động. Dòng tiền đổ vào phái sinh đang mạnh nhất trong khoảng 2 tuần trở lại đây.

1. TTCK Việt Nam tiếp tục "rung lắc"

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giao dịch khó khăn khi chỉ số VN-Index đã có sự điều chỉnh đáng kể, trái ngược tuần giao dịch liền kề trước đó.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 983,17 (giảm 3,28%) và HNX-Index chốt phiên ở 111,98 điểm (giảm 3,39%). Đi theo xu hướng tiêu cực, thị trường trong tuần qua đã trải qua khá nhiều khó khăn khi các chỉ số đều đồng loạt giảm điểm trong những phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cũng chứng kiến sự sụt giảm thanh khoản đồng đều trên cả 2 sàn.

[Điểm nóng TTCK tuần 18/06 - 24/06]: Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng đồng thuận rung lắc, giao dịch phái sinh sôi động - Ảnh 1.

Biến động VN-Index trong 3 tháng


Ngay trong những phiên mở cửa tuần mới, thị trường trở lại không mấy khả quan khi VN-Index đã để rơi mất 33 điểm. Toàn bộ cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán như VCB, BID, CTG, SSI… đã thể hiện sự "đồng thuận" khi cùng chịu sự điều chỉnh sâu. Tuy có hồi phục nhẹ trong phiên nhưng chính sự lưỡng lự của nhà đầu tư trong khi lực cung thì luôn cao đã khiến cho VN-Index quay đầu giảm điểm rất nhanh sau đó.

Tại phiên 18/06 này, thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể tuy nhiên những phiên giao dịch liền kề ngay sau đó, thanh khoản thị trường lại rơi vào ngưỡng khá thấp, giá trị giao dịch sụt giảm đồng thuận cùng đà điều chỉnh của VN-Index. Trong khi đó, bên cạnh sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc đỏ cũng lan tỏa rộng và đồng đều ở cả các nhóm MidCap .Dường như tâm lý hoảng loạn trong những phiên đầu tuần vẫn còn dư âm khá lớn.

Xu hướng hồi phục được thể hiện rõ nét hơn trong phiên gần cuối tuần khi phiên giao dịch ngày thứ 6 khép lại với sắc xanh bao phủ thị trường, thanh khoản gia tăng trở lại mức trung bình gần đây cho thấy thị tâm lý thị trường đang trở về trạng thái cân bằng. Tuy vậy, cũng cần chú ý rằng khối lượng giao dịch vẫn đang ở mức rất thấp của giai đoạn 02 năm trở lại đây. Thanh khoản có vai trò rất quan trọng trong các giai đoạn tạo đáy và với 102 triệu đơn vị được khớp lệnh của VN-Index thì rõ ràng dòng tiền dường như vẫn nghi ngờ đối với chiều tăng giá trong những phiên tiếp tới đây.

Theo các chuyên gia FPTS nhận định, nếu thanh khoản tới đây tiếp tục giữ ở mức thấp thì cần dự phòng khả năng rung lắc mạnh có thể sẽ tái diễn khi đường giá đi sâu hơn vào kháng cự quanh khu vực 990 – 1.000 điểm. Theo đó. nhà đầu tư nên giữ trạng thái quan sát tích cực, chờ đợi tín hiệu xác nhận xu hướng khi thanh khoản mở rộng trở lại. Với các chiến lược lướt sóng và chấp nhận rủi ro cao thì có thể xem xét thăm dò cơ hội ở các cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng đang có sức mạnh giá đã được chứng minh trong giai đoạn hiệu chỉnh vừa qua.

Đối với thị trường CK phái sinh, tuần qua đã ghi nhận một tuần giao dịch vô cùng sôi động. Dòng tiền đổ vào phái sinh đang mạnh nhất trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Tâm lý hứng khởi với các hoạt động trading đầu tuần chủ yếu đến từ các vị thế short mạnh mẽ. Trước sự điều chỉnh của VN30-Index từ thị trường cơ sở, đã thúc đẩy rất nhiều lệnh short với khối lượng cực lớn trong những phiên giao dịch đầu tuần trong khi độ lệch giữa phái sinh và cơ sở là không đáng kể, điều đó chứng tỏ đa phần các nhà đầu tư đang rất bi quan vào thị trường tương lai

Phiên cuối tuần, dòng tiền đã chuyển hướng mạnh sang kỳ hạn tháng 07/2018 khi VN30F1806 đáo hạn trong tuần qua. Mức chênh lệch điểm số giữa hợp đồng tháng 7 và cơ sở cũng đã được rút ngắn đáng kể trong phiên giao dịch ngày cuối cùng của tuần.

Điều này tạo ra lợi thế dễ dàng hơn với các nhà đầu tư khi tham gia thị trường phái sinh sẽ có một view tổng quan chiến lược nhìn được chính xác hơn trong tuần kế tiếp. So với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự tăng cao đáng kể. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt ngưỡng kỉ lục 108,102 hợp đồng (tăng gần 38% so với tuần liền trước).

2. TTCK thế giới đi qua một tuần lễ không mấy "bình yên"

Các chỉ số chứng khoán của thị trường Mỹ đã giảm điểm trong tuần. Chỉ số Dow Jones Industrial Average bị ảnh hưởng nặng nhất bởi sự giảm điểm tập trung vào các doanh nghiệp xuất khẩu khi các cuộc xung đột thương mại trở nên căng thẳng. Đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu, Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 24.580 điểm (giảm 1,46%). Chỉ số Nasdaq Composite không thay đổi so với tuần trước và đóng cửa ở 7.692 điểm. Trong khi đó chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.754 điểm (giảm 0,4%).

Nhóm ngành bất động sản tăng điểm nhờ sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu dài hạn. Sự căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và các đối tác thương mại tiếp tục ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong tuần. Hôm thứ ba, các cổ phiếu đã giảm mạnh sau khi Tổng thống Trump chỉ đạo chính phủ của mình xây dựng một danh sách thuế quan mới đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump tiếp tục nhắm tới Daimler và các nhà sản xuất ô tô châu Âu bằng cách cảnh báo rằng Mỹ sẽ đặt mức thuế 20% đối với nhập khẩu ô tô từ Liên minh châu Âu nếu EU không giảm bớt rào cản của mình.

Trong một tuần biến động đối với chứng khoán châu Âu, hầu hết các chỉ số chứng khoán đều giảm điểm, với hầu hết các phiên sụt giảm vào giữa tuần bởi nhóm cổ phiếu ô tô, khai thác mỏ và công nghệ.

Kết thúc tuần, chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.579 điểm (giảm 2,83%), chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.682 điểm (tăng 0,67%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.387 điểm (giảm 1,82%).

Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và châu Âu là một trong những sự kiện ảnh hưởng đến thị trường mạnh nhất. Trong khi đó Ngân hàng Anh đã quyết định giữ lãi suất ổn định, nhưng có thể sẽ có kế hoạch tăng sớm hơn dự kiến. Quyết định này khiến đồng Bảng Anh tăng cao so với đồng Euro. Cuối tuần qua Châu Âu cũng đón nhận một tin tốt khi Hy Lạp và các chủ nợ khu vực đồng Euro đã đạt được thỏa thuận gia hạn khoản nợ trị giá 100 tỷ euro trong vòng 10 năm.

Chứng khoán Nhật Bản giảm điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 giảm 1,5% và đóng cửa ở mức 22.516 điểm. Chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.744 điểm (giảm 2,24%). Đồng Yên tăng nhẹ, đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu ở mức 110.1 yên/đô la Mỹ, cao hơn khoảng 2,2% so với cuối năm 2017.

Trong tuần qua Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản công bố tăng lương 2,1% cho công nhân của mình, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng tiền lương 3% của Thủ tướng Shinzo Abe. Các lao động trẻ đang nhận được mức lương cao nhất, trong khi các nhân viên lớn tuổi lại phải chịu cắt giảm lương. Tại hội nghị ngân hàng Shinkin, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Masayoshi Amamiya cho biết, các doanh nghiệp vẫn thận trọng về thị trường lao động và hoài nghi về mục tiêu lạm phát 2% của chính phủ.

Các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã gần kề bờ vực của một thị trường con gấu - thường được xác định là mức giảm ít nhất 20% từ đỉnh - Trung Quốc và Mỹ đã đẩy căng thẳng lên cao hơn về thương mại, khiến các nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bị kéo chậm lại. Trong tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.889 điểm (giảm 4,4%) và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 29.338 điểm (giảm 3,53%), đánh dấu tuần tồi tệ nhất cho cả hai chỉ số kể từ tháng Hai.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên