MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm nóng TTCK tuần 23/07 - 29/07]: Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng "đồng thuận" tăng điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam và TTCK thế giới tuần qua đều ghi nhận sự đồng thuận về một điểm chung khi điểm số đều gia tăng…

1. TTCK Việt Nam đi qua một tuần "suôn sẻ" với biên độ thu hẹp

Sau giai đoạn giao dịch thăng hoa trước đó, VN-Index đã có một tuần giao dịch khá trầm lặng với biên độ và thanh khoản thu hẹp, dù chỉ số này tiếp tục ghi nhận sắc xanh. Chốt tuần giao dịch, VNI đóng cửa ở mức 935,52, tăng 0,22% so với đầu tuần. Trong khi đó, HNX lại có trạng thái ngược lại khi ghi nhận mức giảm 1,77% còn 105,70 điểm.

Điểm nóng TTCK tuần 23/07 - 29/07]: Chứng khoán Việt và TTCK thế giới cùng đồng thuận tăng điểm - Ảnh 1.

Biến động VN-Index trong 3 tháng

So với tuần giao dịch trước đó, tuần giao dịch vừa qua ghi nhận những cây nến với thân nến nhỏ, bóng nến ngắn - biểu hiện của trạng thái giằng co giữa bên mua và bên bán. Các phiên giao dịch thường kết thúc với biên độ hẹp giữa giá đóng và mở cửa, trong khi biên độ giữa mức cao nhất và thấp nhất trong phiên cũng chỉ trên dưới 15 điểm, thấp hơn khá nhiều so với những phiên trước đó.

Điểm sáng của tuần vừa qua là khối lượng giao dịch tiếp tục được cải thiện và duy trì ở ngưỡng cao. Trong ba phiên đầu tuần, khối lượng giao dịch đều đạt trên 200 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Tuy nhiên, trạng thái bán ròng của khối ngoại vẫn chưa chấm dứt. Từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng hơn 2.700 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng hơn 5,3 triệu cổ phiếu.

Sự tập trung của thị trường trong tuần vẫn hướng vào nhóm vốn hóa trung bình – midcap. Dòng tiền có sự phân hóa đáng kể và đi vào những cổ phiếu nhất định. Bộ đôi cổ phiếu của Bầu Đức – HAG và HNG tiếp tục là tâm điểm chú ý với những phiên tăng trần liên tục. Trong tuần vừa qua, cổ phiếu HAG có 4 phiên tăng, 1 phiên giảm với 3 phiên tăng trần và 1 phiên giảm sàn, HNG cũng có động thái tương tự với 2 phiên tăng trần và 1 phiên giảm sàn.

Trên thị trường phái sinh, so với tuần kề trước, thanh khoản HĐ phái sinh tuần qua có sự sụt giảm nhẹ. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt 117,228 hợp đồng (giảm gần 7,9% so với tuần liền trước).

Nguyên nhân chủ yếu do diễn biến của thị trường không thích hợp cho những giao dịch trading trong phiên, vốn là đặc trưng của thị trường phái sinh thời gian qua. Biên độ hẹp của chỉ số quanh tham chiếu khiến cả 2 bên long – short đều thận trọng hơn.

2. TTCK thế giới "đồng thuận" với TTCK Việt Nam

Đối với thị trường Mỹ, các chỉ số chứng khoán đều ổn định trong tuần qua. Đây là tuần bận rộn nhất của giới đầu tư do các báo cáo thu nhập quý 2 tới dồn dập. Thị trường cũng có ​​sự tăng nhẹ trong khối lượng giao dịch, đặc biệt là vào thứ Năm. Kết thúc tuần, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.818 điểm (tăng 0,68%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.451 điểm (tăng 1,66%), và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.737 điểm (giảm 0,88%). Cổ phiếu ngành công nghiệp có diễn biến tốt hơn khi nguy cơ căng thẳng thương mại giảm bớt phần nào. Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của tuần là sự sụt giảm đáng kể của cổ phiếu Facebook vào thứ Tư do tăng trưởng doanh thu của Facebook trong quý chậm hơn so với kỳ vọng. Sự sụt giảm khoảng 120 tỷ đô la trong giá trị thị trường của công ty là một trong những tổn thất lớn nhất trong lịch sử thị trường.

Bên cạnh đó, chứng khoán châu Âu tăng điểm trong tuần nhờ bởi kết quả khả quan của lợi nhuận doanh nghiệp trong quý 2 và một sự hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU. Chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.860 điểm (tăng 2,8%), chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.701 điểm (tăng 0,3%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.511 điểm (tăng 2,4%). Cổ phiếu các hãng sản xuất ô tô là nhóm cổ phiếu tăng nổi bật nhất trong tuần. Đồng Euro yếu hơn trong quý 2 do sự mạnh lên bất ngờ của đồng USD.

Tại Nhật Bản, thị trường cũng tăng nhẹ trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 tăng 15 điểm và đóng cửa ở mức 22,712. Chỉ số TOPIX Index đóng cửa ở 1.775 điểm (tăng 2,25%). Đồng Yên kết thúc tuần ở mức 111,2 yên /đô la Mỹ. Tuần qua Nhật Bản và EU đã ký kết một hiệp ước thương mại tự do. Thỏa thuận này sẽ loại bỏ thuế 10% trên xe hơi Nhật Bản và phụ tùng ô tô xuất khẩu sang đến EU. Ở chiều ngược lại, thuế quan cũng được dỡ bỏ đối với rượu vang, pho mát và các thực phẩm châu Âu khác xuất khẩu đến Nhật Bản. Hiệp ước thương mại vẫn cần sự chấp thuận của cả hai nghị viện trước khi nó trở thành luật.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng có một tuần hồi phục. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.873 điểm (tăng 2,06%), và chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 28.804 điểm (tăng 1,79%). Tuy nhiên nguy cơ đối với thị trường vẫn còn, và điều khiến các nhà đầu tư lo lắng là việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm bảy tuần liên tiếp, chuỗi suy giảm dài nhất kể từ năm 2015 do rạn nứt thương mại sâu sắc với Mỹ. Trong tuần, đồng Nhân dân tệ đã suy yếu 0,6% so với đồng đô la Mỹ.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên