MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Điểm nóng TTCK tuần 26/11 – 02/12] Chứng khoán Việt hồi phục, TTCK thế giới đồng loạt khởi sắc

Trong 2 ngày cuối tuần nếu thị trường đón nhận thêm thông tin tích cực bên lề hội nghị G20 thì sự lạc quan có thể sẽ quay lại trong tuần tới…

1. TTCK Việt Nam hồi phục nhẹ

Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần phục hồi nhẹ. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 926,54 điểm (tăng 0,93%) và HNX-Index chốt phiên ở 104,82 điểm, (tăng 0,53%) so với tuần liền trước đó.

[Điểm nóng TTCK tuần 26/11 – 02/12] Chứng khoán Việt hồi phục, TTCK thế giới đồng loạt khởi sắc - Ảnh 1.

Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây

Mở đầu những phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, chỉ số VN-Index tăng nhẹ. Động thái kéo giá đa phần đến từ các mã thuộc nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường gồm VNM, VHM và VIC … Trong khi đó, tâm lý thận trọng, thăm dò diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu khiến thanh khoản sụt giảm đáng kể.

Tương quan biến động chỉ số trên 02 sàn trong những phiên đầu tuần cho thấy tác động từ dòng tiền ngoại tới các chỉ số đang tăng lên, đặc biệt là khi giao dịch chỉ tập trung tại một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn. Dựa trên biến động của Dow 30 Futures thì thị trường Mỹ có phiên hồi phục tích cực.Chính vì thế, trạng thái discount của các ETF cũng đang được thu hẹp mạnh.. Tuy nhiên, trạng thái này nếu kéo dài sẽ tiềm ẩn rủi ro khi cuộc đàm phán Mỹ - Trung trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 không mang lại kết quả mong đợi.

Trái ngược với phiên giao dịch những ngày đầu tuần, kết thúc phiên 29/11, chỉ số VN-Index đảo chiều giảm Nỗ lực tiếp cận mốc 940 điểm không thành công, chỉ số suy yếu về cuối phiên và đóng cửa giảm 3,41 điểm, tạm dừng tại 926,79 điểm. Độ rộng toàn thì trường nghiêng về số mã giảm giá, tuy nhiên chênh lệch này gây ra chủ yếu bởi sự phân hóa của sàn HSX trong phiên chiều. Nhóm VN30 vẫn khá cân bằng với 13 mã tăng và 15 mã giảm giá. Ngoài những mã trụ cột đang suy yếu gồm VNM, GAS, HPG… thì biến động của nhóm ngân hàng cũng là tác nhân quan trọng khiến thị trường đảo chiều giảm tại thời điểm đóng cửa.

Phiên giao dịch cuối cùng của tuần, phiên ngày thứ 6 khép lại với diễn biến giảm tuy nhiên thông điệp tích cực đang được nhận diện từ yếu tố thanh khoản. Nhóm Ngân hàng và Dầu khí thu hút dòng tiền ngay từ đầu phiên và được duy trì khá tốt cho đến cuối phiên giao dịch. Các trụ cột khác như VIC và VHM mặc dù có biến động trái chiều, tuy nhiên khi chốt phiên những cổ phiếu này đều đồng thuận phục hồi về tham chiếu. Rõ ràng dòng tiền hôm nay cho thấy sự tự tin hơn của người mua. Đặc biệt hơn khi phiên giao dịch cuối tuần chứng kiến một phiên bứt phá mạnh mẽ của MBB khi cổ phiếu tăng giá 3% kèm theo thanh khoản đột biến.

Theo các chuyên gia FPTS nhận định, nếu 2 ngày cuối tuần đón nhận thêm thông tin tích cực bên lề hội nghị G20 thì sự lạc quan có thể sẽ quay lại thị trường trong tuần tới. Đồng thời theo quan sát, nhóm ngân hàng và dầu khí đang có những dấu hiệu củng cố cho trạng thái tạo đáy ngắn hạn. Cơ hội lướt sóng ngắn tại các cổ phiếu này sẽ cần được lưu ý nếu thị trường chung quay lại xu hướng tăng giá.

Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động khá lớn, tạo cơ hội cũng như rủi ro lớn cho nhà đầu tư giao dịch trong phiên. Đồng thời nhận thấy có 1 điểm chung là các hợp đồng tương lai giao dịch khá thận trọng trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng chỉ thực sự giao dịch tích cực vào 30 phút cuối phiên. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đạt 108.229 hợp đồng.

2. TTCK thế giới đồng loạt khởi sắc

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ tăng trở lại trong tuần qua. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.760 điểm (tăng 4,86%). Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 25.538 điểm (tăng 5,16%) và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa ở 7.330 điểm (tăng 5,65%).

[Điểm nóng TTCK tuần 26/11 – 02/12] Chứng khoán Việt hồi phục, TTCK thế giới đồng loạt khởi sắc - Ảnh 2.

Trong tuần qua cổ phiếu của các ngành chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin là nhóm tăng mạnh nhất của chỉ số S&P 500, trong khi nhóm các cổ phiếu ngành vật liệu có hiệu suất thấp nhất. Các cổ phiếu ngành tài chính đang gặp khó khăn khi lãi suất dài hạn giảm, đe dọa lãi suất cho vay của ngân hàng. Cổ phiếu năng lượng cũng tụt dốc khi giá dầu giảm xuống dưới 50 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn một năm qua. Trong tuần qua tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư là thông tin về chính sách tiền tệ. Thị trường tăng mạnh hôm thứ Tư sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed, trong đó ông tuyên bố rằng lãi suất "gần đạt" mức trung tính sẽ không kích thích nền kinh tế cũng không kiềm chế tăng trưởng.

Tại châu Âu, thị trường chứng khoán có mức biến động nhẹ trong tuần qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6.980 điểm (tăng 0,4%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 11.257 điểm (tăng 0.58%) và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.003 điểm (tăng 1,15%). Tâm lý nhà đầu tư đã tích cực hơn trong tuần qua khi có những tin tức khả quan về một thỏa thuận Brexit giữa Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Trong khi EU ủng hộ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May, bà vẫn sẽ cần phải giành được sự chấp thuận của Quốc hội vào ngày 11 tháng 12.

Đối với Nhật Bản, thị trường chứng khoán tăng điểm tích cực trong tuần qua. Chỉ số Nikkei 225 tăng 5 phiên liên tiếp và đóng cửa ở 22.351 điểm (tăng 3,26%). Vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Sáu, đồng Yên đứng ở mức 113,52 Yên/đô la Mỹ. Thủ tướng Shinzo Abe tuần qua xác nhận rằng chính phủ sẽ tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10% vào ngày 1/10/2019, nhưng cũng hứa hẹn những "biện pháp phi thường" để giữ cho tiêu dùng cá nhân ổn định. Trong khi đó theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Moody, tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp của Nhật Bản có thể sẽ giảm tốc trong năm 2019. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới và Nhật Bản có thể gây ra sự suy giảm thu nhập của công ty Nhật Bản.

Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc đại lục tăng nhẹ khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước hội nghị thượng đỉnh G-20 cuối tuần. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.588 điểm (tăng 0.35%). Trong khi đó chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 26.506 điểm (tăng 2,23%). Hầu hết các nhà đầu tư đều có những hy vọng mờ nhạt về một bước đột phá trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc tại cuộc họp G-20 ở Argentina.

Lê Hằng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên