[Điểm nóng TTCK tuần 30/09 – 06/10] VN-Index vượt 1.000 điểm bất thành, Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch thiếu tích cực khi chỉ số VN-Index đã nỗ lực hồi phục thất bại giữa sóng gió thị trường thế giới…
1. TTCK Việt Nam thất bại trước ngưỡng 1.000 điểm
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần giao dịch thiếu tích cực khi chỉ số VN-Index đã thất bại trước nỗ lực hồi phục lên tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa dừng ở mức 987.59 điểm và HNX-Index chốt phiên ở 105.16 điểm.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
VN-Index đã có một tuần kém tích cực so với tuần liền kề trước đó. Tuy sự khởi sắc của nhóm ngân hàng chung vẫn được nối dài nhưng một số các Bluechips như GAS, VIC, VNM ,MSN…đều đồng loạt giảm điểm và nhấn chìm thị trường chung. Trong đó, nhóm cổ phiếu họ nhà Vin nhà VIC, VHM, VRE.. đều điều chỉnh trong suốt 2 tuần qua.
Theo các chuyên gia VDSC, mặc dù được hỗ trợ trong phiên trước nhưng VN-Index vẫn tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh và dẫn đến phiên suy giảm trong hôm nay. Kết phiên, chỉ số đóng cửa tại mức thấp nhất trong phiên và tại đường EMA(26). Chỉ báo kỹ thuật MACD tiếp tục suy yếu và dưới đường tín hiệu, RSI suy yếu về mức 50.
Điều này cho thấy VN-Index đang tạm thời trong quá trình lưỡng lự quanh EMA(26) sau khi chinh phục vùng 1000 điểm bất thành và tiềm ẩn rủi ro suy giảm về vùng 975-980 điểm trong ngắn hạn. Dự kiến chỉ số sẽ tiếp tục thăm dò trong vùng 983-987 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần hơn so với tuần trước. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai đạt mức trung bình khá, tương ứng đạt 94.903 hợp đồng.
2. TTCK Thế giới tiếp tục tuần giảm điểm
Hầu hết các chỉ số chính tại thị trường Mỹ bị giảm điểm trong tuần thứ ba liên tiếp, và lợi suất trái phiếu dài hạn giảm mạnh. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 26.573 điểm (giảm 0,92%), chỉ số Nasdaq Composite nhờ một số cổ phiếu công nghệ lớn cho diến biễn tích cực, đã đóng cửa ở 7.982 điểm (tăng 0,54%) và chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.952 điểm (giảm 0,3%). Thị trường suy giảm mạnh vào giữa tuần do dữ liệu sản xuất công nghiệp suy yếu. Tin tức đã làm sâu sắc thêm mối lo ngại rằng sự yếu kém trong sản xuất có thể tràn sang lĩnh vực dịch vụ. Các cổ phiếu đã giảm mạnh trở lại vào sáng thứ năm sau báo cáo của ISM, nhưng sau đó các chỉ số chính nhanh chóng tăng điểm trở lại.
Biến động 3 chỉ số chứng khoán Mỹ trong tuần
Nhiều nhà quan sát tin rằng nguyên nhân sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư là niềm hy vọng ngày càng tăng rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng. Số liệu việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy 136.000 việc làm mới đã tăng lên vào tháng 9, dưới mức mong đợi. Đáng chú ý hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%, mức thấp nhất trong năm thập kỷ. Tuy nhiên, thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động không có sự cải thiện so với tháng trước.
Tuần qua các chỉ số chứng khoán châu Âu đều giảm điểm khá mạnh. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 7.155 điểm (giảm 3,65%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 12.012 điểm (giảm 2,97%), và chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 5.488 điểm (giảm 2,63%). Dữ liệu kinh tế châu Âu tiếp tục cho thấy sự yếu kém và việc Mỹ áp thuế quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu của EU càng khiến giới đầu tư lo lắng về sức khỏe kinh tế của khu vực.
Chỉ số PMI của Anh đã giảm xuống dưới 50, cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất, cùng với đó là sự yếu kém trong tăng trưởng việc làm. Suy thoái sản xuất ở Đức đã lan sang ngành dịch vụ. Một số viện kinh tế ở Đức cùng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của họ cho nước này xuống 0,5%.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản với chỉ số Nikkei 225 đã giảm 2,1% trong tuần, đóng cửa ở 21.410 điểm. Đồng yên mạnh lên và đóng cửa gần 107 Yên/đô la Mỹ vào thứ Sáu. Trái phiếu chính phủ của Nhật Bản giảm trên tất cả các kỳ hạn vào thứ ba sau khi Ngân hàng Nhật Bản cho biết họ có thể mua ít trái phiếu hơn với bốn kỳ hạn chính để cải thiện đường cong lãi suất.
Các ngân hàng của Nhật Bản do bị sức ép từ lãi suất âm, đã tìm kiếm lợi nhuận bằng cách tăng cường giải ngân các khoản vay bất động sản và doanh nghiệp nhỏ, gây ra gia tăng chi phí nợ xấu. Phản ứng với dấu hiệu rủi ro đang gia tăng, một số tổ chức đánh giá tín dụng gần đây cho biết họ có thể hạ cấp tín nhiệm đối với các ngân hàng Nhật Bản.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tuần qua đã nghỉ giao dịch vào ngày 01/10 để kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh. Cuối tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.905 điểm (giảm 0,92%), chỉ số Hang Seng Index đóng cửa ở 25.821 điểm (giảm 0,51%). Phó Thủ tướng Trung Quốc sẽ dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại sắp diễn ra trước khi Mỹ chuẩn bị tăng thuế đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc lên 30% vào ngày 15 tháng 10. Việc tăng thuế quan ban đầu được đặt ra vào ngày 1 tháng 10, nhưng chính quyền Mỹ đã đồng ý trì hoãn để tránh trùng với kỳ nghỉ lễ quốc khánh Trung Quốc.
Các nhà đầu tư cũng đang lo ngại về tin tức rằng chính quyền Mỹ đang xem xét hạn chế các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty và thị trường tài chính của Trung Quốc, bao gồm việc buộc các công ty Trung Quốc hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ. Mặc dù các quan chức Nhà Trắng bác bỏ các thông tin đó, nhưng khả năng về những động thái nhằm hạn chế dòng vốn của Mỹ vào Trung Quốc vẫn khiến các nhà đầu tư quan tâm.