MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm sáng của Việt Nam trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng

Điểm sáng của Việt Nam trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng

Báo cáo vĩ mô mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, mặc dù các điều kiện sản xuất vẫn tiềm ẩn các yếu tố không thuận lợi nhưng bù lại khu vực dịch vụ hồi phục mạnh mẽ sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng của Việt Nam. Trên cơ sở đó, VCBS dự báo tăng trưởng GDP quý 4 sẽ đạt 5,5%-6%, cả năm 2022 đạt 7,87% - 8,02%.

GDP quý 4 sẽ đạt 5,5%-6%, cả năm 2022 đạt 7,87% - 8,02%

Trên thị trường thế giới, với dự báo lạm phát ở mức cao, các NHTW sẽ tiếp tục quá trình nâng lãi suất. Thậm chí, nhóm các NHTW chưa tăng hoặc chưa tăng nhiều sẽ cần có cân nhắc những bước điều chỉnh quyết liệt hơn. Mặc dù gặp phải một số khó khăn ở khu vực sản xuất do gián đoạn chuỗi cung ứng, mức hồi phục vượt kỳ vọng tại khu vực dịch vụ góp phần đóng góp tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, VCBS đánh giá nền kinh tế đang vẫn đang cho dấu hiệu hồi phục tích cực, đặc biệt tại nhóm ngành dịch vụ với mức hồi phục vượt kỳ vọng tại nhóm dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống.

Theo đó, GDP quý 3 năm 2022 ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.

Trong các nhóm ngành, hầu hết các nhóm đều đã tăng trưởng trở lại. Nhóm công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng. Cùng với đó, là sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại nhóm lữ hành và ăn uống sau thời gian dịch bệnh.

Điểm sáng của Việt Nam trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng - Ảnh 1.

VCBS dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 4 sẽ đạt 5,5%-6%, cả năm 2022 đạt 7,87% - 8,02%

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 2,8%). Bên cạnh đó, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 9 đạt 52,5 điểm với hoạt động sản xuất đang có tín hiệu hồi phục tích cực hơn bất chấp một số khó khăn về giá nguyên vật liệu tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng trong các tháng vừa qua.

Báo cáo cho rằng, giai đoạn này, khi áp lực lạm phát trên thế giới chỉ tạm thời lắng dịu, rủi ro kinh tế toàn cầu suy thoái tăng lên đáng kể sẽ là áp lực tiềm tàng trong giai đoạn tới đối với nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam.

"Tuy vậy, điểm sáng là Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do", báo cáo nhấn mạnh.

VCBS đánh giá, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hồi phục. Mặc dù các điều kiện sản xuất vẫn tiềm ẩn các yếu tố không thuận lợi nhưng bù lại khu vực dịch vụ hồi phục mạnh mẽ sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, VCBS dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 4 sẽ đạt 5,5%-6%, cả năm 2022 đạt 7,87% - 8,02%.

Lạm phát cả năm 2022 có thể đạt mục tiêu dưới 4%

Về lạm phát, báo cáo cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.

Cụ thể, so với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý 3/2022 tăng 3,32% so với quý 3/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Điểm sáng của Việt Nam trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng - Ảnh 2.

CBS dự báo lạm phát tháng 10 có thể đạt 0,15% - 0,25% so với tháng trước

Báo cáo nhận xét, áp lực lạm phát vẫn hiện hữu khi giá hàng hóa dịch vụ nhích tăng trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh. Mặt khác, VCBS cho rằng áp lực lạm phát do hiệu ứng vòng 2 phần nào hạ nhiệt, nhờ giá xăng dầu trong nước liên tục điều chỉnh giảm giá. Theo đó, VCBS dự báo lạm phát tháng 10 có thể đạt 0,15% - 0,25% so với tháng trước.

"Chúng tôi quan sát thấy những biện pháp quyết liệt từ phía Chính phủ trong nỗ lực bình ổn giá đang bắt đầu cho thấy hiệu quả. Do đó, trong điều thuận lợi, giá cả nguyên-nhiên-vật liệu có xu hướng hạ nhiệt, lạm phát cả năm 2022 có thể đạt mục tiêu dưới 4% được đề ra của Quốc hội, dự báo dao động trong khoảng 3,85%. Tuy nhiên, dài hạn hơn, có thể thấy lạm phát kỳ vọng vẫn đang ở mức cao", các chuyên gia VCBS đánh giá.

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên