Điểm sáng nào cho thị trường chứng khoán năm 2023?
Nếu như kỳ vọng về mặt tăng trưởng trong tương lai của năm sau về sự phục hồi tốt trở lại, với sự tự tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thì mức độ phục hồi của thị trường sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Trao đổi về kinh tế vĩ mô và diễn biến thị trường năm 2023 trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá nền kinh tế sẽ vẫn tăng trưởng trong năm 2023 nhưng cũng sẽ gặp những thách thức nhiều hơn từ các yếu tố bên ngoài. Còn về thị trường, dữ liệu lịch sử cho thấy thông thường sau khi thị trường xác định mức đáy, sẽ tăng điểm mạnh đối với tất cả các cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu giảm mạnh nhất trước đây, nhưng sau đó sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh trước đi vào chu kỳ phục hồi dài hơi và giai đoạn này sẽ chọn lọc những cổ phiếu có câu chuyện riêng hoặc những nhóm ngành liên quan đến sản xuất…
BTV Mùi Khánh Ly: Như ông cũng đã thấy, trong vài tuần trở lại đây đã xuất hiện những tín hiệu tốt cho thị trường cả về điểm số lẫn thanh khoản. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC): Trong giai đoạn 2 đến 3 tuần gần đây, chỉ số chính VN-Index đã có sự phục hồi khá đáng kể, đang trên mức trung bình ở hai mươi phiên. Điều này một phần bởi có sự thay đổi trong diễn biến của thị trường chứng khoán.
Chúng tôi có một báo cáo, đánh giá lại 5 đợt thị trường chứng khoán có sự giảm điểm nhiều nhất và sau đó tăng trưởng trở lại, đó là đợt 2009, 2013, 2015, 2018 và 2020. Trong những đợt đó đều có một số những đặc điểm chung, cụ thể có bốn yếu tố quan trọng nhất thì đến thời điểm hiện tại đã có ba yếu tố đang diễn biến theo hướng thuận lợi.
Thứ nhất, chỉ số VN-Index có mức P/E và P/B đang ở vùng 10 và 1,6 lần, đây là mức gần như lệch ra 2 lần độ lệch chuẩn từ định giá trung bình 5 năm. Và nó đã xảy ra trong gần như tất cả các lần tạo đáy của VN-Index.
Thứ hai, trong gần như tất cả các lần tạo đáy trước nhà nhà đầu tư nước ngoài đều đóng vai trò là đơn vị mua ròng lớn nhất, vừa rồi, trong tháng 11, tổng quy mô giao dịch mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài vào khoảng hơn nửa tỷ USD, mức kỷ lục, đặc biệt là sau một giai đoạn dài họ đã bán ròng trước đó.
Yếu tố thứ ba liên quan đến giao dịch margin, do nhà đầu tư tự bán cổ phiếu ra, hoặc do vi phạm những ngưỡng quản trị rủi ro của công ty chứng khoán và họ buộc phải bán thì điều này cũng xảy ra trong quá trình một tháng vừa rồi và đẩy giá cổ phiếu xuống thấp hơn bình thường khá nhiều. Và sau đó, thu hút một lượng tiền lớn của nhà đầu tư mới quay vào thị trường.
Và cuối cùng là yếu tố rất quan trọng liên quan đến những động thái chính sách, động thái của các cơ quan quản lý trong thời gian vừa rồi khá tích cực.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng thanh khoản thị trường gia tăng, lượng tài khoản mở mới mặc dù không tăng với tốc độ nhanh, nhưng cũng 2.400.000 tài khoản mở mới trong năm nay. Kèm vào đấy là lượng tiền mà nhà đầu tư để ở các công ty chứng khoán, lượng tiền sẵn sàng cho việc giao dịch cổ phiếu cũng vẫn đang duy trì ở mức khoảng 75.000 tỷ đồng, khi lượng tiền ấy khi nhận thấy cơ hội thì cũng rất nhanh chóng tham gia trở lại vào thị trường.
Trong khi đó nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng, và những điểm sáng khác việc nhà quản lý đang tìm giải pháp cho câu chuyện trái phiếu hoặc tìm cách đẩy mạnh hơn đầu tư công… Ông đánh giá như thế nào về những yếu tố này?
Nhiều cuộc họp đã được tổ chức từ rất nhiều cấp, từ Chính phủ cho đến Bộ Tài chính hay là Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà nước để lắng nghe ý kiến của thị trường, và đồng thời đưa ra những thông điệp mà tôi nghĩ là có định hướng rất tốt. Và dần dần những thông tin chính thống như vậy góp phần vào việc đẩy lùi những thông tin đồn đoán ở trên thị trường, và làm cho mức độ tin tưởng của nhà đầu tư cũng như sự bình tĩnh của nhà đầu tư quay trở lại. Và đó là một cơ hội rất tốt để thu hút dòng tiền vào không chỉ cho thị trường mà còn cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn biến động kinh tế trong thời gian hiện tại.
Thêm vào đó, những biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp không được tốt trong giai đoạn vừa rồi, những thông điệp gần đây góp phần làm cho nhà đầu tư bình tâm hơn.
Đồng thời, suốt hai năm vừa rồi đa số các quốc gia trên thế giới dồn rất nhiều sức vào việc tăng trưởng kinh tế, các chính sách liên quan đến tiền tệ hay chính sách liên quan đến tài khóa, họ gần như dùng hết công suất. Liên quan đến chính sách tài khóa của Việt Nam, dư địa vẫn còn khá nhiều.
Khi mà chúng tôi đánh giá lại mức độ giải ngân của đầu tư công chẳng hạn, trước Covid kế hoạch đặt ra chúng ta thường phải đạt được khoảng 90% cho đến 95% kế hoạch giải ngân. Trong đợt chúng ta chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid là năm 2021, chúng ta cũng giải ngân khoảng 84%, 85% so với kế hoạch. Còn đến thời điểm tháng 11 vừa rồi, như số liệu mới nhất mà chúng tôi có được thì giải ngân đầu tư công của chúng ta rơi vào khoảng 74%. Tức là trong vòng một tháng cuối có thể giải ngân ít nhất là về mức tương đối cao so với thời điểm trước Covid xảy ra. Và nó cũng sẽ góp phần vào thúc đẩy nền kinh tế trong nước và chuẩn bị tạo đà cho năm sau, năm 2023.
Bên cạnh đó, một trong những nền kinh tế đầu tàu là Trung Quốc dự kiến dần mở cửa nền kinh tế trở lại? Điều này sẽ có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới thưa ông?
Trung Quốc thời gian vừa rồi, họ thi hành chính sách Zero-covid, gần đây đúng là có những động thái cho thấy mức độ nới lỏng nhất định nhưng đồng thời, tỷ lệ người nhiễm bắt đầu gia tăng, tôi nghĩ rất nhiều quốc gia cũng đều trải qua những giai đoạn này rồi. Nhưng do đề kháng của phần đông dân số đã gia tăng lên, nên mức độ gia tăng về tỷ lệ nhiễm Covid này cũng sẽ ít đi.
Chính vì vậy, việc họ mở cửa nền kinh tế chỉ là việc sớm muộn. Việt Nam là đối tác xuất nhập khẩu với Trung Quốc, nên một Trung Quốc mạnh hơn sau Covid sẽ tác động thúc đẩy nhiều hơn nền kinh tế đối với Việt Nam. Chẳng hạn như liên quan đến hàng không, du lịch. Khi trước dịch bệnh xảy ra khách du lịch từ phía Trung Quốc chiếm 1/3 lượng khách du lịch ở Việt Nam, góp khá lớn vào GDP của Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam xuất siêu rất nhiều những hàng hóa liên quan đến lương thực, thực phẩm, thủy sản, dệt may sang thị trường Trung Quốc, thì có khả năng sẽ phục hồi khi mà nhu cầu của Trung Quốc phục hồi. Đồng thời, Trung Quốc là công xưởng của thế giới do vậy họ sản xuất rất nhiều những nguyên vật liệu mà chúng ta nhập về phục vụ trong quá trình chế biến, chế tạo, đặc biệt như ngành điện tử, viễn thông, thiết bị điện thoại vi tính…và ngay cả da giày, dệt may. Tôi nghĩ rằng, không chỉ Việt Nam, có lẽ rất nhiều các quốc gia khác đều đang rất trông mong sự phục hồi của Trung Quốc và nới lỏng sau chính sách Zero-covid.
Tuy nhiên, một nền kinh tế lớn khác là Mỹ vẫn đang duy trì chính sách thắt chặt và điều này được cho là sẽ còn ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam trong năm 2023?
Trong suốt năm vừa rồi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất điều hành, tăng 6 lần rồi và 4 lần gần nhất đều tăng ở mức độ khá cao là 0,75%. Và những thông điệp gần đây nhất của FED đưa ra cho công chúng đều cho thấy rằng, chính sách liên quan đến gia tăng lãi suất như vậy là hợp lý và góp phần làm giảm lạm phát. Mặc dù chưa đạt được mức kỳ vọng được ngay lập tức nhưng nó đã có tác động nhất định. Và trong bài phát biểu mới nhất của Chủ tịch FED cho thấy một thông điệp khá rõ là họ sẽ giảm dần mức độ gia tăng. Theo các nghiên cứu mà chúng tôi tham khảo ví dụ như Golman Sachs, họ cũng đưa ra dự báo mức kỳ vọng của lãi suất điều hành của FED vào năm sau sẽ rơi vào khoảng tầm 4,5% cho đến khoảng 5%. Tôi nghĩ đấy là mức cũng khá hợp lý và nó cũng sẽ góp phần làm cho các ngân hàng trung ương khác có thêm nhiều dư địa trong việc điều hành chính sách lãi suất của mình.
Với những tín hiệu từ các nền kinh tế lớn như đã phân tích ở trên, theo ông, kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo như thế nào khi chỉ còn vài tuần nữa là bước sang năm 2023?
Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở, đối với hai đầu tàu kinh tế quan trọng của thế giới là Mỹ và châu Âu thì liên quan đến suy thoái của họ đều đang gia tăng. Mặc dù các chính sách đang đi theo hướng nhẹ nhàng hơn, nhưng đà suy giảm vẫn đang diễn ra, đặc biệt ở châu Âu đều được dự báo sẽ suy giảm, rơi vào khoảng 2,4% đến 2,7% GDP của toàn cầu trong năm sau. So với dự báo trước đây là khoảng 3% hoặc hơn 3% của chính các tổ chức dự báo đó. Điều này cho thấy bối cảnh bên ngoài của kinh tế Việt Nam năm sau sẽ khó khăn hơn.
Và quay trở lại đối với Việt Nam, chúng ta cũng sẽ có những thách thức nhất định từ bên trong. Chẳng hạn như vấn đề liên quan đến tỷ giá, lãi suất gia tăng, lạm phát cũng ở mức cũng khá cao so với các các năm, liên quan đến thị trường trái phiếu, liên quan đến thị trường bất động sản đều là những thách thức mà chúng ta đang phải gặp phải.
Tuy các chỉ tiêu chính của Việt Nam cũng đang ở mức độ khá tốt nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan được. Các quốc gia lớn đều đang chậm dần, ảnh hưởng đến Việt Nam chắc chắn là sẽ có. Còn lại chúng tôi cũng tin tưởng rằng điều quan trọng nhất là chúng ta vẫn có những nguồn lực về chính sách nhất định, đang có những cái xoay chuyển chính sách và lắng nghe thêm ý kiến của thị trường để đưa ra những điều chỉnh phù hợp, có thể đưa nền kinh tế tăng trưởng ở mức độ tương đối tốt vào năm sau.
Tôi nghĩ rằng với những mục tiêu chính như GDP tăng trưởng khoảng 6,5% hay mức lạm phát kiềm chế ở dưới 4,5% thì khả năng có thể thực hiện được vào năm sau.
Còn thị trường chứng khoán sẽ phản ánh như thế nào diễn biến của nền kinh tế?
Chúng ta có thể thấy rằng thị trường chứng khoán thường sẽ diễn biến nhanh hơn diễn biến thực trên nền kinh tế khá nhiều, khi mà giữa năm chúng ta gần như rất tốt về mặt vĩ mô, còn thị trường chứng khoán giảm điểm rất lớn, thì bây giờ lại ngược lại, khi chúng ta bắt đầu nhận thấy những khó khăn về kinh tế vĩ mô thì thị trường chứng khoán lại tạo đáy trước và có sự phục hồi.
Không phải chỉ riêng Việt Nam, chúng tôi cũng theo dõi thị trường chứng khoán quốc tế trong suốt thời gian năm 2022 cũng là những thời gian rất khó khăn của không chỉ là cổ phiếu và các thị trường trái phiếu, thị trường nhà đất, bất động sản của các quốc gia. Và khoảng độ tầm ba tuần vừa rồi, các thị trường chứng khoán nhìn chung đều có sự phục hồi nhất định như thị trường chứng khoán Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc mức độ phục hồi khoảng 10% cho đến 15%. Còn việc xu hướng này sẽ kéo dài như thế nào thì cũng khá khó đoán.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng theo dõi những yếu tố thường xảy ra khi thị trường giảm điểm mạnh trước đây, thì thông thường đợt phục hồi của thị trường sau đáy sẽ kéo dài khoảng từ 3 cho đến 4 tuần và có thể nó sẽ có sự điều chỉnh. Nhưng nếu như kỳ vọng về mặt tăng trưởng trong tương lai của năm sau về sự phục hồi tốt trở lại với sự tự tin của nhà đầu tư, không chỉ đầu tư nước ngoài đâu mà nhà đầu tư trong nước bắt đầu có trở lại thì mức độ phục hồi của thị trường sẽ tiếp tục tiếp diễn trong giai đoạn tiếp theo.
Như vậy, nhà đầu tư nên làm gì, thưa ông?
Những lần trao đổi trước đây tôi cũng đều có một quan điểm rất nhất quán, liên quan đến đầu tư thì chắc chắn là phải dài hạn. Những hoạt động mua bán cổ phiếu dưới thời hạn một năm thì khó để gọi là đầu tư, nó chỉ là những hoạt động trading, mua bán ngắn hạn. Trong giai đoạn hiện tại, có sự phục hồi tương đối từ đáy, thực ra vẫn chưa đáng kể lắm và mức định giá vẫn là một mức khá hấp dẫn cho những nhà đầu tư mà kiên trì với mục tiêu đầu tư dài hạn. Và thông thường, những đợt đầu tiên của phục hồi thì mức độ tăng đồng đều của các mã rất lớn, vì đa số các mã đều bị rơi vào trạng thái quá bán, thì lúc bật lại sẽ bật lại rất nhanh. Sau giai đoạn này sẽ là giai đoạn phân hóa hơn nhiều, nhà đầu tư sẽ bình tâm hơn và suy nghĩ lại về chiến lược đầu tư trong vòng thời gian 1 năm, 2 năm, 3 năm hay chỉ mua bán cổ phiếu trong thời gian ngắn hạn.
Những nhóm sau đấy sẽ thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư là những cổ phiếu của doanh nghiệp thiên về sản xuất nhiều hơn, những ngành kỳ vọng tương đối tốt vào năm sau và vẫn tăng trưởng khá ổn định, đang có mức định giá khá tốt, chẳng hạn như công nghệ thông tin, năng lượng, dầu khí, bán lẻ, những ngành có mức độ định giá rất hấp dẫn.
Nhà đầu tư cũng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có những câu chuyện tăng trưởng riêng. Chẳng hạn doanh nghiệp có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt mô hình kinh doanh, hay những doanh nghiệp ít sử dụng vay nợ, có những sự thay đổi về mặt chiến lược hay là có những thị trường mới.
BSC chúng tôi cũng trải qua một giai đoạn mà khó khăn để tìm được nhà đầu tư chiến lược. Và khi mà đã có đối tác chiến lược rồi thì những hoạt động liên quan đến tái cấu trúc cũng diễn ra rất nhanh. Không chỉ là BSC mà có thể rất nhiều những doanh nghiệp cũng đang trong quá trình mà họ tự nhận thấy cần phải tái cấu trúc lại và thay đổi mô hình kinh doanh, bổ sung những mảng kinh doanh mới cũng như đưa ra những cái chính sách liên quan đến quản trị rủi ro một cách chặt chẽ, và vẫn nắm bắt những nhu cầu của thị trường để đưa ra những sản phẩm thúc đẩy đối với cả nhà đầu tư và khách hàng.
Nhịp Sống Kinh Doanh