MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

09-09-2020 - 14:28 PM | Thị trường

Những đơn hàng nông sản xuất khẩu đầu tiên hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết, xuất khẩu sang EU. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp, có thể đây là điểm sáng để ngành nông sản đẩy mạnh xuất khẩu, dễ cán đích tổng kim ngạch 41 tỷ USD mục tiêu của năm nay.

Gạo tiên phong dẫn đường

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, sau khi EVFTA có hiệu lực, ông đã ký được hợp đồng với 3 đối tác ở EU để xuất 3.000 tấn gạo ST20 và Jasmine 85.

“Chúng tôi đã xuất được 150 tấn, số còn lại sẽ tiếp tục giao cho khách theo lịch của họ. Gạo ST20 xuất khẩu có giá trên 1.000 USD/tấn, cao hơn trước đây khoảng 200 USD/tấn, gạo Jasmine giá trên 600 USD/tấn, cao hơn trước đây gần 100 USD/tấn”, ông Bình nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, Công ty Trung An là một trong 3 DN gửi hồ sơ về Cục, đăng ký xuất khẩu đi EU hưởng ưu đãi thuế từ EVFTA.

“Một số DN khác cũng liên hệ để nộp hồ sơ. Các DN có thể gửi hồ sơ đăng ký qua Cổng dịch vụ hành chính công của Bộ N&PTNT, hoặc gửi qua bưu điện. Chứng nhận hoàn toàn miễn phí”, ông Cường nói.

Ông Cường cho biết, theo Quy định tại EVFTA hiện có 9 giống lúa thơm sau xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch thuế quan: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào.

“Muốn được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo quy định của EU, gạo thơm phải được chứng nhận đảm bảo đúng giống. Do vậy, để đảm bảo độ thuần của gạo thơm xuất khẩu, cần kiểm tra ruộng lúa thơm trước khi thu hoạch”, ông Cường nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, năm 2019 lượng gạo của Việt Nam xuất sang EU là 50.000 tấn, trị giá 28,5 triệu Euro. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của EU là 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch 1,4 tỷ Euro. So với các nước ASEAN, xuất khẩu gạo của Việt nam vào EU chỉ bằng 1/6 của Thái Lan, 1/10  Myamnar, 1/4 Campuchia.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, với EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm.

“Nếu chúng ta thực hiện tốt các quy định của EU và xuất khẩu được 30 nghìn tấn gạo thơm và 80 nghìn tấn gạo tẻ theo hạn ngạch sang EU với giá bán cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của Việt Nam”, ông Doanh nói.

Rau quả, thủy sản… tận dụng cơ hội

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, EVFTA cũng mở ra cơ hội cho các mặt hàng rau quả Việt Nam. Theo ông, trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao (10 - 20%).

Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2020, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

“Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng rau, quả của Thái Lan, Trung Quốc, khi họ chưa có hiệp định thương mại tự do với EU”, ông Nguyên nói.

Ông Nguyên cho hay, năm 2019, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào EU đạt gần 150 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chiếm 0,08% tổng nhu cầu nhập khẩu rau, quả của EU. Tuy nhiên, nhờ lợi thế về EVFTA, rau quả vào EU của Việt Nam năm nay có thể đạt khoảng 200 triệu USD. Dẫu vậy, con số trên tùy thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19, nhất là khâu vận chuyển.

Ông Nguyên cũng lưu ý, dù EVFTA có ưu đãi về thuế, nhưng đây là thị trường khó tính, nhất là trong vấn đề kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng doanh nghiệp, mà cả ngành. Bởi thế, việc DN tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, theo hướng GAP, tổ chức khâu sơ chế, chế biến là yêu cầu bắt buộc.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, DN của ông cũng đang xuất khẩu thanh long và bưởi sang EU, nhưng số lượng không nhiều.

Theo ông Tùng, việc giảm thuế nhập khẩu khiến các nhà nhập khẩu được hưởng lợi, họ sẽ cân nhắc để nhập rau quả của Việt Nam so với các thị trường khác như Thái Lan. “Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, hàng xuất đi EU rất chậm. Do vậy, có thể phải chờ thời điểm sau giai đoạn dịch lắng xuống, lúc đó mới có thể đánh giá rõ nét hơn hiệu quả do EVFTA mang lại”, ông Tùng phân tích.

Trong khi đó, đối với ngành thủy sản, kể từ khi EVFTA có hiệu lực đã có 212 mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang EU được xóa bỏ. Trước thời điểm trên những mặt hàng này đang bị áp thuế từ trên 0 đến 22%, trong đó nhiều dòng chịu mức thuế cao 6-22%...

Riêng mặt hàng tôm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng,  EVFTA mang đến hi vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU trong những tháng cuối năm.

Theo Nam Khánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên