MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Diễn biến "chóng mặt" từ Uber, Grab, Bitcoin, kinh tế số Việt Nam đuổi theo bằng cách nào?

Nhiều nghiên cứu chỉ rõ, việc phát triển kinh tế số hoá có thể khiến cho tổng GDP của khối ASEAN tăng thêm 1.000 tỷ USD trong 10 năm tiếp theo. Do đó, trong khu vực, nhiều nước đã tỏ ra nhanh nhạy với chủ đề này.

Đơn cử như Thái Lan đã thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế Kỹ thuật số thay cho Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông, nhằm lên kế hoạch, xúc tiến, phát triển và thực hiện các hoạt động liên quan đến kinh tế số. Malaysia cũng trích từ ngân sách 36 triệu USD để phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử…

Việt Nam, trong xu thế đó đứng trước câu hỏi, sẽ bắt kịp hay bị tụt lại với nền kinh tế số của thế giới?

“Thực ra rất khó để cả nền kinh tế bắt kịp được với thế giới. Tuy nhiên, có một góc độ có thể tăng tốc được, là trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp về công nghệ”, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Nhóm Công tác Khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) nói với Trí Thức Trẻ.

Dù vậy, ông Giang cũng nhấn mạnh, trong lĩnh vực khởi nghiệp về công nghệ, cần phải chọn ra những mũi nhọn và chỉ tập trung đầu tư vào đấy. Bởi lẽ nguồn vốn là có hạn trong khi đầu tư vào công nghệ thực ra là cuộc chơi rất tốn kém.

“Không phải tự nhiên mà các công ty công nghệ nước ngoài liên tục phải gọi vốn. Nhiều người nghĩ công nghệ sẽ làm giảm chi phí, tối ưu hoá nhưng thực ra đầu tư vào công nghệ là đầu tư rất lớn, cần lượng vốn khủng khiếp”, ông Giang cho biết.

Việc đầu tư này tương tự như đầu tư vào cơ sở hạ tầng vì chỉ khi có nền tảng hạ tầng tốt, các ứng dụng công nghệ mới có thể tạo ra được độ phủ cao, tức giải được bài toán quy mô, thông qua đó có mức tăng trưởng đột biến.

Ở Việt Nam, ông Giang cho biết đã có một số công ty công nghệ làm được công việc trên. Tuy nhiên các công ty này mới chỉ thành công về mặt gọi vốn chứ chưa hẳn về mặt kinh doanh.

“Họ vẫn đang tiếp tục gọi vốn để xây dựng tiếp”, ông nói.

Do vậy, ông cho rằng cần phải dồn nguồn lực xã hội vào những mũi nhọn như vậy để đạt ngưỡng tăng trưởng, bứt phá ra khỏi quy mô thông thường. Đấy là việc đầu tiên để hi vọng tạo ra các điểm bùng phát trong tương lai, kéo sau đó là những “vệ tinh”, dần dần mới có được sự chuyển mình của nền kinh tế như những gì mong muốn.

Ông Giang nhấn mạnh: “Nếu chỉ có những điểm nhỏ nhỏ như cây nấm thì không thể đuổi kịp được cái gì hết”.

TS. Nguyễn Xuân Hải, Trưởng nhóm Chính sách Kinh tế, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (EPG-AVSE Global) thì cho biết về cơ bản Việt Nam đã sẵn sàng với kinh tế số. Dù vậy, Việt Nam đang còn vướng mắc rất nhiều ở khung pháp lý.

“Các câu chuyện “lùm xùm” xung quanh việc các hãng taxi công khai phản đối Uber và Grab, sự lúng túng của các cơ quan chức năng trước “tiền ảo”, hay các start-up Việt sang Singapore khởi nghiệp phản ánh rõ sự cần thiết trong việc cải cách khung luật ở Việt Nam”, ông Hải cho biết.

Theo ông, Việt Nam có hai lựa chọn về kịch bản pháp lý. Hoặc khép cánh cửa với bên ngoài và đặt kỳ vọng với nội lực quốc gia hoặc phá bỏ tối đa rào cản pháp lý để các công ty công nghệ được tự do phát triển, từ đó tìm được vị thế của riêng mình trong chuỗi giá trị số hoá.

Mỗi kịch bản đưa ra đều chứa đựng những rủi ro riêng. Nếu kịch bản một có thể cho ra đời những công ty và công nghệ của riêng Việt Nam nhưng cũng có thể dẫn tới sự tụt hậu nghiêm trọng cho nền kinh tế thì kịch bản hai có thể dẫn tới những đột biến trong kinh tế xã hội chưa lường được trước.

Vì vậy, việc kết nối - không kết nối và nếu kết nối thì lựa chọn như thế nào sẽ là những bài toán mà Chính phủ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trong thời gian tới. Còn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kéo theo nền kinh tế số là một xu thế sẽ không đảo chiều được.

Mặt khác, ông Hải cũng lưu ý, trong khi câu chuyện cải cách hành lang pháp lý còn nhiều vướng mắc, điều quan trọng trước nhất là những chính sách và đầu tư cụ thể trong lĩnh vực giáo dục công nghệ, kiến tạo trong thời gian sớm nhất một xã hội với lực lượng lao động chất lượng cao, vừa tận dụng được tối đa sự phát triển của công nghệ thông tin, vừa bảo đảm hoà nhập xã hội.

Hà Thu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên