MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Diễn biến ‘lạ’ về lãi suất tiền gửi đầu năm mới

23-02-2019 - 10:01 AM | Tài chính - ngân hàng

Dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư đang quay trở lại ngân hàng.

Nắm bắt tâm lý của khách hàng là gửi tiền đầu năm mới sẽ may mắn cả năm nên các ngân hàng đua nhau tung ra nhiều chiêu để thu hút tiền gửi. Điển hình như tăng lãi suất huy động, lì xì “khủng”, gửi nhiều tiền được ưu đãi nhiều, tặng phiếu tham gia quay số may mắn.

Người dân đổ tiền nhàn rỗi vào ngân hàng

Những ngày gần đây lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi) của nhiều ngân hàng thương mại tăng khá cao, trung bình 0,1%-0,3%/năm ở một số kỳ hạn. Điều này khiến mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm có ngân hàng lên tới trên 8,7%/năm.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn sáu tháng, lãi cuối kỳ của Ngân hàng SCB lên tới 8,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng lên tới 8,68%/năm sau khi cộng thêm các ưu đãi.

VPBank cũng áp dụng mức lãi suất ưu đãi nhằm gắn kết khách hàng với các mức cộng lãi suất 0,1%-0,4%/năm. Riêng với những khách hàng chấp nhận gửi từ 18 tháng trở lên sẽ được hưởng lãi suất cao nhất lên đến 8,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường phải kể tới Ngân hàng VietCapitalBank với mức 8,7%.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi. Đơn cử VietinBank áp dụng biểu lãi suất tiền gửi với mức giảm mạnh 0,3%/năm ở hai kỳ hạn sáu và 12 tháng nhưng tăng nhẹ 0,1%/năm ở kỳ hạn 24 tháng, lên 6,8%/năm.

Phân tích biểu lãi suất của các ngân hàng cho thấy nhiều ngân hàng tăng khá mạnh mức lãi suất tiết kiệm ở các kỳ ngắn hạn và trung hạn. Đối với xu hướng giảm lãi suất tiền gửi chủ yếu diễn ra ở những kỳ hạn ngắn và chỉ xuất hiện tại một số ngân hàng lớn trong hệ thống. Đây được xem là diễn biến khá “lạ” trong những ngày đầu năm.

Đáng chú ý sau khi các ngân hàng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, cộng với việc tăng lãi suất thì lượng khách hàng gửi tiền tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện Chi nhánh Vietcombank tại Hà Nội cho biết chỉ hai ngày làm việc sau Tết nguyên đán, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế tại chi nhánh này đạt 2.200 tỉ đồng, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, nhìn nhận tại thời điểm đầu năm các kế hoạch kinh doanh, làm ăn vẫn chưa rục rịch khởi động hoặc thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc thì dòng tiền nhàn rỗi của người dân và cả các doanh nghiệp thường có xu hướng quay trở lại ngân hàng.

Diễn biến ‘lạ’ về lãi suất tiền gửi đầu năm mới - Ảnh 1.

Các ngân hàng đua nhau tung ra nhiều chiêu để thu hút tiền gửi nhàn rỗi từ người dân. Ảnh: TL

Lo ngại lãi suất cho vay tăng

Lý giải việc hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nhìn nhận: Một số ngân hàng thương mại có nhu cầu huy động vốn ở kỳ hạn dài nhằm cơ cấu lại nguồn tiền gửi, đáp ứng tiêu chí an toàn vốn theo quy định của NHNN. Do đó, những ngân hàng này tăng lãi suất huy động, đồng thời đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để tranh thủ thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định thời điểm đầu năm người dân có xu hướng tìm kênh đầu tư sinh lời từ khoản tiền tiết kiệm. Vì thế, việc các ngân hàng tăng lãi suất để cạnh tranh hút dòng tiền dôi dư trong dân là điều tất yếu.

Trước lo ngại lãi suất huy động tăng sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng theo, gây khó cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhấn mạnh: Phần lớn các ngân hàng đều điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài để cân đối lại nguồn vốn.

Lý do là theo quy định tại Thông tư 19/2018 của NHNN, từ đầu năm nay các tổ chức tín dụng phải tuân thủ việc giảm tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn từ 50% xuống 40%. Đồng thời hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200% cũng sẽ tác động lên mặt bằng lãi suất.

Cũng theo TS Hiếu, dù hiện chưa thấy dấu hiệu áp lực lên lãi suất cho vay nhưng thông thường lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất cho vay khó có thể đứng im được. Khi lãi suất đầu vào tăng nên lãi suất đầu ra khó có thể giảm vì các ngân hàng buộc phải giữ biên lợi nhuận tối thiểu, nếu không sẽ kéo sụt lợi nhuận.

Đại diện một công ty xuất khẩu nông sản lo ngại nếu các ngân hàng tăng lãi suất cho vay sẽ khiến chi phí đầu vào của công ty tăng lên, gây khó cho công việc làm ăn. “Chính vì vậy các doanh nghiệp mong ngành ngân hàng điều chỉnh lãi suất hợp lý, tránh tăng quá cao lãi suất tiền gửi khiến lãi suất cho vay bị đội lên” - vị đại diện công ty trên bày tỏ.

Lãi suất đang chịu áp lực

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định năm 2019, lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi. Nguyên nhân do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều và đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỉ giá.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng lãi suất đang chịu áp lực từ tỉ giá, nhất là những tháng đầu năm, tỉ giá đồng USD liên tục tăng cao do bất ổn trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngoài ra, tỉ lệ nợ xấu của một số ngân hàng vẫn tăng dù kết quả lợi nhuận năm qua khá khả quan khiến lãi suất khó giảm trong năm nay.

Chênh lệch lãi suất lớn

Khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động đang có độ vênh khá lớn giữa nhóm ngân hàng lớn và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.

Cụ thể, tại những ngân hàng lớn lãi suất huy động VND cao nhất đối với các kỳ hạn sáu tháng đến 12 tháng dao động 5,5%-6,9%/năm. Trong khi đó nhiều ngân hàng thương mại có thị phần nhỏ lãi suất huy động VND biến động rất mạnh. Tùy từng ngân hàng, lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn sáu tháng và 12 tháng có thể chênh lệch 1,8%-2,7%/năm.

Theo Thùy Linh

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên