Điện cơ Thống Nhất - "thương hiệu đi cùng năm tháng" vẫn sống tốt, báo lãi kỷ lục hơn 100 tỷ đồng trong năm 2021
Điện cơ Thống Nhất vẫn duy trì doanh thu và lợi nhuận cao hàng năm bất chấp sự cạnh tranh của các thương hiệu quạt khác.
CTCP Điện cơ Thống Nhất (Vinawind) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2021. Với rất nhiều người dân Việt Nam, thương hiệu Điện cơ Thống Nhất được xem như một thương hiệu "đi cùng năm tháng" gắn liền với chiếc quạt điện trong nhà một thời, đặc biệt là các thế hệ 8x trở về trước.
Hiện tại trên thị trường đã có rất nhiều các sản phẩm về các loại quạt hiện đại, đến từ nhiều thương hiệu lớn của các nước khác nhau, nhưng Vinawind vẫn sống tốt, kết quả kinh doanh đều đặn lãi gần chục tỷ đồng mỗi tháng.
Tính riêng quý 4 vừa qua, doanh thu đạt hơn 94 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Tuy vậy do chi phí vốn tăng mạnh đến 41% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn hơn 12 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ.
Trong quý chi phí tài chính ở mức hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay, trong khi cùng kỳ năm 2020 công ty thực hiện đánh giá giá trị suy giảm các khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh, và thực hiện trích lập dự phòng tổn thất đầu tư, dẫn đến tổng chi phí tài chính ghi nhận hơn 31 tỷ đồng. Trừ các khoản thu/chi khác, quý 4 vừa qua Vinawind lãi sau thuế 16,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ gần 1 tỷ đồng ghi nhận trong quý 4/2020.
Tính chung cả năm 2021 doanh thu Vinawind đạt 990 tỷ đồng, giảm 5,4% so với năm trước đó. Tính ra bình quân doanh thu mỗi tháng của công ty đạt xấp xỉ 83 tỷ đồng. Hiện Vinawind vẫn đang là doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh các loại quạt điện, chấn lưu, ổ cắm và các đồ điện gia dụng khác, trong đó sản phẩm được người tiêu dùng nhớ đến nhất vẫn là những cây quạt các loại mang thương hiệu Điện Cơ Thống Nhất.
Chi phí tài chính trong năm gần 9 tỷ đồng – chủ yếu là để chi trả các khoản lãi vay, còn năm 2020 công ty có khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư, dẫn tới chi phí tài chính tăng mạnh lên gần 43 tỷ đồng. BCTC ghi nhận đến 31/12/2021 Vinawind có tổng đầu tư vào chứng khoán kinh doanh 350 tỷ đồng, tăng 110 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Còn tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 378 tỷ đồng, tăng 156 tỷ đồng so với đầu kỳ.
Kết quả, cả năm Vinawind lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng, tăng 20,2% so với số lãi gần 84 tỷ đồng đạt được năm 2020. Tính ra bình quân mỗi tháng công ty lãi ròng hơn 8 tỷ đồng.
Lùi về những năm trước đó doanh thu Vinawind đều đặn duy trì trên 900 tỷ đồng, lãi sau thuế duy trì từ 64-83 tỷ đồng mỗi năm. Còn doanh thu năm 2019 và 2020 đều đạt xấp xỉ 1.050 tỷ đồng và lãi sau thuế lần lượt là 70 và 84 tỷ đồng. Năm 2021 vừa qua, số lãi 100 tỷ đồng là mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây của Vinawind.
Về sản lượng, báo cáo ghi nhận năm 2020 công ty sản xuất gần 2,38 triệu chiếc và tiêu thụ hơn 2,5 triệu chiếc quạt, giảm 3,1% so với năm 2019. Lương bình quân nhân viên đạt trên 10,8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2021 Điện cơ Thống Nhất dự kiến sản xuất hơn 2,88 triệu chiếc và sản lượng tiêu thụ còn cao hơn, trên 2,89 triệu chiếc, tăng 15,5% so với năm 2020. Về kế hoạch tài chính, ước tính doanh thu năm 2021 đạt 1.200 tỷ đồng (tăng 14,8% so với năm 2020) và kế hoạch lợi nhuận sau thuế 90,6 tỷ đồng – cao nhất trong mấy năm trở lại đây. Đồng thời nâng mức lương bình quân cho nhân viên công ty lên xấp xỉ 11 triệu đồng/người/tháng. Như vậy kết thúc năm 2021, tạm tính Vinawind chưa hoàn thành kế hoạch doanh thu, nhưng đã vượt gần 11% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.