MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19

21-07-2021 - 15:26 PM | Xã hội

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 21/7, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban Đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các Đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Điện của Thường trực Ban Bí thư nêu rõ: "Thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường ở khá nhiều địa phương, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đời sống, sức khoẻ của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình cấp bách hiện nay, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu:

1. Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Các cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

2. Bí thư các tỉnh uỷ, thành uỷ, người đứng đầu cấp uỷ tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp uỷ, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các vùng, địa phương có nguy cơ cao, nhằm kiểm soát kịp thời và khống chế hiệu quả, không để dịch lan rộng; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

3. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và ngành y tế cần tiếp tục chỉ đạo kịp thời các địa phương xây dựng kịch bản, giải pháp cụ thể phòng, chống dịch như: Phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị... phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh; tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, mua và tiêm vaccine.

Các cấp, các ngành chủ động phối hợp, đề xuất các chính sách để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về huy động, sử dụng nguồn lực; bảo đảm đầy đủ hàng hoá thiết yếu; chủ động nguồn lực để mua sắm trang, thiết bị, vật tư y tế; các giải pháp, phương án hỗ trợ, chi viện hiệu quả cho các địa phương gặp khó khăn, địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, khu vực đông dân cư.

4. Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; có giải pháp thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, yếu thế.

5. Lực lượng vũ trang ngoài việc tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương có các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ, kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh xuyên tạc, kích động, chống phá làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cản trở công tác phòng, chống dịch.

6. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội, góp phần củng cố niềm tin, xây dựng quyết tâm, tạo sự thống nhất cao trong công tác phòng, chống dịch; tránh tâm lý chủ quan khi đã áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là sau khi tiêm vaccine; tránh khai thác đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng gây tâm lý hoang mang trong nhân dân."

PV

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên