MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện gió Tây Nguyên: Hai màu tối sáng

9 tháng của năm 2021, các dự án điện gió là những điểm sáng rất nổi bật trong thu hút đầu tư ở các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, với mức đầu tư từ vài nghìn tỷ đến hàng chục nghìn tỷ đồng, các dự án đã góp phần giúp GRDP các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông giữ được mức tăng trưởng khá.

Nguồn gió vô tận của Tây Nguyên nhờ các dự án, vừa được biến thành điện năng cho nền kinh tế đất nước vừa đem về hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách các tỉnh, giúp vãn hồi cán cân thu chi trong bối cảnh đa số nguồn thu suy giảm mạnh bởi dịch bệnh Covid-19.

Thế nhưng, những dự án vốn dĩ rất tuyệt vời lại đang tạo ra nhiều điều đáng tiếc cho cả nhà đầu tư, người dân và chính quyền các cấp. Những cột điện gió được làm tắt, làm gấp, đang tỏa xuống Tây Nguyên những hệ lụy xã hội và hệ lụy cho chính các nhà đầu tư.

Huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông là điểm sáng nổi bật ở Tây Nguyên về phát triển điện gió, với 6 dự án, tổng công suất 430MW, tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng. Nhưng nơi đây cũng đang nảy sinh những điểm nóng về an ninh trật tự, với những vụ tranh chấp đòi bồi thường phức tạp. Ở các thôn-xã có dự án, người dân liên tục tập trung đông người, trồng trụ tiêu, trồng chuối trên lòng đường, dựng nhiều vật cản chặn đường phương tiện thi công. Trong số hàng chục người tham gia tranh chấp, anh Dương Văn Chương, dân tộc Dao, ở bản Đắk Thốt, xã Thuận Hà có lý do rất lạ.

Theo anh Chương, các cánh quạt điện gió “gây nguy hiểm về tâm linh”, nên phải bồi thường: "Tôi dựng 4 cây tre đó để bảo vệ mái nhà, vì tâm linh, phong tục tập quán của dân tộc chúng tôi là không được đưa các vật sát đi qua mái nhà mà trong nhà có bàn thờ tổ tiên. Nếu bên điện gió muốn dỡ cột này thì phải qua thương lượng... và có nhiều nghi lễ”.

Theo các chủ đầu tư điện gió ở Đăk Song, cùng với ngăn chặn phương tiện, cản trở thi công để đòi “bồi thường-hỗ trợ”, người dân còn xây dựng gần trăm căn nhà trong khu vực doanh nghiệp đang thỏa thuận để tiếp tục đòi những mức bồi thường quá đáng hơn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Cty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung cho biết, tình thế của doanh nghiệp hiện nay là rất khó khăn. "Có những đường dây điện, đã được thỏa thuận bồi thường xong, nhưng ngay ngày hôm sau người dân lại leo lên hạ thấp xuống với mục đích cố tình gây khó cho doanh nghiệp, trong khi là mức hỗ trợ đã được thống nhất giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và đơn vị vận chuyển".

Những dự án điện gió lớn, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên đang gặp nhiều cản trở. Điều đó tưởng như nghịch lý, nhưng khi lật lại quá trình triển khai, có thể thấy được nguyên nhân tất yếu. Ngay từ quý 1 năm nay, truyền thông đại chúng đã đưa nhiều về những bất cập pháp lý vì các dự án được thi công khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng nhiều lao động nước ngoài không phép, còn chính quyền cơ sở hầu như đứng ngoài cuộc.

Tại Gia Lai, nơi có 16 dự án được triển khai, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh lý giải, đây đều là các dự án cấp 1, do Bộ Công thương quản lý, nhà đầu tư chỉ việc thông báo cho chính quyền địa phương. Hệ quả của điều này là chủ đầu tư điện gió dường như ngoài tầm kiểm soát, tự mua đất, tự thỏa thuận bồi thường.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho biết, đa số các doanh nghiệp bồi thường theo khung giá quy định, nhưng cũng không ít nơi được đền bù phá khung, tạo ra tiền lệ xấu cho địa phương.

"Như tôi làm việc với UBND huyện Chư Pứh, thì huyện nói là các doanh nghiệp điện gió đang đền bù cho nhanh, đạt được mục đích. Thế nhưng bây giờ giải quyết được mục tiêu này rồi thì mai đây, những công trình của huyện, đặc biệt là các công trình ở vùng khó khăn, mà áp cái giá đền bù của doanh nghiệp, thì chúng tôi cực kỳ khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng" - ông Minh nhấn mạnh.

Nếu như hệ lụy đối với các dự án đầu tư công mới chỉ là nỗi lo về tương lai, thì hệ lụy trễ tiến độ ở các dự án và bất ổn an ninh trật tự ở các địa bàn đã là thực tế nhức nhối. Người dân không ngừng nâng cao yêu sách bồi thường, còn doanh nghiệp đã huy động cả các đối tượng được gọi là “anh em xã hội” để giải quyết tranh chấp. Các nhóm đối tượng này hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách gây áp lực, thậm chí hành hung người dân.

Ở huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông đã có những vụ đụng độ gây thương tích; còn ở thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai, cũng có không ít tố cáo của người dân về việc mình bị đe dọa, thậm chí bị xịt hơi cay khi ra khỏi nhà.

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông, tỉnh đã nỗ lực vào cuộc và tháo giỡ được một số điểm tắc tranh chấp. Nhưng nếu các chủ đầu tư vẫn tiếp tục cách xử lý thiếu bài bản, thiếu thiện chí; chính quyền cơ sở vẫn bàng quan-bị động, thì ách tắc và tranh chấp ở các dự án điện gió sẽ còn kéo dài.

9 tháng qua, dù hầu hết các lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng thu ngân sách ở các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông vẫn vượt kế hoạch. Báo của ngành thuế các tỉnh cho thấy, kết quả này có đóng góp quan trọng của những dự án điện gió nhờ mức nộp ngân sách khoảng 500 triệu đồng/1 Mw. Với 28 dự án đang triển khai, tổng công suất gần 2.300Mw, ngân sách 3 tỉnh thu được hơn 1 nghìn 100 tỷ đồng. Nếu các dự án kịp tiến độ đưa vào phát điện, các dự án sẽ tiếp tục đóng góp cho mỗi tỉnh hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.

Thế nhưng càng nóng vội, càng lách luật làm tắt thì các dự án càng sa lầy. Như dự án Đăk N’Rung 1, 2, 3 ở huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, hơn 70% số trụ tourbin vẫn chưa thể thi công vì vướng mắc đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, thời hạn phát điện sống còn, 31/10/2021 (thời hạn cuối để có thể bán điện giá cao), đã rất gần.

Ở Gia Lai, các dự án điện gió có khả quan hơn, nhưng việc xây dựng đường dây để hòa lưới quốc gia, cũng gặp những thách thức tương tự. Các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực giúp nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Thế nhưng việc thuyết phục người dân nhượng bộ sẽ chỉ đạt kết quả khi doanh nghiệp điện gió đi đầu trong tuân thủ pháp luật và phối hợp tốt với chính quyền cơ sở./.

Theo Đình Tuấn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên