MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện Kính Thiên - di tích được Hà Nội chi 1.800 tỷ phục dựng có gì đặc biệt?

27-08-2023 - 09:20 AM | Lifestyle

Kể từ khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi vào năm 1428, điện Kính Thiên đến nay chỉ còn lại di tích thềm bậc và nền điện. Trong kế hoạch phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội sẽ chi 1.800 tỷ đồng để thực hiện dự án phục dựng điện.

Được xây dựng cách đây gần 600 năm, điện Kính Thiên mang trong mình dấu ấn lịch sử của nhiều thời đại. Đó không chỉ là công trình kiến trúc quan trọng của thành Thăng Long mà còn là một biểu tượng cho một thời kỳ rực rỡ của nước nhà. 

Mặc dù điện Kính Thiên đã không thể đứng vững qua biến đổi thời gian, nhưng bằng sự kính trọng và biết ơn dành cho quá khứ, trong kế hoạch phát triển đô thị hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hà Nội đã dành nguồn lực bảo tồn các công trình lịch sử, văn hóa nội đô. Trong đó, dự kiến thành phố sẽ chi 798 tỷ đồng thực hiện dự án bảo tồn khu vực khảo cổ học tại số 18 Hoàng Diệu, 136 tỷ đồng thực hiện dự án nhà trưng bày Hoàng cung Thăng Long thuộc Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và 1.800 tỷ để phục dựng điện Kính Thiên.  

Điện Kính Thiên trong quá khứ

Điện Kính Thiên từng là một cung điện có vai trò quan trọng trong lịch sử nước nhà. Điện Kính Thiên được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của Thăng Long. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng vào năm 1428 thời Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Điện được xây trên nền điện Càn Nguyên thời Lý, điện Thiên An thời Lý - Trần.

Điện Kính Thiên chính là nơi vua Lê Thái Tổ lên ngôi, sau này điện trở thành nơi cử hành các nghi lễ quan trọng và đón tiếp sứ giả nước ngoài, đồng thời cũng là nơi thiết triều bàn việc quốc gia đại sự.

Điện Kính Thiên - nơi được Hà Nội chi 1.800 tỉ phục dựng có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu: Bức ký họa điện Kính Thiên của họa sĩ người Pháp H.Clerget (1818-1899)

Trong Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn cũng đã điểm qua về điện Kính Thiên thời xưa. Ông có dẫn Đại Nam thực lục (đệ nhất kỷ) có chép năm 1805, nhà Nguyễn cho xây lại thành Thăng Long ở ngay vị trí cũ, kích thước có thu hẹp lại hơn trước. Bên trong thành chia làm ba khu: khu trung tâm, khu phía Đông và khu phía Tây.

"Khu trung tâm: chính giữa là điện Kính Thiên xây hơi lệch về hướng Tây (để lấy hướng phong thuỷ). Bên ngoài là tường cao vòng quanh hình chữ nhật, bề dài 350 mét, bề rộng 120 mét. Bên trong chia làm hai phần: điện Kính Thiên xây trên núi Nùng; cột gỗ lim lớn người ôm không xuể; thềm điện cao ba cấp, hai bên có rồng đá lượn, phía sau là Hành Cung, chỗ vua ngự mỗi khi ra Bắc.

Điện Kính Thiên và Hành Cung có tường cao xây ngăn và có hai cổng nhỏ thông với nhau. Từ điện Kính Thiên trước mặt đi thẳng ra Đoan Môn, hai bên đường là tường cao. Đoan Môn có ba cửa: Cửa chính ở giữa dành cho vua và hai cửa phụ dành cho các quan. Sau Hành Cung là lầu Tĩnh Bắc, còn gọi là Hậu Lâu."

Điện Kính Thiên - nơi được Hà Nội chi 1.800 tỉ phục dựng có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Ảnh tư liệu: Đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) vua Nguyễn hạ lệnh phá dỡ những vật liệu thuộc cung điện cũ của nhà Hậu Lê ở trong thành, như các đồ chạm trổ bằng gỗ và bằng đá, đưa về Huế để trang trí cho cung điện trong đó, nên những di tích xây dựng của các triều trước bị mất hết, chỉ còn sót lại đôi rồng đá ở trước thềm điện Kính Thiên

Đến thời Nguyễn, vua Gia Long cho xây dựng một toà thành mới theo kiểu Vauban, điện Kính Thiên thời đó vẫn là Trung tâm của khu Hành cung thời Nguyễn, mặc dù quy mô đã thu hẹp hơn trước. 

Điện Kính Thiên - nơi được Hà Nội chi 1.800 tỉ phục dựng có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

Có thời điểm, điện Kính Thiên được xây tường bao với các lỗ châu mai quanh thềm điện

Điện Kính Thiên - nơi được Hà Nội chi 1.800 tỉ phục dựng có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Ảnh tư liệu: Năm 1886, người Pháp đã phá toà điện này để xây dựng Sở chỉ huy pháo binh quân đội Pháp. Ngôi nhà này còn được gọi là nhà Con Rồng (Long Trì) vì phía trước và sau đều có rồng đá chầu

Điện Kính Thiên - nơi được Hà Nội chi 1.800 tỉ phục dựng có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu: Khu nhà sở chỉ huy pháo binh được xây trên nền điện Kính Thiên xưa, nhìn từ phía ngoài

Di tích còn lại

Bộ Thành bậc điện Kính Thiên (thường được gọi là Thành bậc Rồng điện Kính Thiên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 9) theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31/12/2020.

Điện Kính Thiên - nơi được Hà Nội chi 1.800 tỉ phục dựng có gì đặc biệt? - Ảnh 6.

Khu vực bậc thềm rồng điện Kính Thiên ngày nay. Ảnh: Nhiệm Quân

Thềm rồng phía trước điện Kính Thiên được tạo tác năm 1467 thời vua Lê Thánh Tông. Từ Đông sang Tây dài 13m, tạo thành 3 lối lên xuống. Đôi rồng ở giữa được tạo tác theo phong cách tả thực, bằng đá nguyên khối. Rồng dài 5,3m; chân có 5 móng tượng trưng cho vương quyền. Hai bên rồng là cách điệu vân mây, biểu tượng cho vũ trụ và trời đất. 

Điện Kính Thiên - nơi được Hà Nội chi 1.800 tỉ phục dựng có gì đặc biệt? - Ảnh 7.

Bậc thềm rồng điện Kính Thiên có lối đi ở giữa dành cho vua. Ảnh: Nhiệm Quân

Đây là các thành ốp lối đi chính giữa của điện Kính Thiên - chính điện quan trọng nhất trong hệ thống cung điện của Cấm thành Thăng Long thời Lê. Hai thành bậc chạm rồng (ở giữa) và hai thành chạm mây hoá rồng (hai bên) tạo thành ba lối lên xuống. Lối đi giữa dành riêng cho nhà vua, lối đi hai bên dành cho quần thần. Hình tượng rồng với chân đá có đủ 5 móng sắc nhọn và hình mây hoá rồng được thể hiện trên các thành bậc là hình ảnh thể hiện sự biểu trưng quyền lực của nhà vua.

Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc không bắt gặp, không lặp lại ở các di tích, di vật cùng loại khác. Ảnh: Nhiệm Quân

Thềm rồng phía sau được tạo tác khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Thân rồng dài 3,4m; chân có 5 móng như thềm rồng phía trước. Hai bên thành bậc trang trí hoa sen, uyên ương, sóng nước, mây lửa, đao mác, cá hoá rồng rất trau chuốt, tinh xảo.

Theo thông tin từ Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, mảng chạm khắc sen dây trên mặt ngoài của cặp thành bậc chạm mây hoá rồng ở điện Kính Thiên là mảng chạm khắc hoa văn cổ có quy mô lớn nhất hiện nay. Đây là hiện vật gốc, độc bản gắn với di tích điện Kính Thiên - di tích quan trọng đặc biệt của Di sản văn hoá thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Điện Kính Thiên - nơi được Hà Nội chi 1.800 tỉ phục dựng có gì đặc biệt? - Ảnh 9.

Mảng chạm khắc hoa văn này là độc bản, hoa văn cổ có quy mô lớn nhất tính đến hiện nay. Ảnh: Nhiệm Quân

Hoa sen dây và các hoạ tiết khác thể hiện tư tưởng Phật giáo; sự biến chuyển từ hình tượng tả thực hoa sen thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV) sang mô típ hoa sen có sự pha trộn giữa hoa sen, hoa cúc và hoa mẫu đơn lại cho thấy những ảnh hưởng và ngày càng chiếm ưu thế của Nho giáo thời Lê sơ (thế kỷ XV).

Đây được coi là những di vật vô cùng quý giá, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hoá dân tộc Việt Nam. 

Đến thăm nền điện Kính Thiên thế nào?

Nền điện Kính Thiên nằm trong Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Đi bằng xe bus: Bạn có thể đi tuyến số 22, xe dừng ngay trước cổng Hoàng thành tại số 19C Hoàng Diệu (cổng chính dành cho du khách).

Đi bằng ô tô, xe máy: Bạn có thể đi đến đường Hoàng Diệu, đến số 19C và gửi xe tại đây.

Giá vé tại đây như sau:

Người lớn: 30.000 đồng/người/lượt

Học sinh, sinh viên và người trên 60 tuổi: 15.000 đồng/người/lượt

Trẻ em dưới 15 tuổi, người thuộc chính sách đặc biệt, có công với cách mạng: Miễn phí

Du khách có thể đặt vé tham quan trực tuyến qua website hoặc fanpage của Trung tâm tại http://vedientu.hoangthanhthanglong.com/

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long mở cửa tất cả các ngày trong tuần, thời gian từ 8h00 - 17h00. Hiện tại Khu di tích cũng có tour tham quan đêm Giải mã Hoàng Thành Thăng Long có thể đăng ký tại fanpage của khu di tích.

Theo PV

Phụ nữ số

Trở lên trên