Diện mạo đô thị dọc hai bờ sông Sài Gòn hiện nay ra sao sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhà đất?
Năm 2016 được xem là năm lên ngôi của bất động sản cao cấp ven sông khi hai bờ sông Sài Gòn rầm rộ mọc lên các dự án quy mô lớn. Nếu ở bờ Đông sông Sài Gòn, các dự án thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm nhanh chóng thay thế các mảng dừa nước, lau sậy hoang sơ thì ở bờ Tây sông đang hình thành nhiều dự án đình đám của Vingroup, Vạn Thịnh Phát...
- 12-01-2017Chấp thuận đầu tư Dự án khu hỗn hợp cao cấp cảng Nhà Rồng –Khánh Hội (Sài Gòn) quy mô trên 3.000 căn hộ
- 12-01-2017Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng: Năm 2017, hạn chế tín dụng đối với bất động sản cao cấp
- 11-01-2017Phân khúc căn hộ trung cao cấp giảm nhiệt, năm 2017 chuyển dịch lớn khi nhiều doanh nghiệp tham gia phân khúc nhà ở giá rẻ
- 05-01-2017TP.HCM: Cuối năm BĐS cao cấp bán chậm, nhà vừa túi tiền 20 người tranh mua một căn
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, có hai đồ án quy hoạch chính sẽ định hình nên diện mạo khu vực trung tâm TPHCM nằm dọc theo sông Sài Gòn. Đó là, đồ án quy hoạch xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm (bờ Đông) và đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930ha - bao gồm một phần quận Bình Thạnh, một phần quận 4 và toàn bộ quận 1, quận 3 (bờ Tây).
Đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng của TP.HCM rộng 930ha được công bố giữa năm 2013 xác định, dải bờ Tây sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận rộng 275ha là khu vực phát triển mới đa năng. Chạy dọc suốt bờ sông sẽ hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và công viên công cộng.
Đang xây dựng ồ ạt tại khu bờ Tây là khu dân cư Vinhomes Central Park; Vinhomes Golden River và tòa tháp Landmark 81 tầng...
Diện mạo hai bờ sông Sài Gòn đang được thay đổi nhanh một cách không ngờ. Theo quy hoạch, bên cạnh khu dân cư cao cấp, nơi đây còn có khu thương mại, văn phòng làm việc, khách sạn 5 sao, các tổ hợp giải trí hiện đại… với mật độ xây dựng chung của khu đô thị khoảng 35%, số tầng được xây dựng tối đa là 55 tầng (tương đương chiều cao 220m); tổ chức không gian kiến trúc theo hướng thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn.
Mới đây nhất, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông là Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư Khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội. Theo đó, TP sẽ giao khoảng 31,5ha diện tích mặt đất, mặt nước tại khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội thuộc phường 12, 13 và 18 của quận 4, TP.HCM để thực hiện dự án. Theo quy hoạch, khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội bao gồm các nhà cao tầng có chức năng hỗn hợp như trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ (3.116 căn), biệt thự (32 căn)...
“Xu hướng chuộng sống sinh thái giữa lòng thành phố của thị dân khiến các chủ đầu tư bước vào cuộc đua cung ứng ra thị trường các dự án đình đám, sở hữu vị trí ven sông, biển, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này”, ông Marc Townsend - Tổng giám đốc CBRE Việt Nam - cho hay.
Đến nay, hình dáng của khu vực này ngày một rõ hơn, nhất là khi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang triển khai xây dựng một nhà ga ở đây, tạo ra một tiện ích về giao thông vượt trội so với nhiều khu dân cư mới khác của TP.HCM.
Còn tại khu bờ Đông, mở đầu là 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm: đại lộ vòng cung 6 làn xe, đường ven hồ trung tâm (4 làn xe), đường ven sông Sài Gòn (nhìn sang quận 1, gồm 2 làn xe), đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam. Tổng chiều dài của 4 tuyến đường gần 12km, trong đó có 10 cây cầu. Mức đầu tư của 4 dự án hơn 12.000 tỷ đồng.
Khu đô thị Sala là dự án đầu tiên thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm đã và đang được đầu tư khá hoàn chỉnh
Vùng đất đầm trũng Thủ Thiêm trong tương lai gần sẽ thay bằng những công trình hiện đại.
Kết nối với bờ Tây và bờ Đông sông Sài Gòn là hàng loạt cây cầu mới (Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2…), chưa kể hầm vượt sông Sài Gòn đã được đưa vào sử dụng. Hiện tại, 99% diện tích đất tại khu đô thị Thủ Thiêm đã được bồi thường giải tỏa, 382 ha đất phát triển nhà ở và 334 ha đất khác để phát triển các khu thương mại đã sẵn sàng. Dự kiến khi hoàn thanh, Thủ Thiêm sẽ là nơi cư trú cho 150.000 cư dân và thu hút 220.000 lao động đến làm việc.
Từ năm 2015, khu đô thị mới Sala với hàng nghìn căn hộ đã được xây dựng khá hoàn chỉnh và sắp tới là tổ hợp lớn khác như: Empire City; Lotte Smart City; khu phức hợp cao cấp Sóng Việt; Trung tâm thể thao quốc tế của Vingroup; Quảng trường vòng cung; các dự án căn hộ cao cấp thuộc cụm Dự án Thủ Thiêm Lakeview và hoàn thành công tác thiết kế, xin cấp phép đầu tư cho cụm dự án Marina Bay (rộng 3,5 ha ven sông Sài Gòn) thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Nhiều chủ đầu tư khác cũng đang chuẩn bị kế hoạch triển khai nhiều dự án hạ tầng xã hội khác như nhà hát giao hưởng, trung tâm thông tin quy hoạch, cung thiếu nhi, quảng trường Mê Linh, bệnh viện quốc tế, bến du thuyền, viện nghiên cứu, công viên nước...dọc bờ Đông sông Sài Gòn.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, ông Trần Khánh Quang nhận xét: "Có thể nói năm 2016 là thời của bất động sản mặt tiền hoặc view sông. Các dự án nằm gần, thậm chí cách bờ sông, kênh rạch 1-3 km đang thu hút nhiều sự quan tâm và lấn lướt nguồn cung toàn thị trường".
Ông Quang đánh giá, ngoài giá trị quan trọng về vị trí, yếu tố view sông, hồ, kênh rạch là một tiêu chí đứng hàng thứ 2 tạo nên giá trị bất động sản. Hiện nay các chủ đầu tư đã tận dụng điều này để tạo nên một giá trị đẳng cấp cho bất động sản. Đó là triết lý gắn một mảng xanh mát vào trong một khối bê tông. "Nếu biết cách khai thác thì view sông sẽ làm giá trị bất động sản tăng thêm 10-20%", ông Quang dự báo.