Diện mạo khu đô thị sáng tạo với 1 triệu dân đầu tiên của TP.HCM ra sao?
Khu đô thị sáng tạo TP.HCM (dự kiến xây dựng trên địa bàn quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) là mô hình phát triển đô thị công nghệ cao và thông minh sẽ kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ trên nền tảng công nghệ cao.
TP.HCM với tham vọng biến khu Đông thành khu đô thị sáng tạo 1 triệu dân
Gửi lời chúc mừng năm mới đến người dân TP.HCM và đồng bào cả nước, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - cũng cho biết, năm 2018 thành phố sẽ tập trung triển khai nhiều dự án theo cơ chế chính sách đặc thù , tạo đột phá.
"Năm 2018 sẽ là một năm bản lề đối với thành phố và cả nước. Song song với việc rà soát 7 chương trình đột phá, thành phố sẽ đánh giá lại tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới. Chúng ta có một số giải pháp mới là việc thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù và dự án đô thị thông minh", ông khẳng định.
Theo người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM, Nghị quyết 54 là chìa khóa để phát huy những điểm đặc thù của thành phố, cho thành phố tự chi ngân sách, đáp ứng phục vụ người dân tốt hơn. Quốc hội cũng tạo cơ chế cho thành phố vay vốn bằng ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại, miễn không ảnh hưởng ngân sách quốc gia. Đồng thời, thu nhập cho cán bộ sẽ được tăng nếu có năng suất, hiệu quả cao hơn...
Một giải pháp quan trọng là thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo TP.HCM tích hợp các quận 9 (Khu công nghệ cao), quận 2 (Khu đô thị mới với trung tâm tài chính Thủ Thiêm), quận Thủ Đức (12 trường đại học với trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên). Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nói rõ hơn về đô thị thông minh, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thông minh là mọi hành động đều gắn với dự báo, sẽ nhìn thấy dài hạn. Chẳng hạn, hiện có nhiều vấn đề người dân hỏi chính quyền không trả lời được như 'bao giờ hết kẹt xe, ngập nước' do chưa thể phân tích, dự báo.
Theo Bí Thư Nhân, Đề án này chỉ là thay đổi cách làm chứ không thêm tiền. Bằng đề án này thành phố sẽ quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo để ngăn chặn, bớt việc phải giật mình khi phát triển vì đô thị thông minh sẽ đưa ra các dự báo gần sát với thực tế dựa trên tích hợp số liệu hàng năm.
Theo ông Nhân, khi xây dựng, đô thị thông minh sẽ giúp chính quyền mô phỏng được tình trạng giao thông, đánh giá số liệu mưa, triều cường… nên có thể dự báo trước hàng ngày kẹt xe chỗ nào, khắc phục được ngập nước. "Bản chất đô thị thông minh là giúp chúng ta bớt giật mình, dự báo trước vấn đề bằng máy tính, trí tuệ nhân tạo", Bí thư Nhân nói.
Bí thư TP HCM muốn ban điều hành đề án xây dựng phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền thí điểm trước tiên, đồng thời phải triển khai một số nội dung: giao thông, giáo dục thông minh, giám sát môi trường, cùng huy động vai trò, góp ý người dân làm trước trong năm 2018. Vì vậy, thành phố mong muốn Ngân hàng Thế Giới (WB) sẽ đưa nội dung hỗ trợ dự án xây dựng đô thị sáng tạo vào trong Biên bản ghi nhớ giữa thành phố và WB về liên kết chiến lược giai đoạn 2017-2020.
Trong thông điệp đầu năm mới của mình, Bí thư TP.HCM cũng nhấn mạnh Thành phố cũng đã chuẩn bị và giới thiệu các dự án chỉnh trang kênh rạch với mục tiêu 20.000 nhà trên kênh rạch sẽ được giải quyết trong vòng 5 năm tới. Nguồn lực chủ yếu để thực hiện vẫn là nguồn vốn xã hội hoá. Khoảng 6-9 tháng nữa thành phố sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Thứ hai là cơ chế phát triển trên cơ sở Nghị quyết 54 đã được Quốc hội thông qua. Nghị quyết 54 không cho thành phố tiền mà cho thành phố cách làm để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Khi đó, thành phố có điều kiện để đầu tư chăm lo cho đồng bào, cán bộ công chức tốt hơn. Đây là đổi mới cơ chế đầu vào.
Thứ ba, liên quan đến thể chế, Thành uỷ TP.HCM đã có quyết định về xử lý thông tin do nhân dân phản ánh về tập thể và cá nhân có những biểu hiện vi phạm phẩm chất đạo đức, luật pháp, quy định của Đảng.
Theo quyết định này, có 4 cơ quan tiếp thu ý kiến người dân là Chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đại biểu Quốc hội, HĐND và các cấp uỷ. Bốn nguồn thông tin là: thông tin từ báo chí, tiếp xúc cử tri, khiếu nại tố cáo, giám sát của mặt trận và HĐND. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một quy định tiếp thu xử lý ý kiến phản ánh của người dân.
Như vậy, năm 2017, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, quốc phòng, an ninh thì TP.HCM đang có 4 nội dung hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của thành phố mà chúng tôi đánh giá là rất có ý nghĩa.