Diện mạo khu vực sắp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam
Sau khi sáp nhập với huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt sẽ tăng diện tích gấp 4 lần, lên 1.700 km2, lớn hơn các thành phố trực thuộc trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
- 26-09-2023Thành phố Đà Lạt sắp “thay da đổi thịt”, rộng gấp 4 lần hiện tại vào năm 2024
- 04-05-2023Thống nhất mở rộng Đà Lạt 4 lần; sáp nhập 3 huyện thành 1
Tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, đến năm 2024, việc nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị Đà Lạt sẽ được hoàn thành. Điều này biến Đà Lạt trở thành thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (1.707 km2), và chỉ nhỏ hơn 2 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và TP.HCM. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lâm Đồng.
Cả Đà Lạt và Lạc Dương đều nằm trên cao nguyên Lâm Viên, có sự tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng và đặt trọng tâm kinh tế phát triển du lịch và nông nghiệp. Riêng Đà Lạt hiện nay có diện tích gần 400km2, dân số tính đến năm 2022 là hơn 237.000 người. Huyện Lạc Dương có diện tích gấp 3 lần Đà Lạt, trong đó rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chiếm gần 90%, dân số khoảng 36.000 người, tỷ lệ đô thị hoá thấp. Việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng Đà Lạt, đặc biệt là về du lịch, nông nghiệp và đầu tư.
Đà Lạt trong tương lai sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh, lấy thành phố hiện hữu làm trung tâm hành chính, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc. Năm 2022, "thủ phủ du lịch" của tỉnh Lâm Đồng thu hút tới 7 triệu khách, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch đạt 11.900 tỷ đồng.
Thành phố cũng đang triển khai xây dựng hồ sơ công nhận trung tâm thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố di sản với các công trình chính gồm: Hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Cầu Ông Đạo, Nhà thờ Con gà, Thủy Tạ, Dalat Palace Hotel, Viễn thông Lâm Đồng, Khách sạn Du Parc, Khách sạn Công đoàn, Quảng trường Lâm Viên và Công viên Yersin.
Tuy có độ che phủ rừng lên tới 51% (số liệu năm 2020), diện tích rừng nội đô những năm gần đây đã giảm mạnh từ 3,56 km2 năm 1997 xuống còn 1,51 km2 năm 2018. Trong quy hoạch mở rộng, chính quyền địa phương được yêu cầu giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan Đà Lạt và vùng phụ cận đặc biệt là hệ thống rừng, cảnh quan sông suối ao hồ, di sản kiến trúc; tăng cường quỹ đất xanh công cộng, cải thiện môi trường khu vực hiện hữu.
Đối với Lạc Dương, vùng này có lợi thế về không gian xanh với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang và không gian văn hoá dân tộc bản địa. Tỉnh Lâm Đồng cũng đang hoàn thành đầu tư và khai thác các công trình du lịch trọng điểm, trong đó có Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng nằm tại phường 7 thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Dự án có quy mô gần 40 km2, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 30.300 tỷ đồng. Trong ảnh là đập thuỷ điện Ankroet - nhà máy thuỷ điện đầu tiên tại Việt Nam, nằm trong quần thể hồ Đankia - Suối Vàng, dưới chân núi Lang Biang.
Mối quan hệ giữa thành phố Đà Lạt tương lai và các vùng phụ cận như thành phố Bảo Lộc, sân bay Liên Khương (huyện Đức Trọng), tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt và hệ thống đường cao tốc, quốc lộ… được quan tâm. Trong ảnh là cao tốc Liên Khương - Prenn dài 19,2 km nối Cảng hàng không quốc tế Liên Khương - sân bay lớn nhất Tây Nguyên với chân đèo Prenn - cửa ngõ thành phố Đà Lạt. Tuyến đường được khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 29/6/2008, tổng vốn xây dựng trên 933 tỷ đồng. Đây hiện là cao tốc duy nhất ở tỉnh Lâm Đồng và rẻ nhất cả nước xét về tổng mức đầu tư. Ảnh: Võ Trang.
Tháng 2/2023, đèo Prenn chính thức được đóng hai đầu nhằm phục vụ công tác nâng cấp. Mặt đường sau khi nâng cấp sẽ rộng 14 m, gấp đôi mặt đường hiện hữu, nối thẳng vào cao tốc Liên Khương - Prenn, giúp cửa ngõ Đà Lạt thông suốt. Địa phương cũng tập trung hoàn thiện khép kín hệ thống đường vành đai TP Đà Lạt 800 tỷ đồng; đường tránh Prenn - Xuân Thọ; đường nối Liên Nghĩa - Thạnh Mỹ, giúp giảm lưu lượng xe trên đèo Prenn, đèo Mimosa và trung tâm thành phố Đà Lạt.
Khi hoàn thành sáp nhập, thành phố Đà Lạt sẽ tiếp giáp với hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Trong ảnh là đèo Khánh Lê thuộc QL27C có chiều dài 121 km, hiện kết nối huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) và huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Sam Sam.
UBND TP Đà Lạt đã công bố loạt dự án hạ tầng nội thành đủ điều kiện khởi công, thời gian hoàn thành dự kiến chậm nhất vào năm 2026. Cụ thể là dự án nâng cấp đường Phù Đổng Thiên Vương (phường 8) gần 278,5 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Văn Thụ gần 140 tỷ đồng; đường Trần Lê 22,5 tỷ đồng; đường Bùi Thị Xuân (phường 2 và 8) trị giá 110 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, thành phố đang có định hướng phát triển mô hình kinh tế đêm trên địa bàn đến năm 2030, cụ thể là mô hình công viên nhạc nước tại Vườn hoa thành phố; tuyến phố đêm tại khu vực Khu Hòa Bình, đường Ba Tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh (Phường 1) và tuyến phố ẩm thực tại khu vực hồ Hoàng Văn Thụ, đường Trần Lê (Phường 4).