Huyện đông dân nhất Việt Nam thu ngân sách tăng gấp 13 lần sau chia tách, được đề xuất lên thành phố
Bình Chánh là huyện có số dân đông nhất cả nước với hơn 815.000 người, dự kiến tăng mỗi năm thêm 30.000 người.
- 04-12-2023Việt Nam sẽ có thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới
- 04-12-2023DUYTAN Recycling và hành trình tái chế nhựa cho cuộc sống tái sinh
- 04-12-2023Bộ Công an: Có đối tượng cố tình bóp méo thông tin về đề xuất lắp camera giám sát hành trình
Ngày 1/12, huyện Bình Chánh, TP HCM tổ chức họp mặt kỷ niệm 20 năm chia tách địa giới hành chính huyện Bình Chánh (2003-2023).
Theo Nghị định 130 năm 2003 của Thủ tướng về việc chia tách địa giới hành chính, huyện Bình Chánh cũ được tách ra, thành lập mới quận Bình Tân. Đến ngày 2/12/2003, huyện Bình Chánh đã thực hiện xong việc chia tách.
Việc chia tách địa giới hành chính được thực hiện trên cơ sở chia tách 3 xã (Tân Tạo, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa), 1 thị trấn (An Lạc) để thành lập 10 phường thuộc quận Bình Tân. Sau lễ công bố thành lập quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đã tổ chức lễ công bố chuyển xã Tân Túc thành thị trấn Tân Túc.
Sau chia tách, Bình Chánh là một trong năm huyện ngoại thành của TP HCM. Địa phương này có 15 xã và 1 thị trấn, diện tích tự nhiên gần 253 km2, dân số hơn 219.000 người. Kinh tế huyện lúc đó chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho đầu tư, phát triển.
Sau 20 năm vượt khó, kinh tế huyện Bình Chánh đã phát triển nhanh, bền vững với tốc độ bình quân 22,2% mỗi năm.
Năm 2004, thu ngân sách Nhà nước của huyện là 156 tỷ đồng, đạt 130% so với dự toán. Đến năm 2015, Bình Chánh đã gia nhập câu lạc bộ các quận, huyện đạt mức thu từ 1.000 tỷ đồng của TP HCM và liên tục 3 năm (2015-2017) thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Từ năm 2019 đến nay, thu ngân Nhà nước của huyện đã đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm.
Năm 2023, ước thu ngân sách Nhà nước thực hiện 2.089 tỷ đồng, tăng gấp 13,39 lần so với năm 2004. Như vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2004 - 2023, đạt khoảng 21.997 tỷ đồng, đạt 110% so với tổng dự toán được giao (20.067 tỷ đồng). Trong đó, thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh là 7.366 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 34% tổng thu ngân sách nhà nước.
Dân số huyện cũng tăng mạnh, lên 815.000 người, trở thành huyện có dân số đông nhất cả nước. Theo Bí thư Huyện ủy Trần Văn Nam, quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện sẽ còn diễn ra nhanh, dân số của huyện sẽ luôn ở mức cao do tăng cơ học, trung bình 30.000 người mỗi năm.
Được định hướng trở thành trung tâm đô thị công nghiệp của phía tây TP HCM với đầy đủ đặc tính của một đô thị công nghiệp hiện đại, huyện này đang tập trung phát triển mạnh khoa học và công nghệ; y tế và chăm sóc sức khỏe; giáo dục và đào tạo bậc cao...
Hồi cuối tháng 11, Liên danh tư vấn cho Quy hoạch chung TP HCM đã đề xuất phát triển mô hình đa trung tâm tại TP HCM với 5 vùng đô thị (gồm 1 vùng trung tâm và 4 thành phố). Theo đó, huyện Bình Chánh dự kiến sẽ trở thành một phần của TP phía Tây. Thành phố này với 2-3 triệu người là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo...
Trước đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM đề xuất huyện Bình Chánh nên là thành phố trực thuộc TP HCM vì địa phương không có khả năng chuyển đổi thành quận trước năm 2030. Do huyện còn một số xã thuần nông, không thể đáp ứng tiêu chí 100% xã, thị trấn phải là phường. Vì vậy, huyện Bình Chánh chọn mô hình chuyển đổi từ huyện lên TP trực thuộc TP.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, huyện Bình Chánh phải phát triển 12/16 xã, thị trấn thành phường và định hướng phát triển Bình Chánh trở thành TP phức hợp, liên kết vùng. Hiện Bình Chánh phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại III và làm thủ tục đề nghị công nhận thành phố thuộc TP HCM vào năm 2025.
Nhịp sống thị trường