MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh miền núi phía Bắc tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước 2 năm liên tiếp

4 năm liên tiếp, Bắc Giang ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Đáng chú ý, năm 2020 và 2023, tỉnh này vươn lên đứng đầu cả nước về tăng trưởng GRDP.

Tỉnh miền núi phía Bắc tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước 2 năm liên tiếp - Ảnh 1.

Là tỉnh miền núi, cách Hà Nội 50km về phía Bắc, những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bắc Giang đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nếu như năm 2022, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 19,3%, đứng thứ 2 cả nước thì sang năm 2023, đạt 13,45% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước) và vươn lên đứng đầu cả nước.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp Bắc Giang tăng trưởng cao. Trước đó vào năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP của Bắc Giang đứng đầu toàn quốc, đạt 13,02%. Sang năm 2021, mức này đạt 7,82%, đứng thứ 10 cả nước.

Tại Hội nghị thường kỳ phiên thứ 16 của tỉnh Bắc Giang hôm 1/12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết, cơ cấu kinh tế địa phương dịch chuyển theo hướng tích cực, có sự bứt phá và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Tỉnh có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Quy mô GRDP được mở rộng, ước đạt 181.900 tỷ đồng, tương đương khoảng 7,6 tỷ USD, vượt 0,2% kế hoạch.

Quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 12 cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2022, đứng đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.950 USD, tăng 10%, vượt 3% kế hoạch, đứng thứ 23 cả nước.

Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế (đóng góp trên 85% tăng trưởng chung của tỉnh). Cơ cấu ngành công nghiệp dịch chuyển đúng định hướng với vai trò dẫn dắt đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định. Các sản phẩm nông sản trọng điểm đều được mùa, tiêu thụ thuận lợi; đến hết năm, toàn tỉnh có 290 sản phẩm OCOP (tăng 85 sản phẩm so với năm 2022), vượt 26,1% kế hoạch.

Ngoài ra, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố, thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

Thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả nổi bật. Tính đến ngày 27/11/2023, tỉnh đã thu hút được trên 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần cùng kỳ, đạt kỷ lục từ trước đến nay. Tính riêng thu hút mới FDI, Bắc Giang đứng thứ hai cả nước sau Quảng Ninh với số vốn đạt trên 1,53 tỷ USD (tính cả điều chỉnh tăng và cấp mới, thu hút FDI đứng thứ 4 cả nước).

Công nghiệp là trụ cột chính

Nếu như năm 2000, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm từ 7%, thì đến 2023, con số này tăng lên gấp hơn 8 lần, đạt 59%. Công nghiệp được xác định là trụ cột chính, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bắc Giang.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, trong kế hoạch phát triển hạ tầng công nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh từ nay đến năm 2025, tỉnh ưu tiên thành lập mới 15 KCN, với tổng diện tích đất quy hoạch khoảng 835 ha; giao Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các KCN trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định, từ đó sớm thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 KCN (trong đó có 08 KCN đang hoạt động) được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, với tổng diện tích đất quy hoạch gần 4.600ha. Hiện nay có 08 KCN mới, 01 KCN mở rộng đã có Nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.

Các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thu hút hàng loạt dự án mới từ các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Mỹ. Hiện diện tại khu công nghiệp Quang Châu từ năm 2019, Foxconn đối tác chuỗi cung ứng chủ chốt của Apple, đang là doanh nghiệp FDI đầu tư lớn nhất tại đây, với tổng vốn đăng ký 773 triệu USD. Diện tích thuê đất gần 70 ha.

Đến tháng 8/2022, Foxconn ký thỏa thuận trị giá 300 triệu USD với một nhà thầu Việt Nam để xây nhà máy mới ở Bắc Giang trị giá 300 triệu USD, quy mô 50,5 ha sử dụng hơn 30.000 lao động tại Bắc Giang.

Điển hình khác là dự án "Nhà máy công nghệ chính xác Fulian" Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd do Công ty TNHH Fulian. Hay Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited (Trung Quốc) cũng đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với quy mô công suất 3.500 Mw/năm tại KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa). Tổng vốn đăng ký của hai dự án vào tháng 1/2023 khoảng 761 triệu USD.

Tháng 11, Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần thứ 10 cho dự án thành lập Công ty TNHH Luxshare- ICT Việt Nam và mở rộng sản xuất tại Bắc Giang. Tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh của công ty này là 504 triệu USD. Năm nay, Công ty TNHH JA Solar Việt Nam cũng có số vốn tăng thêm 378 triệu USD.

Nhật Minh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên