MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện máy khan hàng, tăng giá

23-05-2021 - 09:08 AM | Thị trường

Máy tính, điện thoại... cũng rơi vào vòng xoáy nguồn cung giảm do thiếu hụt linh kiện, buộc giá tăng theo.

Ông Trương Hoàng Thanh, phụ trách kinh doanh một hệ thống siêu thị điện máy tại TP HCM, cho biết hầu hết các sản phẩm điện máy mẫu mới đều tăng giá ít nhất 3%-5%, riêng tivi tăng mạnh 10%-20%. Các hãng cảnh báo khả năng thiếu hụt nguồn cung tivi sẽ còn kéo dài từ nay đến cuối năm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Hệ thống này phải tăng dự trữ hàng gấp đôi so với bình thường.

Nêu nguyên nhân chi phí vận chuyển tăng gấp 3-4 lần bên cạnh giá linh kiện tăng 8%-9% so với năm ngoái, đại diện hãng điện máy Media thông báo hầu hết các mặt hàng đều tăng giá từ 8%-20%. Tương tự, ông Lê Xuân Hoàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo, dẫn chứng linh kiện tăng giá 20%, nguyên liệu đồng tăng giá 50% và nhựa tăng 20%... để giải thích cho kế hoạch có thể điều chỉnh giá sản phẩm thêm 10%-20% trong thời gian tới. Mức dự kiến tăng giá tại Công ty CP Viettronics là 10%-30%, nguyên nhân giá cả đầu vào tăng cao.

Điện máy khan hàng, tăng giá - Ảnh 1.

Hàng điện máy tiêu thụ trên thị trường hiện nay chủ yếu tồn từ những năm trước. Ảnh: GIA HƯNG

Với sản phẩm laptop, iPad, sức mua trên thị trường những tháng qua tăng 20%. Trong khi đó, nguồn cung không đủ đáp ứng do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh để phục vụ làm việc từ xa và thiếu hụt chip nghiêm trọng, đặc biệt là thiếu GPU - bộ vi xử lý phân tích những khối dữ liệu về hình ảnh, đồ họa. Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, cho biết giá laptop có xu hướng tăng còn bởi các hãng và nhà phân phối gặp tắc nghẽn trong khâu vận chuyển. Rất nhiều lô hàng không kịp vận chuyển bằng đường biển, phải đi bằng đường hàng không, kéo theo chi phí tăng đáng kể.

Cơn bão giá linh kiện khiến Acer phải thông báo giá bán lẻ laptop sẽ tăng 2 đợt vào đầu quý II/2021 và đầu quý III/2021 trong thư điện tử gửi các đối tác Việt Nam. Apple không nằm ngoài vòng ảnh hưởng khi cho biết hoãn sản xuất một số máy tính bảng và máy tính xách tay. Một số hãng điện thoại như Xiaomi, Oppo… lùi thời gian ra mắt sản phẩm mới hoặc chỉ đưa ra thị trường mẫu mới với số lượng nhỏ. Các hãng giải thích nếu ra mắt sản phẩm mới vào thời điểm này, sẽ phải tăng giá khoảng 15% mới bù đắp được chi phí tăng, trong khi sức mua đang rất yếu nên chắc chắn thị trường không chấp nhận.

Tăng giá là tất yếu

Ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, dẫn báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) cho thấy cần khoản đầu tư thêm ít nhất 1.000 tỉ USD để xây dựng khả năng tự cung cấp chất bán dẫn trong khu vực. Điều này sẽ khiến giá bán dẫn tăng 35%-65%. "Chi phí sản xuất cao hơn sẽ dẫn đến giá chip đắt hơn, kéo theo giá tất cả sản phẩm điện tử tiêu dùng tăng theo. Chúng ta sẽ chứng kiến những đợt tăng giá trong tương lai gần" - ông Eric Xu cảnh báo và cho rằng việc khôi phục hợp tác trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu là rất quan trọng.

Theo Gia Hưng - Hoài Dương

Người lao động

Trở lên trên