MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện thoại bỗng bị đơ màn hình, cuộc gọi từ ngân hàng thông báo tin "sét đánh": Có kẻ lấy mất 600 triệu rồi!

10-09-2023 - 13:55 PM | Sống

Sau khi mua đồ ăn online, người phụ nữ nhận thấy điện thoại nóng lên và bị đơ màn hình - bất kể vuốt thế nào, thiết bị vẫn quay lại màn hình chính. Một lúc sau, ngân hàng gọi điện thông báo hơn 600 triệu bị chuyển khỏi tài khoản.

Điện thoại đơ màn hình, tiền biến mất

Zhong Luo, 48 tuổi, xem một quảng cáo về món cơm trà trên mạng xã hội vào ngày 2/9. Không thể chối từ trước lời mời gọi hấp dẫn, cô trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo và mất hơn 37.000 SGD (hơn 650 triệu đồng), Shin Min Daily News đưa tin.

"Trang web này bán cơm trà với giá 7,90 SGD một suất, kèm theo ưu đãi mua hai tặng một. Có rất ít người bán món ăn này ở Singapore nên tôi quyết định mua ba suất về cho gia đình", Luo nói.

Cô liên hệ với người bán thông qua một ứng dụng nhắn tin và nhận được liên kết chứa biểu mẫu để khách hàng điền địa chỉ giao nhận. Tuy nhiên, khi nhấp đó, một ứng dụng có tên Grab and Go được tải xuống điện thoại di động.

Chiều hôm sau, Luo nhận thấy điện thoại nóng lên và bị đơ màn hình - bất kể vuốt thế nào, thiết bị vẫn quay lại màn hình chính.

Điện thoại bỗng bị đơ màn hình, cuộc gọi từ ngân hàng thông báo tin "sét đánh": Có kẻ lấy 600 triệu rồi! - Ảnh 1.

Vào lúc 4 giờ chiều, cô nhận được cuộc gọi  bất thường từ ngân hàng thông báo về giao dịch chuyển khoản 6.000 SGD, khiến cô nhận ra có điều gì đó không ổn.

"Tôi đã yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản ngay lập tức và giải thích với họ rằng mình không hề chuyển tiền", Luo nói.

"Nhưng đến 6 giờ chiều, ngân hàng gọi lại, nói có ba lần chuyển khoản ra khỏi tài khoản với số tiền lên tới 37.466 SGD. Tôi lập tức gọi cảnh sát".

Thừa nhận bản thân đã nhấp vào liên kết, Luo đổ lỗi một phần cho ngân hàng, nói rằng họ đáng lẽ phải đóng băng tài khoản của cô vào lúc 4 giờ chiều.

"Nếu ngân hàng kịp thời ngăn chặn hoạt động chuyển tiền, hậu quả đã được giảm thiểu", Luo tiếc nuối.

Người phụ nữ chia sẻ 37.000 SGD bị mất là số tiền mà cô và chồng đã vất vả kiếm trong nhiều năm, dành dụm cho những ngày tháng về hưu.

Ngoài ra, con trai cô hiện đang học tại một trường cao đẳng tư thục và sẽ phải đóng học phí 6.000 SGD trong tháng này, cùng với 2.500 SGD tiền bảo hiểm.

Chỉ còn 6 xu trong tài khoản ngân hàng, Luo cho biết cô phải vay tiền từ gia đình và bạn bè để sống.

Từ trải nghiệm này, Lou cảnh báo mọi người khác không nên mắc phải sai lầm tương tự, đồng thời giúp hai người bạn của mình - những người tình cờ nhìn thấy cùng một quảng cáo – thoát khỏi vụ lừa đảo.

Tìm giúp việc, mất tiền trên mạng

Môi trường mạng đầy rẫy hiểm nguy. Không chỉ là mua hàng mà ngay cả những dịch vụ tưởng chừng an toàn nhất hóa ra cũng có cạm bẫy ẩn sau.

Sau khi trả khoản đặt cọc 5 SGD, một phụ nữ Singapore nghĩ rằng mình đã đặt xong dịch vụ dọn vệ sinh nhà cửa. Nhưng Lu Meilin, 47 tuổi, cuối cùng lại mất hơn 4.300 SGD (75 triệu đồng) trong một vụ lừa đảo thẻ tín dụng.

Điện thoại bỗng bị đơ màn hình, cuộc gọi từ ngân hàng thông báo tin "sét đánh": Có kẻ lấy 600 triệu rồi! - Ảnh 2.

Trao đổi với Shin Min Daily News, Lu nói cô đã xem qua quảng cáo của một công ty vệ sinh trên Facebook hồi tháng 12/2022.

Cô liên hệ với họ để hỏi về dịch vụ dọn dẹp nhà cửa và nhận được phản hồi qua tài khoản WhatsApp được liên kết với số điện thoại của Malaysia.

Cả hai bên đồng ý trả 25 SGD cho bốn giờ dọn dẹp.

Người phụ nữ làm công việc kinh doanh cho biết: "Sau khi đặt lịch hẹn, công ty gửi cho tôi đường dẫn để tải xuống một ứng dụng di động và bảo tôi đặt cọc 5 SGD vào đó".

Cô được chuyển đến một biểu mẫu trực tuyến và nhập số thẻ tín dụng, ngày hết hạn, tên chủ thẻ và mã xác minh (CVC).

"Khi tôi gửi biểu mẫu trực tuyến, trang web hiển thị thẻ không hợp lệ. Tôi không nghĩ nhiều về điều đó vì khoản thanh toán không được thực hiện", Lu nói và cho biết phía công ty đáp lại rằng cô có thể thanh toán dịch vụ bằng tiền mặt.

Nhưng người phụ nữ này nhận được một tin nhắn bất ngờ từ ngân hàng vào sáng hôm sau, thông báo thẻ đã vượt quá hạn mức tín dụng.

Lu cảm thấy sốc vì gần đây cô không mua bất cứ thứ gì bằng chiếc thẻ đó.

Sau khi nói chuyện với ngân hàng, cô phát hiện ai đó đã sử dụng thông tin thẻ tín dụng để thực hiện ba lần chuyển khoản – tổng cộng hơn 4.300 SGD.

Những kẻ lừa đảo đã cố gắng thực hiện chuyển khoản lần thứ tư nhưng không thành công khi thẻ của cô đạt đến giới hạn. Liu đã trình báo cảnh sát và kêu gọi ngân hàng giúp đỡ.

Mặc dù mất số tiền lớn vào tay kẻ lừa đảo, Lu tiết lộ mọi chuyện có thể còn tồi tệ hơn nhiều.

Sau khi nhận được thông báo "thẻ không hợp lệ" trong lúc cố gắng thanh toán tiền đặt cọc nói trên, Liu thậm chí đã thử thanh toán bằng một thẻ ngân hàng khác.

"May mắn thay, sau khi nghi ngờ có gian lận, tôi đã liên hệ ngay với ngân hàng để hủy thẻ này. Nếu không tôi cũng sẽ bị mất tiền trong tài khoản", Liu thở phào.

Từ những vụ việc trên, các chuyên gia khuyến cáo người dùng điện thoại Android không nhấp vào liên kết lạ hoặc tải xuống ứng dụng khả nghi của bên thứ ba. Ngoài ra, tuyệt đối không điền thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng vào các biểu mẫu thiếu tin cậy trên mạng.

Theo Mạnh Kiên

Phụ nữ số

Trở lên trên