Điện thoại iPhone hết thời hoàng kim ở Trung Quốc?
Có một số yếu tố khiến iPhone không còn giữ được “ánh hào quang” tại quốc gia đông dân nhất thế giới...
- 11-02-2019Vì sao nói Apple khó có thể lâm vào tình cảnh của Nokia ngày trước?
- 09-02-2019Chìa khóa trở lại thành công của Apple: thừa nhận iPhone đang lao dốc và điều đó chẳng làm sao cả!
- 04-02-2019Vì sao Apple sẽ mất ít nhất 10 năm nếu muốn chuyển sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc?
- 30-01-2019iPhone ế ở Trung Quốc, doanh thu Apple bị thổi bay 5 tỷ USD
Doanh số điện thoại thông minh (smartphone) của hãng công nghệ Mỹ Apple tại Trung Quốc ước tính đã giảm 20% trong quý 4/2018, cho thấy iPhone ngày càng giảm vị thế ở thị trường thiết bị di động lớn nhất thế giới, trong khi đối thủ địa phương Huawei chiếm thị phần ngày càng lớn.
Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo do công ty nghiên cứu thị trường công nghệ IDC công bố ngày 11/2 cho thấy doanh số thị trường smartphone Trung Quốc nói chung giảm 9,7% trong quý 4, nhưng tốc độ giảm doanh số iPhone mạnh gấp đôi con số này.
Nền kinh tế giảm tốc, thời gian sử dụng mỗi chiếc iPhone kéo dài hơn, và mức giá đắt đỏ của loại smartphone này được xem là những yếu tố khiến iPhone không còn giữ được "ánh hào quang" tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo báo cáo trên, doanh số của Xiaomi tại thị trường Trung Quốc thậm chí còn giảm mạnh hơn trong quý 4/2018, với mức giảm khoảng 35%.
Các nhà sản xuất smartphone từ Apple tới Samsung đều đang đối mặt với một thị trường toàn cầu trở nên bão hòa sau nhiều năm tăng trưởng chóng mặt, bởi mức độ sáng tạo giảm dần khiến người tiêu dùng không có nhiều lý do để thay thế thiết bị thường xuyên như trước.
Ngoài ra, Apple còn phải đương đầu với sự nổi lên của Huawei - hãng smartphone đang gia tăng nhanh chóng thị phần tại Trung Quốc, nơi từng là một đầu tàu tăng trưởng doanh số của "táo khuyết". Mấy tháng qua, các hãng bán lẻ hàng điện tử hàng đầu của Trung Quốc đã cắt giảm giá bán iPhone tới 20% - một động thái hiếm gặp, cho thấy người tiêu dùng nước này không còn mặn mà với các thiết bị của Apple như trước.
"Apple không có một chiến lược thị trường tốt phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường Trung Quốc", bà Nicole Peng, một Giám đốc cấp cao của Canalys, nhận định. "Có vẻ như Apple chậm chạp trong việc phản ứng với sự giảm tốc kinh tế và những thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng của Trung Quốc".
Nhu cầu suy giảm tại thị trường Trung Quốc làm gia tăng những thách thức đối với Apple, khi hãng thời gian gần đây không thể tung ra một thiết bị gây sốt mới, giữa lúc những thiết bị hiện có đã giảm dần sức hút. Doanh thu của Apple từ iPhone trong quý 4 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để bù đắp cho sự suy giảm doanh thu này, Apple đang nỗ lực gia tăng doanh thu từ mảng dịch vụ.
Tổng giám đốc (CEO) Tim Cook của Apple vốn xem Trung Quốc là một phần chủ đạo trong chiến lược của hãng. Năm tài khóa vừa rồi, Apple đạt doanh thu khoảng 52 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc bao gồm Hồng Kông. Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý 4/2018 đạt mức thấp nhất kể từ 2009, doanh thu của Apple trong quý 4 tại nước này giảm 27%.
Sự giảm tốc kinh tế Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính phía sau việc Apple có động thái cắt giảm dự báo doanh thu lần đầu tiên sau 2 thập niên. Tuy nhiên, ông Cook nói sẽ tập trung chiến lược dài hạn, nhấn mạnh mức tăng trưởng doanh thu 19% ở mảng dịch vụ.
Trong năm 2018, Huawei đã vượt Apple để trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ nhì thế giới về doanh số. Hiện tại, Huawei vẫn đang là hãng smartphone số 1 tại thị trường Trung Quốc, với khoảng cách dẫn trước rất an toàn so với các đối thủ.
Trong quý 4/2018, doanh số smartphone Huawei tại thị trường Trung Quốc tăng 23,3% so vơi cùng kỳ năm trước, theo IDC, bất chấp loạt khó khăn phải đối mặt bao gồm vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu và những nỗ lực của Mỹ nhằm chặn thiết bị 5G của Huawei tại nhiều quốc gia.
Theo IDC, Apple xếp thứ tư về doanh số smartphone tại Trung Quốc trong quý 4, sau Huawei, Oppo và Vivo, đồng thời dẫn trước Xiaomi.
Ngành công nghiệp smartphone toàn cầu hiện đang dựa vào những sáng tạo như màn hình gập, camera 3D, và công nghệ 5G để "hồi sinh" thị trường. Lập luận của những người trong ngành là người tiêu dùng sẽ bị lôi cuốn một khi họ trải nghiệm những thiết bị với tốc độ truyền dữ liệu nhanh gấp 10 lần những thiết bị hiện nay.
Tỷ phú Lei Jun, nhà đồng sáng lập Xiaomi, là một trong những người kỳ vọng rằng công nghệ 5G sẽ giúp "hồi sinh" nhu cầu smartphone. Tuy nhiên, IDC nói rằng những chiếc điện thoại siêu nhanh ít nhất phải đến năm 2020 mới trở thành tiêu chuẩn, vì các mạng 5G đến nay mới bắt đầu được triển khai.
"Thị trường smartphone Trung Quốc trong 2019 có vẻ không lạc quan lắm", nhà phân tích Wang Xi của IDC nói trong báo cáo. "Điện thoại 5G mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường nói chung. Còn một chặng đường dài phải đi trước khi điện thoại 5G trở thành sản phẩm dòng chính".
VnEconomy