Diện tích hồ tiêu vượt xa quy hoạch
Theo Bộ NN&PTNT: Tính đến tháng 12/2018, diện tích hồ tiêu đã đạt 152.000 ha, trong khi quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha.
- 09-12-2018Đưa hồ tiêu vào sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng
- 05-12-2018Việt Nam có thể mất vị trí số 1 về hồ tiêu
- 04-12-2018Hồ tiêu được mùa, nông dân vẫn không vui
- 06-11-2018Nạn phá hoại hồ tiêu ở Đắk Lắk khiến nông dân điêu đứng
Đơn cử theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu Gia Lai là 6.000 ha. Tuy nhiên, số liệu từ “Niên giám thống kê Gia Lai” cho thấy, đến cuối năm 2017, con số này đã lên tới 17.750 ha, vượt quy hoạch gần 3 lần.
Việc diện tích hồ tiêu liên tục gia tăng làm cho giá cả hồ tiêu rơi vào tình trạng mất kiểm soát, kèm theo dịch bệnh bùng phát và lâm vào khủng hoảng như hiện nay.
Dự kiến, năm 2018, sản lượng tiêu toàn quốc đạt 230.000 tấn, tăng so với mức ước tính 210.000 tấn năm 2017 (năm 2016 đạt 175.000).
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA): Trên phạm vi thế giới, trong vòng 5 - 7 năm qua, diện tích hồ tiêu tăng 3 lần (đạt 480.000 ha) nhưng giá trị hạ thấp 4 lần. Giá tiêu khô từ mức 250.000 đồng/kg giảm xuống còn 58.000 đồng/kg.
Tại thị trường nội địa, trong phiên giao dịch ngày 15/12: Giá tiêu trung bình tại các tỉnh trồng tiêu lớn tại Việt Nam (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu) đạt 52.800 đồng/kg. Giá tiêu thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Gia Lai và Đồng Nai với 52.000 đồng/kg; giá tiêu cao nhất tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đạt 54.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước, giá tiêu đạt 53.000 đồng/kg.
Về mặt xuất khẩu, báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy: Khối lượng hồ tiêu xuất khẩu 11 tháng năm 2018 ước đạt 220.000 tấn và 718 triệu USD, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 32,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Tại các thị trường, do giá xuất khẩu hồ tiêu giảm liên tục nên giá trị xuất khẩu tiêu sang hầu hết các thị trường trong 10 tháng năm 2018 đều giảm so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, giá giảm mạnh nhất ở thị trường Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (giảm tới 34 triệu USD, tương đương giảm 57,7%).
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến nghị: Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động khai thác tốt lợi thế là quốc gia đang nắm trong tay nguồn cung lớn và cần có bài toán kinh doanh tốt để có thể nâng giá tiêu xuất khẩu lên.
Trong năm 2019, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo: Tổng sản lượng hồ tiêu trên thế giới ước đạt 4,9 triệu tấn, giảm so với mức hơn 5,2 triệu tấn năm 2018. Đồng thời, theo IPC, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn thế giới cần khoảng 300.000 tấn/năm.
Báo Hải quan