MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm 30% kế hoạch lợi nhuận 2018, LienVietPostBank tính toán hoạt động thế nào cho các tháng cuối năm?

17-08-2018 - 14:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Không được nới room tăng trưởng tín dụng chính là căn nguyên khiến LienVietPostBank phải điều chỉnh giảm theo các chỉ tiêu khác, trong đó có lợi nhuận hạ 30%.

Ngày 15/8, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB) đã công bố điều chỉnh giảm nhiều chỉ tiêu kinh doanh năm 2018.

Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 giảm từ 1.800 tỷ xuống 1.200 tỷ đồng, tương đương mức giảm 30%. Tổng tài sản giảm từ 190.000 tỷ xuống 180.000 tỷ; huy động vốn thị trường 1 giảm từ 170.000 tỷ xuống 160.000 tỷ; dư nợ tín dụng thị trường 1 từ 123.500 tỷ xuống 117.557 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức giảm từ 12% xuống 10%.

Các chỉ tiêu khác như tăng vốn điều lệ lên 9.875 tỷ và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% được giữ nguyên.

Theo lý giải của lãnh đạo ngân hàng, chuyện không được nới room tăng trưởng tín dụng (phải giữ tại 14% như NHNN đã phê duyệt từ đầu năm) chính là căn nguyên khiến ngân hàng phải điều chỉnh giảm theo các chỉ tiêu khác.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, LienVietPostBank đã tăng trưởng tín dụng tới 13,3%, như vậy có nghĩa là dư địa để cho vay 6 tháng cuối năm gần như không còn. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc cho biết, nếu nhìn vào con số số học thì tăng trưởng tín dụng của Liên Việt đã cận kề mục tiêu. Tuy nhiên tín dụng không đứng im mà có khoản đến hạn vì thế room tín dụng cũng sẽ dao động.

 "Trên thực tế khi ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng thì bao giờ cũng sẽ phải kết hợp kế hoạch thu nợ. Trong nửa cuối năm 2018, Liên Việt có kế hoạch thu nợ rất nhiều khoản lớn. Có nghĩa là con số 13,3% là tương đối chứ không phải tuyệt đối, sẽ có sự điều chỉnh giảm ở khoản dư nợ này nhưng tăng ở khoản khác. Trong thời gian tới room này có thể tăng giảm, thậm chí thu được nhiều nợ thì xuống dưới 10% và tín dụng các tháng còn lại vẫn tương đối" - bà Sơn nói.

Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết thêm, việc này không chỉ xảy ra ở Ngân hàng Liên Việt mà xảy ra ở tất cả các ngân hàng khác. Họ cũng phải thực hiện bài toán kinh doanh trong khi tuân thủ đúng mức tăng trưởng tín dụng của NHNN giao thông qua việc cơ cấu danh mục tín dụng. Như ở Liên Việt đã thực hiện tái cơ cấu danh mục tín dụng, giảm dần các khoản cho vay có tính chất doanh nghiệp lớn, chuyển dần sang lĩnh vực bán lẻ.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank, việc điều chỉnh giảm các chỉ tiêu bao gồm cả lợi nhuận, còn xuất phát từ lý do ngân hàng muốn tập trung phát triển mạng lưới và hiện đại hoá. Trong 6 tháng đầu năm ngân hàng đã nâng cấp 95 phòng giao dịch bưu điện, 2 chi nhánh và 1 phòng giao dịch- tức bằng gần một nửa số chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đã mở suốt 9 năm trước đó. Song song mở rộng mạng lưới, ngân hàng còn chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng mới trong quản trị điều hành và nâng cao chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro, nâng cao năng suất lao động...

Có ý kiến hoài nghi rằng, vậy phải chăng việc mở rộng mạng lưới và không được tăng trưởng tín dụng có gì đó mâu thuẫn với nhau trong chiến lược hoạt động? Nhưng theo lý giải của lãnh đạo ngân hàng thì định hướng của Liên Việt hoàn toàn không có vấn đề, bởi ngân hàng đang hướng đến bán lẻ đại chúng chứ không phải bán lẻ thông thường. 

"Hiện tới 70% người dân Việt Nam chưa có cơ hội sử dụng dịch vụ ngân hàng, cho nên câu chuyện mở rộng mạng lưới là nhằm hướng tới lượng khách hàng này. Thách thức của chúng tôi hiện là tín dụng tăng trưởng bị giới hạn và vấn đề lãnh đạo ngân hàng phải giải quyết đó là làm sao để tái cơ cấu danh mục tín dụng. Khi đưa ra chỉ tiêu, chúng tôi không nhìn con số tuyệt đối phải là 14% mà quan trọng là cho vay được bao nhiêu, thu hồi bao nhiêu, nợ có tái cấp hay không và nếu có là bao nhiêu..."- bà Sơn bổ sung.

Lãnh đạo Ngân hàng Liên Việt cũng cho biết, việc chuyển đổi sang bán lẻ nhiều hơn bán buôn về lâu dài sẽ có lợi ích lớn bởi lợi nhuận bán lẻ cao hơn, tuy nhiên chi phí ban đầu sẽ phải bỏ ra khá lớn để đầu tư cho mạng lưới, cho con người bán hàng...Trong 6 tháng đầu năm ngân hàng đã tuyển tới 1.485 nhân sự. "Việc tăng trưởng nhân sự là để đáp ứng việc mở rộng mạng lưới nhanh và phục vụ chuyển mô hình sang bán lẻ và việc này đã làm tăng chi phí trong thời gian qua" -phó Tổng giám đốc ngân hàng nói.

Do không được nới thêm room tín dụng, nên theo lãnh đạo ngân hàng, trong thời gian tới Liên Việt sẽ phải tuân thủ và tìm cách để tối đa hóa nhất các mảng tín dụng được phép tăng trưởng, tức là chọn danh mục cho vay phù hợp nhất cũng như tận dụng được ưu thế về mạng lưới. Bên cạnh đó ngân hàng cũng coi trọng việc kiểm soát chất lượng tín dụng, gia tăng các sản phẩm dịch vụ để có thể bán chéo qua các hệ thống...

Riêng về công nghệ phải đầu tư lớn trong thời gian qua mà đến nay chưa có lợi nhuận, chủ tịch ngân hàng cho biết trong thời đại công nghệ buộc phải đầu tư công nghệ, không chỉ có ngân hàng mà doanh nghiệp nào cũng vậy khi đầu tư không thể cho kết quả ngay lập tức mà cần phải có tới 2 năm để hòa vốn sau đó mới sinh lời. "Chúng tôi tự tin trong 2-3 năm tới hệ thống mạng lưới và công nghệ sẽ sản sinh ra lợi nhuận đáng kể", ông Thắng nói.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên