MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh lương cơ sở: Không để 'mừng ít lo nhiều'

03-07-2023 - 06:52 AM | Xã hội

Điều chỉnh lương cơ sở: Không để 'mừng ít lo nhiều'

“Cứ mỗi lần tăng lương là từ bát phở, đến giá cước vận tải, taxi…cái gì cũng tăng theo. Như thế sẽ tạo ra những bất lợi, giảm thu nhập thực tế cũng như niềm tin của người dân.

Hơn lúc nào hết, cùng với kiểm soát lạm phát gắn với trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, vấn đề quản lý thị trường, giá cả, tránh đầu cơ, tăng giá vô tội vạ là trách nhiệm của Bộ Công Thương và các cấp chính quyền địa phương”, TS. Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia trao đổi với Tiền Phong.

Tránh chậm trả lương

Từ ngày 1/7, lương cơ sở được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng, theo ông, mức điều chỉnh này đã hợp lý chưa, có đáp ứng được nhu cầu, mức sống của công chức, viên chức, người nghỉ hưu?

Theo Nghị quyết Quốc hội, từ ngày 1/7/2023 bắt đầu điều chỉnh tiền lương cơ sở với mức tăng từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng tương ứng 20,8%. Như vậy, qua 12 lần điều chỉnh tiền lương cơ sở, đây là lần điều chỉnh ở mức cao nhất. Vấn đề đặt ra, mức tăng đó đã hợp lý chưa, có đáp ứng được nhu cầu của người hưởng lương không?

Trước tiên, căn cứ vào tình hình trượt giá, chúng ta sẽ phải tăng lương cơ sở sớm hơn, nhưng vì 2 năm dịch bệnh hoành hành, nên việc điều chỉnh này phải chậm lại. Hệ quả việc điều chỉnh này cũng làm giảm động lực, sự cống hiến tận tâm của người lao động, cá biệt có một số lĩnh vực không chịu được, phải nghỉ việc, chuyển ra ngoài khu vực công. Như vậy, do điều kiện khó khăn, thời điểm điều chỉnh như thế là chậm và nếu chậm nữa thì hậu quả còn lớn hơn. Còn về mức tăng, so với nhu cầu của người hưởng lương, chắc chắn mức tăng như vậy không thể thỏa mãn được.

Thế nhưng, nếu so với nguồn lực của Nhà nước, với mức tăng đó, tôi lại cho là hợp lý. Vì chúng ta thấy, tổng số lượng người hưởng lương trong bộ máy, rồi khối lực lượng vũ trang, số lượng người hưởng lương hưu, nếu tính tổng vào sẽ lên đến gần chục triệu người. Việc cân đối ngân sách nhà nước hết sức khó khăn. Trong khi đó, việc điều chỉnh lương không phải chỉ một lần, mà sang năm vẫn phải giữ mức đó. Đây là một khó khăn rất lớn trong bức tranh tài chính công của Việt Nam, đặc biệt khi kinh tế thế giới và trong nước có quá nhiều khó khăn, biến động, do vậy mức điều chỉnh như thế là phù hợp.

Việc triển khai điều chỉnh lương cơ sở cần lưu ý những gì để đảm bảo thực sự thông suốt, giảm thiểu vướng mắc phát sinh, theo ông?

Đây là nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành nghị định, Bộ Nội vụ có thông tư hướng dẫn. Thời điểm áp dụng từ 1/7 và nguồn ngân sách cũng đã có đủ. Tuy vậy, khi phân bổ ngân sách chi tiết đến từng đơn vị, cũng không phải chỗ nào cũng đáp ứng đầy đủ nguồn ngay được. Cũng có thể nhiều hướng dẫn còn chưa thực sự sát với tình hình thực tiễn của các tổ chức, cá nhân, đơn vị thực hiện, nhất là những địa phương tài chính khó khăn, phải chờ ngân sách Trung ương cấp bù. Như trong địa bàn một tỉnh, không phải huyện nào, xã nào, ngành nào, lĩnh vực nào cũng được phân bổ đầy đủ ngay.

Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ bám sát tình hình, khi thấy bất cập, thiếu nguồn, hay chưa rõ cơ chế, chính sách gì trong tổ chức thực hiện, phải tháo gỡ kịp thời để đảm bảo chính sách có hiệu lực từ 1/7. Việc thực hiện chính sách tiền lương cho đúng với thời hạn đã được quy định và không chậm hơn so với những tháng trước. Vì thế, không thể để chính sách có hiệu lực từ đầu tháng, nhưng lại phải đến cuối tháng người ta mới nhận được lương. Trước đây trả lương thời điểm nào, nay phải trả đúng thời điểm đó, chỉ có thể bằng hoặc sớm hơn, không được muộn hơn.

Phải tinh gọn bộ máy, giảm biên chế

Khi điều chỉnh lương cơ sở, không ít người mừng ít lo nhiều, vì tăng lương thường đi kèm lạm phát, giá cả “té nước theo mưa”?

Đương nhiên khi điều chỉnh chính sách tiền lương, người hưởng lương sẽ mừng lắm, nhưng đúng là nếu lạm phát, giá cả tăng cao hơn thì việc tăng tiền lương sẽ trở nên vô nghĩa. Bởi khi đó lương thực tế của người hưởng lương sẽ không tăng, thậm chí còn giảm đi. Do đó, yêu cầu quan trọng cùng với chính sách điều chỉnh lương là cần phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát, ổn định chính sách tiền tệ, giá cả thị trường. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước phải điều hành linh hoạt nhưng thận trọng, để đảm bảo kiểm soát, kiềm chế được lạm phát theo đúng nghị quyết của Quốc hội. Mục tiêu năm nay mức tăng CPI không quá 4,5%, hiện tại

6 tháng đầu năm đã tăng gần 4% rồi, nên cần hết sức thận trọng, linh hoạt.

Gần đây, phía doanh nghiệp cũng hết sức khó khăn, không chỉ thị trường đầu ra do không có đơn hàng, mà còn gặp khó khăn về chi phí vốn, lãi suất cao. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phải giảm dần lãi suất cho vay và huy động. Do vậy, chính sách tiền tệ cũng phải được nới lỏng ở chừng mực nhất định.

Điều chỉnh lương cơ sở: Không để 'mừng ít lo nhiều' - Ảnh 1.

Để chính sách điều chỉnh tiền lương cơ sở thực sự hiệu quả, cần có giải pháp kiềm chế lạm phát, tăng giá. Ảnh: Như Ý

Tôi cho rằng, việc điều hành giảm lãi suất là cần thiết, nhưng nên chú trọng vào việc giảm chi phí nghiệp vụ ngân hàng, chứ không phải nén lãi suất đầu vào xuống; hoặc đưa tiền ra nhiều làm cung tiền lớn hơn cầu. Nếu nới lỏng tiền tệ theo con đường đó sẽ dẫn đến lạm phát tăng. Khi đó không chỉ kinh tế vĩ mô bất ổn, kênh đầu tư kém hấp dẫn, mà còn ảnh hưởng đến chính sách tăng lương đợt này, vì như vậy sẽ dẫn đến giảm tiền lương thực tế của người hưởng lương.

Đặc biệt, khi điều chỉnh tiền lương, cần phải quản lý chặt chẽ thị trường, bình ổn giá, nhất là đối với giá hàng tiêu dùng thiết yếu. Điều này gắn liền với trách nhiệm của Bộ Công Thương. Trong những lần tăng lương trước, tuy lạm phát điều hành linh hoạt, ổn định, không tăng nhiều nhưng trên thị trường giá lại tăng, đó là điều bất bình thường.

Cứ tăng lương là từ bát phở, đến giá cước vận tải, taxi, cái gì cũng tăng theo. Như thế sẽ tạo ra những bất lợi, giảm thu nhập thực tế cũng như niềm tin của người dân. Hơn lúc nào hết, cùng với kiểm soát lạm phát gắn với trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, vấn đề quản lý thị trường, giá cả, tránh đầu cơ, nhũng nhiễu, tăng giá vô tội vạ, bất hợp lý đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương và các cấp chính quyền địa phương.

Điều chỉnh lương cơ sở: Không để 'mừng ít lo nhiều' - Ảnh 2.

TS. Bùi Đức Thụ.

Không ít ý kiến còn lo ngại, với số lượng người hưởng lương rất lớn, về lâu dài, nếu không kịp thời đưa ra giải pháp căn cơ, mà cứ “tăng lương đuổi” như thế này thì không ngân sách nào chịu nổi?

Đúng như vậy. Việc tăng lương luôn cần thiết, nhưng chắc chắn việc trượt giá những năm tiếp theo sẽ có, chứ không thể giữ nguyên được. Do vậy, tăng lương cơ sở đợt này, nhưng chỉ vài năm sau, nhu cầu đời sống thực tiễn đặt ra, lại tiếp tục phải điều chỉnh. Nếu không tăng lương sẽ ảnh hưởng đến đời sống, người ta lại bỏ khu vực công sang khu vực khác, rồi động lực cũng giảm dần… Nhưng nếu cứ vài năm lại tăng một lần thì không ngân sách nào chịu nổi.

“Cứ bộ máy khổng lồ thế này, đến lúc nào đó ngân sách nhà nước sẽ biến thành ngân sách tiêu dùng, chỉ đủ tiền trả lương, không đủ trả nợ thì còn đâu có tiền đầu tư. Do vậy, để ổn định bền vững, đồng thời với việc tăng lương cơ sở, phải chú trọng đến việc tinh giản biên chế bằng cách tổ chức lại bộ máy, khoán biên chế, rồi tăng cường chế độ trách nhiệm, áp dụng KH&CN vào, như thế mới bền vững được”.

TS. Bùi Đức Thụ

Trong bối cảnh đó, buộc chúng ta phải có giải pháp, tinh giản bộ máy, giảm biên chế. Cứ bộ máy khổng lồ thế này, mà hiệu lực, hiệu quả lại không tăng lên, rồi đến lúc nào đó ngân sách nhà nước sẽ biến thành ngân sách tiêu dùng, chỉ đủ tiền trả lương, không đủ trả nợ thì còn đâu có tiền đầu tư. Do vậy, để ổn định bền vững, đồng thời với việc tăng lương cơ sở, phải chú trọng đến việc tinh giản biên chế bằng cách tổ chức lại bộ máy, khoán biên chế, rồi tăng cường chế độ trách nhiệm, áp dụng KH&CN vào, như thế mới bền vững được.

Bên cạnh vấn đề điều chỉnh lương, nhiều người cũng cho rằng, cần xem xét điều chỉnh chính sách, đặc biệt về mức thuế thu nhập cá nhân cho hợp lý, đồng bộ?

Đúng là cần phải rà soát lại những cơ chế, chính sách liên quan đến thu nhập của người hưởng lương cho phù hợp, đồng bộ, để việc tăng lương thực sự ý nghĩa. Nếu cứ tăng chỗ này lại thu chỗ kia thì chính sách sẽ bất nhất, thiếu đồng bộ, không hợp lý. Luật ban hành đã có nhiều nội dung không còn phù hợp, nên phải rà soát lại các văn bản, đặc biệt là luật về thuế cần sửa đổi cho phù hợp, tạo thành hệ thống chính sách đồng bộ trong chính sách thu nhập nói chung, tránh tình trạng các chính sách bị xung đột, đối lập nhau.

Cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập phải nâng lên khi tăng lương; rồi số bậc thế có nên thu gọn lại? Hay mức giảm trừ đối với người phụ thuộc có còn hợp lý không?... Nếu vẫn áp mức thuế trong điều kiện hiện nay, lạm phát vẫn tăng không khéo sẽ trở thành tận thu quá, không phù hợp với từng đối tượng. Do vậy, cần phải sớm điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cho thực sự phù hợp.

Cảm ơn ông.

Điều chỉnh lương cơ sở: Không để 'mừng ít lo nhiều' - Ảnh 3.

Theo Luân Dũng

tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên