MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chưa từng có sắp được áp dụng trên 2 tuyến cao tốc dài 127km, trị giá 16.525 tỷ đồng ở Việt Nam

Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo về lộ trình thu phí không dừng bỏ barie áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam trên 2 tuyến cao tốc.

Cục Đường bộ Việt Nam mới đây đã trình lên Bộ GTVT bản báo cáo liên quan đến việc áp dụng hệ thống thu phí tự động không cần dừng (ETC) hoàn toàn cho hai đoạn tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam. 

Dự kiến, 2 tuyến này sẽ được triển khai với mô hình đầu vào ETC đa làn tự do (không có barrier), đầu ra ETC đơn làn (có barrier) và không có làn thu phí hỗn hợp.

Các tuyến cao tốc áp dụng hệ thống ETC hoàn toàn giúp xe không phải dừng khi thu phí, từ đó tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, việc giảm bớt vách ngăn, cabin thu phí và barie giúp tiết kiệm diện tích và nhân lực vận hành trạm thu phí.

Lộ trình dự kiến triển khai hệ thống thu phí ETC của Bộ GTVT cụ thể như sau:

Giai đoạn từ năm 2024 - 2025: Không còn barie, phương tiện lưu thông đơn làn tự do qua trạm thu phí.

Giai đoạn từ năm 2026 trở đi: Tại trạm thu phí chỉ còn duy trì giá long môn với thiết bị thu phí gắn bên trên. Các phương tiện lưu thông đa làn tự do qua trạm thu phí.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Dự án đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ được thiết lập tổng cộng bốn điểm thu phí ETC tại các đoạn nhánh và một giá long môn đặt ở Km số 53+600. Cụ thể, các điểm thu phí này bao gồm Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và Cam Ranh, được trang bị hệ thống thu phí tự động không dừng ETC đơn làn tự do không rào chắn ở đầu vào và hai làn có rào chắn ở đầu ra.

Về phần cột thu phí giá long môn được đề xuất lắp đặt ở Km 6+700 trên tuyến chính, nó sẽ phục vụ việc kết nối với dự án Vân Phong - Nha Trang trong tương lai. 

Điều chưa từng có sắp được áp dụng trên 2 tuyến cao tốc dài 127km, trị giá 16.525 tỷ đồng ở Việt Nam - Ảnh 1.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Tiền Phong

Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu để tìm ra vị trí, quy mô, phương án tổ chức phù hợp, đồng thời phải đảm bảo khả năng chuyển đổi linh hoạt theo sự phát triển của dự án Vân Phong - Nha Trang.

Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có tổng chiều dài tuyến chính khoảng 49,11km. Công trình thiết kế giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc loại A, vận tốc 100 - 120km/ giờ, quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m; giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, vận tốc khai thác 80km/ giờ, bề rộng nền đường 17m.

Dự án có 8 km qua huyện Diên Khánh, 30,5 km qua huyện Cam Lâm và 10 km qua thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) với tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được khởi công vào tháng 9/2021 và kế hoạch hoàn thành vào tháng 9/2023. Dự án do Tập đoàn Sơn Hải xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành sớm so với kế hoạch đề ra, khai thác tạm từ 10h ngày 19/5.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được trang bị ba trạm thu phí ETC đặt tại các điểm giao, cùng với việc thêm một trạm thu phí tạm thời ở cuối tuyến. 

Cụ thể, trạm thu phí ở điểm giao Du Long và hai trạm khác tại điểm giao Phan Rang sẽ được xây dựng theo mô hình thu phí tự động không người (ETC) với hai làn xe tự do không rào chắn ở đầu vào, và hai làn có rào chắn ở đầu ra. 

Trạm thu phí tạm thời ở cuối tuyến cũng được thiết kế theo mô hình tương tự với hai làn tự do không rào chắn ở đầu vào và hai làn có rào chắn ở đầu ra, đồng thời đi kèm với giải pháp thiết kế linh hoạt, dễ dàng tháo dỡ và di chuyển, tiết kiệm chi phí đầu tư khi đoạn tuyến từ Vĩnh Hảo đến Phan Thiết bắt đầu hoạt động thu phí.

Điều chưa từng có sắp được áp dụng trên 2 tuyến cao tốc dài 127km, trị giá 16.525 tỷ đồng ở Việt Nam - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang dần hoàn thiện. Ảnh: Báo Người lao động

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có tổng chiều dài khoảng 78,5 km, có 4 làn xe vớichiều rộng 17m nền đường. Sau khi hoàn thành, tiến tới mở rộng nền đường lên 32 - 35m, quy mô 6 làn xe.

Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng vốn đầu tư khoảng 8.925 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng); nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã chính thức khởi công vào tháng 11/2021, đã thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 12/2023. Đây là một dự án quan trọng nhằm kết nối các vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực miền Trung của Việt Nam. Cao tốc này bắt đầu từ huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà và kết thúc ở Vĩnh Hảo thuộc tỉnh Bình Thuận.


Theo T.Hà

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên