MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điêu đứng vì thương chiến, nông dân Mỹ phá sản nhiều kỷ lục

19-11-2019 - 08:44 AM | Tài chính quốc tế

Thực trạng này có thể tác động bất lợi đến khả năng tái cử của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020...

Trong lúc thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục mới, những người nông dân của nước này lại gặp rắc rối với việc thanh toán các hóa đơn - trang MarketWatch cho hay.

Hôm thứ Sáu tuần trước, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng lập kỷ lục nhờ hy vọng Mỹ-Trung sớm ký kết một thỏa thuận thương mại. Trong đó, chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt qua mốc 28.000 điểm và chốt tuần tăng thứ tư liên tục. S&P 500 tăng 6 tuần liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 11/2017.

Trái ngược với sự hứng khởi ở Phố Wall là bức tranh ảm đạm về tình hình tài chính ở các bang sản xuất nông nghiệp chính của Mỹ như Colorado, Kansas, Nebraska, Oklahoma, Wyoming, cũng như vùng phía Tây của bang Missouri và phía Bắc bang New Mexico. Dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh Kansas cho thấy thu nhập của nông dân ở các bang này đang giảm mạnh so với cách đây 1 năm, trong khi các điều kiện tín dụng đối với các nông trại ngày càng trở nên thắt chặt.

Nông dân Mỹ đang cố gắng thoát khỏi thời kỳ suy giảm bắt đầu từ năm 2013, nhưng mọi chuyện ngày càng trở nên tồi tệ hơn do xung đột thương mại của nước này với các đối tác thương mại lớn gồm Trung Quốc, Mexico và Canada kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Thương chiến khiến xuất khẩu nông sản sụt giảm và giá nông sản càng xuống thấp hơn. Cùng với đó, thời tiết cực đoan như lũ lụt, lạnh giá, hạn hán… khiến sản xuất nông nghiệp thêm phần khó khăn.

Tại Iowa - tiểu bang dẫn đầu nước Mỹ về sản lượng ngô, trứng gia cầm và thịt lợn - nợ của các nông trại đã lên tới 18,9 tỷ USD trong quý 2 năm nay, cao hơn ở bất kỳ một bang nào khác.

Chính quyền ông Trump đã có một số gói cứu trợ dành cho ngành nông nghiệp, nhưng nông dân ở Iowa đối mặt với tình hình tài chính sa sút nghiêm trọng. Theo một báo cáo của Đại học bang Iowa, 44% nông trại ở nước này chật vật với việc thanh toán hóa đơn trong năm 2019.

"Tình hình rất, rất đáng lo", chuyên gia kinh tế Alejandro Plastina, một tác giả của báo cáo trên, cho biết. "Các nông trại gặp nhiều khó khăn trong việc tạo ra dòng tiền từ hoạt động sản xuất nông nghiệp".

Ông Plastina dự báo nông dân Iowa tiếp tục chật vật đến hết năm nay, thậm chí sang cả năm 2020 vì thời tiết xấu và giá nông sản khó hồi phục.

Trong 2 năm qua, ông Trump đã triển khai các gói cứu trợ có tổng trị giá 28 tỷ USD cho ngành nông nghiệp, nhằm bù đắp ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến. Nhưng ông Plastina nói rằng sự hỗ trợ mà nông dân Iowa nhận được chỉ làm chậm lại chứ không thể đảo ngược xu hướng xấu đi của bức tranh tài chính.

Nhiều chủ trang trại giờ đây phải làm việc ngày đêm để giảm chi phí và tái cơ cấu nợ. Một số phải bán bớt thiết bị không cần thiết, thậm chí bán đất, để duy trì hoạt động.

Trong tháng 9 vừa qua, số vụ phá sản của các nông trại ở Mỹ tăng 24%, lên mức cao nhất kể từ năm 2011, trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung và một năm thời tiết bất lợi.

Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 9, có 580 vụ phá sản của nông trại theo Chương 12 của Luật phá sản Mỹ. Trong đó, dẫn đầu là Wisconsin - bang nằm trong top 5 bang sản xuất nhiều sữa nhất của Mỹ - với 48 vụ phá sản, theo số liệu của Liên đoàn Nông trại Mỹ (AFBF).

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo thu nhập ròng của các nông trại ở nước này đạt 88 tỷ USD trong 2019, giảm 29% so với mức cao kỷ lục thiết lập vào năm 2013. Điều đáng nói là gần 40% của thu nhập này, tương đương khoảng 33 tỷ USD, đến từ các chương trình hỗ trợ của liên bang như hỗ trợ thương mại, hỗ trợ giảm nhẹ tác động thiên tai…

Tình hình khó khăn của nông dân Mỹ cho thấy ảnh hưởng tai hại của thuế quan mà Trung Quốc áp lên hàng hóa nông sản Mỹ nhằm trả đũa việc ông Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể tác động bất lợi đến khả năng tái cử của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, bởi nông dân Mỹ là lực lượng cử tri quan trọng đưa ông thẳng tiến vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử 2016.

Thực trạng này cũng cho thấy tầm quan trọng của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà chính quyền ông Trump đang đàm phán với Bắc Kinh. Nội dung của thỏa thuận này bao gồm việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ để đổi lấy việc Washington dừng áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nợ của các nông trại nước này sẽ sớm đạt kỷ lục 416 tỷ USD.

Trong khi ông Trump ca ngợi việc chứng khoán Mỹ lập kỷ lục, cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ, thì người nông dân Mỹ không ở trong một bức tranh màu hồng như vậy.


Theo An Huy

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên