Điều e ngại nhất về nhà đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ sân bay Phan Thiết
Nhiều bộ ngành đặt nghi vấn về năng lực của chủ đầu tư dự án sân bay Phan Thiết là Công ty CP Rạng Đông. Ảnh: Phạm Nguyễn.
Việc điều chỉnh quy mô đầu tư dự án sân bay Phan Thiết lên 4.800 tỷ đồng đã phát sinh một số khó khăn. Nhiều bộ ngành đưa ra một số câu hỏi liên quan đến năng lực tài chính, khả năng huy động vốn phục vụ dự án của chủ đầu tư là Công ty CP Rạng Đông.
- 09-10-20225 mặt hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất 9 tháng đầu năm 2022
- 07-10-2022Một tỉnh lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm
- 06-10-2022Xuất khẩu Việt Nam cao hơn Malaysia, Thái Lan, Indonesia
Tăng quy mô dự án
UBND tỉnh Bình Thuận vừa kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến về dự báo lưu lượng hành khách, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mức giá thu phí dịch vụ, phương án khai thác, vận hành dự án và phối hợp, hướng dẫn địa phương khắc phục các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Phan Thiết xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Dự án đầu tư xây dựng hạng mục hàng không dân dụng thuộc sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư theo hình thức BOT tại công văn số 7285/VPCP-KTN ngày 18/9/2014. Đồng thời, giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Sân bay Phan Thiết được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 4.800 tỷ đồng. Ảnh: Phạm Nguyễn.
Tuy nhiên, trong thời gian triển khai các bước tiếp theo của dự án, nhận thấy để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác sân bay, UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Quốc phòng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E.
Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, sân bay Phan Thiết quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, với 1 đường cất hạ cánh dài 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Toàn bộ diện tích của hai hạng mục là 546 ha.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay, dự án đang ở giai đoạn điều chỉnh chủ trương đầu tư và hoàn thiện các thủ tục đầu tư, làm cơ sở triển khai thi công xây dựng công trình nhằm đồng bộ với các hạng mục sân bay quân sự, phát huy tổng thể hiệu quả đầu tư Cảng hàng không Phan Thiết.
Trước khi dự án thi công hoàn thành và đưa dự án vào khai thác, nhà đầu tư BOT sẽ phối hợp với các doanh nghiệp khai thác cảng hàng không , sân bay thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đáp ứng các điều kiện đối với kinh doanh cảng hàng không, sân bay theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Việc điều chỉnh quy mô sân bay đã phát sinh một số khó khăn như theo hồ sơ dự án, tổng mức đầu tư dự án là 4.800 tỷ đồng. Do dự án được điều chỉnh tăng quy mô so với trước đây rất nhiều nên Hội đồng Thẩm định liên ngành thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Phan Thiết đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cập nhật, đánh giá năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu mới thực hiện dự án theo đúng quy định.
Lo ngại năng lực nhà đầu tư
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 298/TB-VPCP ngày 24/9 về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về quy hoạch, huy động vốn đầu tư một số cảng hàng không. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương giải trình ý kiến của Hội đồng Thẩm định liên ngành, hạng mục hàng không dân dụng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết phải rà soát năng lực của nhà đầu tư là Công ty CP Rạng Đông.
“Trong trường hợp cần thiết, xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế, khởi công dự án vào đầu năm 2023 để bảo đảm hoàn thành đồng bộ với hạng mục đường cất hạ cánh của Cảng hàng không do Bộ Quốc phòng thực hiện”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Liên quan đến năng lực của Công ty CP Rạng Đông, tại công văn số 9601/BTC-ĐT gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, vào cuối tháng 7/2022, đã có văn bản tham gia ý kiến thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Theo Bộ Tài chính, dự án được cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng triển khai thực hiện từ năm 2014. Vì vậy, Bộ đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận căn cứ quy định của pháp luật và hợp đồng dự án đã ký kết, rà soát làm rõ các nguyên nhân chậm triển khai thực hiện dự án để xác định trách nhiệm các bên. Trên cơ sở đó chịu trách nhiệm rà soát đảm bảo các nội dung đề xuất điều chỉnh có tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đưa ra một số câu hỏi liên quan đến năng lực tài chính, khả năng huy động vốn phục vụ dự án của Công ty CP Rạng Đông. Theo Bộ Tài chính, căn cứ nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh hơn 4.812 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 3.807 tỷ đồng và giai đoạn 2 hơn 1.005 tỷ đồng.
Ngày 14/2, Hội đồng quản trị Công ty CP Rạng Đông đã thông qua nội dung điều chỉnh và phương án huy động vốn thực hiện dự án tại Quyết định số 81- QĐ/HĐQT-RĐ. Tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Công ty CP Rạng Đông hơn 4.692 tỷ đồng, lớn hơn vốn chủ sở hữu công ty dự kiến góp để thực hiện dự án nhưng vốn lưu động ròng thể hiện khả năng huy động vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn hơn 530 tỷ đồng lại nhỏ hơn số vốn công ty cam kết góp.
Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn của nhà đầu tư theo đúng phương án tài chính cam kết, bảo đảm việc triển khai thực hiện Dự án theo đúng tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tiền Phong