MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì chờ kinh tế Mỹ sau khi ông Trump áp thuế 300 tỷ USD hàng Trung Quốc?

02-08-2019 - 16:53 PM | Tài chính quốc tế

Kế hoạch áp thuế này là một sự khẳng định rằng “bóng ma” thuế quan sẽ không sớm buông tha kinh tế Mỹ...

Kế hoạch đầy bất ngờ mà Tổng thống Donald Trump công bố ngày 1/8 về áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đã đưa thương chiến Mỹ-Trung lên một cấp độ mới, dù giá trị thuế quan không phải là lớn - hãng tin CNBC dẫn nhận định của một số chuyên gia.

Động thái trên của ông chủ Nhà Trắng đồng nghĩa với việc hầu như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đều bị áp thuế quan bổ sung.

Cú sốc niềm tin

Mức thuế 10% mà ông Trump áp lên 300 tỷ USD hàng hóa trong kế hoạch này tương đương khoản thuế 30 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 0,14% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ. Tuy nhiên, thiệt hại tâm lý đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn nhiều trong lúc nền kinh tế lớn nhất thế giới đang giảm tốc.

"Ảnh hưởng trực tiếp của kế hoạch thuế quan này không phải là lớn", chuyên gia kinh tế cấp cao Bill Adams thuộc PNC đánh giá. "Ảnh hưởng lớn hơn là ảnh hưởng gián tiếp thông qua kênh niềm tin và tác động lên đầu tư cơ bản".

Các cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây đều cho thấy mối lo hàng đầu của doanh nghiệp Mỹ là chiến tranh thương mại.

Cuộc khảo sát nhà quản trị mua hàng của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho tháng 7 cho thấy chỉ số về ngành sản xuất Mỹ tiếp tục đi xuống trong địa phận tăng trưởng và đang ngấp nghé địa phận suy giảm. Một thước đo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về ngành sản xuất nước này đã giảm 2 tháng liên tiếp.

Các chiến lược gia của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nói rằng kế hoạch áp thuế mới nhất, một khi được thực thi, sẽ khiến kinh tế Mỹ giảm tốc nhanh hơn, thậm chí đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc suy thoái chỉ sau 3 quý.

"Lý do chính ở đây là: khoảng 68% số hàng hóa sắp bị áp thuế quan là hàng tiêu dùng và linh kiện ô tô, nên ảnh hưởng đối với nền kinh tế sẽ lớn hơn", chiến lược gia Michael Zezas của Morgan Stanley nhấn mạnh.

Thống kê công bố vào tuần trước cho thấy nền kinh tế Mỹ chỉ tăng 2,1% trong quý 2, giảm tốc mạnh so với quý 1 nhưng tốt hơn dự báo. Tuy nhiên, đào sâu hơn các dữ liệu cho thấy ảnh hưởng rõ rệt của thuế quan. Xuất khẩu của Mỹ giảm 5,2% trong quý 2, trong khi đầu tư của doanh nghiệp giảm 0,6% - mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2016.

Kế hoạch áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà ông Trump đưa ra ngày thứ Năm là một sự khẳng định rằng "bóng ma" thuế quan sẽ không sớm buông tha kinh tế Mỹ.

"Đợt áp thuế quan này làm gia tăng khả năng hàng rào thuế quan ngày càng cao hơn sẽ trở thành nguyên trạng mới", ông Adams phát biểu.

Theo nhà phân tích này, thuế quan sẽ kéo lạm phát tăng và làm suy giảm thu nhập khả dụng của người dân Mỹ. Trong quý 2, thu nhập khả dụng của người Mỹ chỉ tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong gần 2 năm. Với thu nhập khả dụng giảm, người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao, trong khi tiêu dùng đang là trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.

FED sẽ phải hạ thêm lãi suất?

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cảnh báo người tiêu dùng Mỹ nên chuẩn bị tinh thần chứng kiến những mặt hàng quen thuộc tăng giá, như hàng điện tử, quần áo, giày dép, đồ chơi… Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này sẽ hứng chịu cú sốc về niềm tin và có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch knh doanh. Cuôc chiến thuế quan leo thang cũng sẽ ảnh hưởng đến các ngành dầu khí, thiết bị giao thông và thiết bị bán dẫn, theo Moody’s.

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không "khoanh tay đứng nhìn", mà có thể trả đũa bằng nhiều cách thức khác nhau, bao gồm áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ và gây khó dễ cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc.

Ông Adams cũng cho rằng thuế quan sẽ gia tăng áp lực suy giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty Mỹ có mức độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 ở Phố Wall cho thấy các doanh nghiệp thuộc S&P 500 có hơn một nửa doanh thu đến từ xuất khẩu đã chứng kiến lợi nhuận giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Thương chiến leo thang sẽ gia tăng sức ép lên nền kinh tế toàn cầu và các chuỗi cung ứng, trong một môi trường tăng trưởng vốn đã xấu ở Mỹ, Eurozone, và Trung Quốc", chuyên gia Elena Duggar của Moody’s nhận định. "Sự bấp bênh sẽ cản trở hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và các dòng chảy thương mại.

Hôm thứ Tư tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm và phát tín hiệu sẽ không có thêm đợt giảm nào nữa trong 2019.

Tuy nhiên, với kế hoạch áp thuế quan mới của ông Trump, thị trường đang khôi phục kỳ vọng FED sẽ phải hạ thêm lãi suất trong thời gian còn lại của năm để cứu tăng trưởng.

"Tuyên bố ngày hôm nay làm gia tăng khả năng FED phải giảm lãi suất tổng cộng 0,75 điểm phần trăm trong năm nay", hãng tin Reuters dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế cấp cao Brett Ryan thuộc Deutsche Bank.

Theo dữ liệu từ công cụ dự báo lãi suất FedWatch của sàn CME, lãi suất tương lai ở Mỹ đang phản ánh khả năng 81,9% FED tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 9. Hôm thứ Tư, khả năng này giảm dưới 50%.

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên