Điều gì khiến thị trường bất ngờ giảm sâu sau 3 tuần tăng liên tiếp?
Trong kịch bản cơ sở của MBS, chỉ số P/E của VN-Index có thể dao động ở vùng 15,7 đến 16 lần thu nhập là cơ hội để đầu tư trong trung và dài hạn.
Trong báo cáo mới được công bố, Công ty chứng khoán MBS đã đưa ra những nhận định về xu hướng thị trường sau phiên giảm "sốc" cuối tuần trước.
Điều gì khiến thị trường bất ngờ giảm sâu?
Theo MBS, thị trường trong nước đã gây chú ý bởi kỷ lục thanh khoản mới được xác lập nhưng vẫn hoàn tất một tuần giảm điểm với tâm điểm là phiên giảm cuối tuần, qua đó cắt mạch 3 tuần tăng liên tiếp. Bên cạnh đó, áp lực bán cũng đến từ khối ngoại khi họ kéo dài chuỗi bán ròng sang phiên thứ 8 liên tiếp.
VN-Index chấm dứt chuỗi 3 tuần hồi phục liên tiếp
Đã có không ít nhà đầu tư đổ lỗi cho phiên đáo hạn phái sinh gây nên phiên giảm 45,42 điểm (tương đương 3,3%), tuy nhiên tựu chung lại, MBS cho rằng việc thị trường đột ngột đảo chiều có thể đến từ các nguyên nhân như: 1) Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu trụ (ngân hàng, Vingroup,…); 2) Khối ngoại duy trì bán ròng mạnh, 3) Thị trường chứng khoán khu vực Châu Á đi xuống do mối lo về sự lây lan của biến chủng Delta, 4) Kết quả kinh doanh quý 3 ảm đạm phía trước, và 5) tình hình dịch bệnh có thể khiến thời gian giãn cách kéo dài hơn...
MBS đánh giá sau 3 tuần tăng liên tiếp, chỉ số VN-Index giảm hơn 2% trong tuần vừa qua cũng là phản ứng thông thường. Điều đáng chú ý là thanh khoản trong tuần vừa qua đã lập kỷ lục mới kể từ trước tới nay, dòng tiền như được cởi trói và cung cầu thực chất hơn chứ không còn bị giới hạn như hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, hoạt động của các doanh nghiệp suy yếu, sức cầu tiêu dùng giảm, dòng tiền lớn đổ vào thị trường chứng khoán phần nào mang lại những tín hiệu tích cực, qua đó giúp bù đắp cho nguồn thu ngân sách nhà nước. Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, phần thu thuế khối chứng khoán đã tăng vọt 247% so với cùng kỳ năm 2020.
Vận động thị trường hoàn toàn bình thường, cơ hội kiểm định đỉnh lịch sử vẫn còn
MBS đánh giá thị trường hiện đang vận động hoàn toàn bình thường nếu không muốn nói là điểm sáng hiếm hoi ở khu vực Châu Á hiện nay. Dù để mất hơn 2% trong tuần vừa qua nhưng chỉ số VN-Index vẫn đang có mức tăng trưởng hơn 20% so với đầu năm và nằm trong khu vực thị trường giá lên (Bull market), trong khi thị trường Mỹ và Châu Âu khoảng 18%, thậm chí thị trường Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản còn giảm 5,6%.
Mặc dù khu vực Đông Nam Á đang là điểm nóng của đợt dịch này, nhưng tuần vừa qua chỉ số chứng khoán khu vực này vẫn tăng nhẹ nhờ các thị trường như Thái Lan, Malaysia, Philippines…là những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ Covid-19 và vẫn chật vật trong kiểm soát đại dịch dù đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế và tình trạng khẩn cấp toàn quốc.
Do vậy, nhìn về trung và dài hạn, MBS đánh giá cơ hội cho thị trường kiểm định đỉnh lịch sử vẫn còn. Trong ngắn hạn, các nhịp điều chỉnh là hoàn toàn bình thường trong một xu hướng tăng bên cạnh ẩn số là tình hình kiểm soát dịch bệnh, do vậy các biến động ngắn hạn chưa làm thay đổi mục tiêu dài hạn.
Thống kê như trên cho thấy thị trường trong nước đã thực sự bước lên một tầm cao mới so với quy mô của các nước trong khu vực và tiềm năng trong trung và dài hạn về tăng trưởng. Do vậy, bất chấp trong phiên giảm mạnh cuối tuần vừa qua, khối tự doanh vẫn giải ngân 744 tỷ đồng, tuy quy mô không lớn nhưng đây cũng là mức mua ròng lớn thứ 2 kể từ đầu năm, chỉ sau phiên mua ròng 769 tỷ đồng hồi đầu tháng 2 vừa qua. Bên cạnh đó, khối nhà đầu tư cá nhân cũng đã có tuần mua ròng lớn nhất kể từ đầu năm và cũng là tuần mua ròng mạnh thứ 2 liên tiếp, đáng chú ý trong phiên giảm mạnh ngày thứ 6, thay vì bán mạnh theo phản ứng thông thường thì hoạt động mua/bán của khối nhà đầu tư cá nhân lại ở mức cân bằng, cho thấy tâm lý ít bị tác động ở phiên giảm này.
MBS cho rằng việc đánh giá thị trường qua chỉ số chung ở thời điểm hiện tại có thể bị nhiễu do thị trường có sự phân hóa.
VN-Index có thể dao động trong vùng 1.320 – 1.360 điểm với thanh khoản cao
Về kỹ thuật, MBS đánh giá một phiên bất ngờ giảm sâu trên nền thanh khoản cao là tín hiệu cần lưu ý, tuy nhiên tín hiệu từ 1 phiên chưa đủ để khẳng định xu hướng đảo chiều của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, chỉ số VN-Index hiện vẫn đang đi ngang trong kênh hẹp từ vùng hỗ trợ Fibo50% đến kháng cự Fibo 76,4% tương đương vùng dao động 1.324 – 1.377 điểm. Do đó, MBS cho rằng nếu vùng dao động này chưa bị phá vỡ thì xu hướng đi ngang và tích lũy được hỗ trợ bởi nền thanh khoản cao vẫn sẽ tiếp diễn.
Tuy nhiên, chỉ số VN-Index cũng đang tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước do đó ngụ ý rằng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn cũng đang gia tăng sau những phiên đi ngang và test kháng cực 1.377 không thành công trong hai tuần qua. Nếu nhịp hồi phục vừa qua đã kết thúc thị trường có thể test lại ngưỡng fibonacci 38,2% ở khu vực 1.300 điểm. Thông thường, sau các phiên giảm mạnh cũng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật, các cổ phiếu lớn giảm sâu cũng là nhân tố kích thích dòng tiền quay trở lại bắt đáy.
Trong kịch bản cơ sở, MBS dự báo VN-Index sẽ dao động điều chỉnh tích lũy chủ yếu trong dải hẹp khoảng 1.320 – 1.360 điểm trước khi diễn biến thị trường trở nên rõ ràng hơn.
Về chiến lược đầu tư, trong bối cảnh chỉ số sẽ biến động tăng giảm và đi ngang trong dải điểm cơ sở từ 1.320 – 1.360 điểm thì hoạt động trading đảo hàng nên được xem xét khi canh mua tại các ngưỡng hỗ trợ mạnh như 1.300 – 1.320 và bán ra ở các vùng kháng cự gần như 1.360 – 1.377 điểm.
Trong kịch bản cơ sở của MBS, chỉ số P/E của VN-Index có thể dao động ở vùng 15,7 đến 16 lần thu nhập là cơ hội để đầu tư trong trung và dài hạn. MBS cho rằng nhà đầu tư có thể tập trung vào nhóm ngành được hưởng lợi từ thanh khoản như 1) Chứng khoán với mức ưu tiên cao, 2) nhóm được hưởng lợi từ việc nguồn cung bị thắt chặt như hóa chất (bao gồm cả nhóm phân bón), ngành mía đường hưởng lợi từ tăng giá nguyên liệu và bảo hộ trong nước; 3) các nhóm hưởng lợi từ cảng biển, đặc biệt là vận tải biển khi giá cước tăng, 4) các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công như vật liệu xây dựng hoặc các doanh nghiệp thi công…