MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì sẽ xảy ra khi TTCK Việt Nam được mua bán trong phiên?

Quy định mới về giao dịch trong ngày đã tạo tiền đề cho việc phát triển giao dịch tần suất cao. Chỉ cần một chênh lệch nhỏ giữa giá mua - giá bán cũng đủ mang lại lợi nhuận lớn.

Thông tư 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Với thông tư này, quy định về giao dịch trong ngày, giao dịch mua bán cùng phiên được kỳ vọng sẽ thu hút các công cụ giao dịch mới như giao dịch bằng thuật toán, giao dịch theo chương trình và giao dịch tần suất cao vào TTCK Việt Nam.

Giao dịch tần suất cao là gì?

Giao dịch tần suất cao là hình thức giao dịch thông qua hệ thống máy tính hiện đại tốc độ cao để thực hiện các chiến lược giao dịch một cách tự động. Điểm nổi bật của giao dịch tần suất cao là thực hiện các giao dịch đặt mua bán và sửa, hủy liên tục với tốc độ rất cao (nano giây).

Việc này nhằm thực hiện các chiến lược giao dịch, tìm kiếm lợi nhuận trên một đơn vị giao dịch nhỏ. Để hỗ trợ tốc độ giao dịch, các Sở Giao dịch cung cấp dịch vụ kết nối như Co-location, Proximity, DMA cho thành viên.

Giao dịch tần suất cao xuất hiện từ năm 1997, sau khi UBCK Hoa Kỳ cho phép các ECNs (Electronic Communications Networks) - hệ thống giao dịch của các tổ chức giao dịch được các doanh nghiệp tư nhân phát triển nâng cấp - có thể vừa truyền lệnh vừa thực hiện khớp lệnh bằng thuật toán ngoài Sở Giao dịch Chứng khoán sau giờ giao dịch chính thức.

Theo thống kê của Deutsche Bank thì năm 2011 các giao dịch thông qua các công cụ tần suất cao (HFT) chiếm 60% - 70% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ và 50% trên thị trường chứng khoán Châu Âu.

Để đầu tư xây dựng một hệ thống phần mềm giao dịch tần suất cao đòi các tổ chức phải tốn kém nhiều chi phí. Do đó, giao dịch tần suất cao hầu hết chỉ được áp dụng cho các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp như nhà tạo lập thị trường (market marker), các nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư).

Sự hấp dẫn của giao dịch tần suất cao

Giao dịch tần suất cao góp phần rất lớn cải thiện thanh khoản cho thị trường, với đặc điểm thực hiện mua-bán nhiều lần trong ngày, chỉ cần một chênh lệch nhỏ giữa giá mua-giá bán cũng đủ mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà giao dịch HFT, vì vậy, việc cạnh tranh giữa các HFT diễn ra rất gay gắt. Sự cạnh tranh này kéo theo xu hướng chênh lệch giá mua-giá bán bị thu hẹp lại.

Hiện nay, trên thế giới có hai luồng ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên khuyến khích hoạt động giao dịch HFT. Tại các thị trường Châu Âu và Mỹ cơ quan quản lý có xu hướng hạn chế giao các giao dịch tần suất cao sau vụ sụp đổ chớp nhoáng (Flash crash) ngày 06/05/2010 khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đã mất 9% chỉ trong vài phút, sau đó mới tăng trở lại.

Để hạn chế các giao dịch này, cơ quan quản lý thị trường thường áp dụng các biện pháp như tăng phí giao dịch, đánh thuế vào các giao dịch có thời gian nhanh hay yêu cầu các tổ chức HFT phải đăng ký và tuân thủ các yêu do cơ quan quản lý đặt ra. Ví dụ, tháng 9 năm 2013, Italia là quốc gia đầu tiên đánh thuế 0,002% đối với các giao dịch có thời gian nhỏ hơn 0,5 giây.

Trái ngược với các xu hướng quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế các giao dịch tần suất cao ở các thị trường Châu Âu và Mỹ, tại các thị trường Châu Á, nhằm khuyến khích thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường và tạo động lực để hoàn thiện hệ thống giao dịch, các Sở Giao dịch Chứng khoán tại Châu Á đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, phí giao dịch, đầu tư công nghệ để thu hút các giao dịch tần suất cao.

Thông tư 203 tạo tiền đề cho việc phát triển giao dịch tần suất cao tại Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, các giao dịch bằng thuật toán, giao dịch tần suất cao chưa được phổ biến, nguyên nhân chính do quy định pháp lý về hoạt động giao dịch còn chặt chẽ, hàng hóa trên thị trường chưa đa dạng nên chưa xuất hiện nhiều cơ hội giao kinh doanh để các HFT có thể thực hiện được các chiến lược giao dịch.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý đang hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động giao dịch. Sự ra đời các sản phẩm phái sinh, công nghệ cao của các Sở Giao dịch được phát triển, Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ xuất hiện các hình thức giao dịch này.

Thông 203/2015/TT-BTC của Bộ tài chính có hiệu lực ngày 01/7/2016 tới đây sẽ cho phép nhà đầu tư được phép nhà đầu tư được đặt đồng thời lệnh mua và lệnh bán tại một thời điểm, giao dịch trong ngày. Đây là các điểm đột phá về quy định giao dịch và tạo tiền đề cho việc phát triển các giao dịch thuật toán. Tuy nhiên, công nghệ cao cũng là một yếu tố then chốt và cần giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Phong Vũ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên