MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì sẽ xảy ra sau khi mọi yếu tố của nền kinh tế đã đạt đỉnh?

05-08-2021 - 11:11 AM | Tài chính quốc tế

Điều gì sẽ xảy ra sau khi mọi yếu tố của nền kinh tế đã đạt đỉnh?

Sự giảm tốc có thể đưa nền kinh tế đến trạng thái vẫn "ổn" giống như những năm trước đại dịch.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Gina Martin Adams là trưởng nhóm chiến lược gia thị trường vốn và giám đốc bộ phận chiến lược thị trường vốn, ETF, nghiên cứu ESG toàn cầu của Bloomberg Intelligence.

Các chỉ báo kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp, giá hàng hoá, hay thậm chí những chính sách hỗ trợ tiền tệ trên toàn cầu, tất cả dường như đều đạt đỉnh và xu hướng giảm là một điều không thể tránh khỏi. Việc mất đà sau khi mọi thứ đạt đỉnh sẽ là một vấn đề đối với các nhà đầu tư. Họ vốn đã lo ngại về đà hồi phục của nền kinh tế Mỹ và triển vọng lạm phát tăng cao hơn.

Tuy nhiên, sự giảm tốc có thể đưa nền kinh tế đến trạng thái vẫn "ổn" giống như những năm trước đại dịch. Vậy, điều đó có nghĩa rằng nước Mỹ có phải chung sống với lạm phát cao hơn hay không? Câu trả lời là đúng, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn.

Những động thái phản ứng với đại dịch của Fed đã làm giảm bớt tác động kinh tế của những đợt phong tỏa và tạo tiền đề cho sự hồi phục mạnh mẽ. Tác động của những nỗ lực đó sẽ không sớm biến mất. Tôi cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ vững vàng hơn so với nhiều người dự đoán.

Quy mô chưa từng có của những khoản chi tiêu liên bang kể từ khi đại dịch bùng phát là rất đáng kinh ngạc. Chi tiêu trong các gói hỗ trợ tài chính của chính phủ Mỹ bằng khoảng 1/4 tổng GDP năm 2020, khiến ngân sách bị thâm hụt ở mức lớn nhất.

Việc Fed sẵn sàng đưa ra các chính sách tiền tệ dễ dàng, cùng khả năng ứng phó với lạm phát tăng cao, đã hỗ trợ đà tăng trưởng và càng làm củng cố quan điểm cho rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức cao trong vài năm tới. NHTW vẫn đang đi theo kịch bản được đưa ra trong thời kỳ khủng hoảng: mua trái phiếu và duy trì lãi suất thấp, và dường như cam kết sẽ đi đúng xu hướng này.

Gần 1 năm trước, Fed đã báo hiệu cho sự thay đổi về khả năng ứng phó với lạm phát để thúc đẩy sự phục hồi cho những năm 2020. Trong nỗ lực đạt được mục tiêu toàn dụng lao động, Fed đã chấp nhận mục tiêu lạm phát trung bình, cho phép vượt quá mức 2%. Ngoài ra, NHTW cũng đưa ra chính phủ tiền tệ phù hợp hơn để thúc đẩy nền kinh tế, cũng như thị trường lao động.

Hầu hết, những quan điểm hiện tại về lạm phát đều cho rằng mức giá cao chỉ là tạm thời và "nút thắt cổ chai" do đại dịch sẽ dần biến mất. Các nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại và nguồn cung của mọi thứ từ lao động đến hàng hóa sẽ bình thường trở lại. Theo đó, lạm phát sẽ giảm và quay trở lại mức của những năm 2010.

Tuy nhiên, lập luận này lại không xét đến những thay đổi trong thương mại quốc tế. Việc giải quyết một số điểm nghẽn của các chuỗi cung ứng thực sẽ làm giảm áp lực cho lạm phát trong thời gian tới. Song, các doanh nghiệp sẽ không ngừng nỗ lực rút ngắn, đa dạng hóa và "đảo ngược toàn cầu hoá" chuỗi cung ứng trong tương lai. Đại dịch càng kéo dài thì khả năng họ đưa ra cách ứng phó như vậy càng cao.

Trong khi đó, công nghệ - trọng tâm của mâu thuẫn trong mối quan hệ Mỹ - Trung, là một phần quan trọng đối với chuỗi cung ứng. Sự đổi mới của ngành này và việc sử dụng các nhà cung cấp toàn cầu chi phí thấp là một yếu tố giúp kiểm soát giá cá một cách đáng kể trong 2 thập kỷ qua. Xu hướng đó hiện có thể gặp rủi ro, khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra thêm rào cản đối với hoạt động thương mại.

Chi phí tăng cao là một kết quả tự nhiên từ những nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn sự gián đoạn trong tương lai. Hơn nữa, đó cũng là hệ quả đối với mong muốn giành quyền kiểm soát chuỗi cung ứng của các nhà hoạch định chính sách. 2 yếu tố này có khả năng sẽ mở rộng làn sóng "đảo ngược toàn cầu hoá" trong suốt 1 thập kỷ. Nếu việc mở rộng hoạt động thương mại toàn cầu ngày càng trở nên khó khăn, thì khả năng lạm phát sẽ cao hơn.

Dẫu vậy, Mỹ sẽ không phải đối mặt với cuộc Đại lạm phát những năm 1970. Tiền lương không còn khả năng tăng nhanh để đáp ứng với tỷ lệ thất nghiệp như trước đây. Các nhà hoạch định chính sách ngày nay cũng rút ra những bài học từ thời điểm đó và tránh đi vào "vết xe đổ".

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng cũng khó có thể quay trở lại mức chậm chạp của những năm 2010, do những thay đổi lớn trong bối cảnh kinh tế và chính sách ở những năm gần đây. Sau đại dịch và những phản ứng với cuộc khủng hoảng, một câu chuyện tăng trưởng và lạm phát mới sẽ diễn ra.

Nói một cách khác, chúng ta có những lý do chính đáng để lạc quan về triển vọng kinh tế.

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên