MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì sẽ xảy ra với thị trường dầu thô nếu thỏa thuận cắt giảm hết hạn?

14-08-2017 - 15:28 PM | Thị trường

Thị trường dầu thô toàn cầu đang từng bước tái cân bằng mặc dù tốc độ vẫn còn chậm, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay.

Theo báo cáo sơ bộ cho thấy trữ lượng dầu thô trong quý 2/2017 giảm 0,5 triệu thùng/ngày, đặc biệt trữ lượng dầu thô của Mỹ giảm 790.000 thùng/ngày. Tuy vậy, trữ lượng dầu vẫn đang trên mức trung bình 5 năm và cần nhiều thời gian để tái cân bằng trở lại.

IEA ước tính ngay cả khi nếu trữ lượng dầu thô toàn cầu giảm 500 triệu thùng/ngày từ nay đến cuối tháng 3/2018 - thời điểm thỏa thuận cắt giảm hết hạn, trữ lượng dầu thô vẫn cao hơn 60 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm. Nói cách khác, mục tiêu tái cân bằng thị trường dầu thô khó có thể đạt được trong năm tới. Niềm tin về lượng dầu thô thừa trên thị trường giảm của các nhà đầu tư sẽ được củng cố nếu mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm tăng.

Thế nhưng, mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm của OPEC trong tháng 7 giảm xuống còn mức 75% so với 77% hồi tháng 6. Sản lượng khai thác của Libya trong tháng 7 tăng 154.000 lên mức 1 triệu thùng/ngày. Cùng lúc đó, sản lượng khai thác của Nigeria tăng 34.000 thùng lên 1,75 triệu thùng. Nước này cam kết sẽ cân nhắc hạn chế khai thác khi sản lượng trong nước đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng của một số quốc gia thành viên OPEC giảm nhẹ như Iraq (33.000 thùng/ngày), Venezuela (15.000 thùng/ngày), Angola (19.000 thùng/ngày), các tiểu vương quốc Ả-rập (6.700 thùng/ngày).

Ả-rập Saudi mới đây cam kết sẽ cắt giảm xuất khẩu xuống còn 6,6 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Cụ thể, quy mô đợt cắt giảm dự kiến khoảng 520.000 thùng/ngày, theo một nguồn tin trong ngành cho hay. Động thái này là một phần nằm trong nỗ lực của Ả-rập Saudi trong việc thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng trong bối cảnh mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm vẫn còn thấp. Theo đó, quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới đã cam kết cắt giảm khoảng 486.000 thùng/ngày.

10 quốc gia châu Á sẽ nằm trong diện thắt chặt xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Saudi.

Đối với các nước ngoài OPEC, tỷ lệ tuân thủ cũng chỉ ở ngưỡng 67%. Trong khi đó, Công ty Gazprom Neft của Nga lại đang cân nhắc tăng sản lượng tại 1 số mỏ lớn sau khi thảo thuận cắt giảm hết hiệu lực. Tổng cộng, lượng khai thác của 22 nước thành viên thỏa thuận cắt giảm vượt quá 470.000 thùng so với mức họ đã cam kết.

Việc sản lượng khai thác tăng đã làm rung chuyển thị trường dầu mỏ, khiến các nhà đầu tư không khỏi quan ngại. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến giá dầu thô liên tục giảm.

Tuy nhiên, nhìn vào khía cạnh tích cực hơn IEA đã điều chỉnh dự báo nhu cầu dầu thô từ nay đến cuối năm 2017 lên 1,5 triệu thùng/này, tăng 100.000 thùng so với dự báo đưa ra hồi tháng 7. Còn đối với năm 2018, nhu cầu dầu mỏ có thể tăng thêm 330.000 thùng/ngày.

Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh dữ liệu của chính phủ cho thấy trữ lượng dầu thô Mỹ giảm 6,5 triệu thùng vào 2 tuần trước, giảm sâu hơn so với kỳ vọng trước đó là 2,7 triệu thùng. Các nhà máy lọc dầu cũng xử lý khoảng 17,6 triệu thùng, vượt ngưỡng kỷ lục kể từ năm 1982 được lập vào hồi tháng 5.

Dữ liệu cho thấy trữ lượng xăng tăng 3,4 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn so với kỳ vọng của nhiều chuyên gia phân tích là giảm 1,5 triệu thùng.

Việc trữ lượng dầu thô Mỹ giảm đồng thời dấy lên hy vọng thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ giúp trữ lượng lượng dầu thô toàn cầu được tái cân bằng trở lại.

Neil Atkinson,Trưởng phòng Thị trường và công nghiệp dầu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định, "Thị trường đang được thắt chặt và tôi không nghĩ rằng nhiều người sẽ nghi ngờ về điều này". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng quá trình tái cân bằng thị trường vẫn cần nhiều thời gian "Dựa vào những dữ liệu hiện tại, rất khó để giá dầu trong vài tháng tới sẽ tăng mạnh".

Hiện giá giá dầu Brent đang giữ ở trên mức 50 USD/thùng trong khi giá dầu WTI đã giảm xuống dưới mức này.

Hôm thứ 6 tuần trước giá dầu thô nhích nhẹ nhưng tổng kết cả tuần, giá dầu vẫn giảm do thị trường quan ngại dầu thừa sẽ vẫn tồn đọng lâu dài.

Giá dầu Brent tăng 10 cent lên mức 52 USD/thùng. Hôm thứ 5, hợp đồng dầu này đạt đỉnh 11 tuần ở mức 53,64 USD/thùng.

Giá dầu WTI tăng 23 cent lên mức 48,82 USD/thùng sau khi giảm xuống mức 48,01 USD/thùng ở đầu phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, hợp đồng dầu WTI giảm 1,5% đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp do các nhà đầu tư nghi ngờ khả năng lượng tiêu thụ dầu trên thế giới giảm. Cùng lúc, giá dầu Brent cũng giảm 0,6% tương đương 32 cent trước nỗi lo một số nước thành viên OPEC tăng sản lượng trong tháng 7 mặc dù thỏa thuận cắt giảm vẫn có hiệu lực.

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

Trở lên trên