Điều khoản "chí mạng" có thể khiến thỏa thuận Mỹ-Trung Giai đoạn 1 tan tành trong tích tắc
Cơ chế thực thi thỏa thuận vô cùng đơn giản của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc Giai đoạn 1, ký kết ngày 15/1, khiến nó có rủi ro đổ vỡ bất kỳ lúc nào.
Cơ chế thực thi thỏa thuận quá đơn giản
Mỹ đang tích cực nêu cao cơ chế dàn xếp bất đồng và thực thi của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Giai đoạn 1, trong khi có nhiều khác biệt lớn được hé lộ trong bản thỏa thuận 86 trang so với những cam kết từ Bắc Kinh trước đó về những thay đổi trong thực thi thương mại.
Tuy nhiên, theo Reuters, bất kỳ bất đồng nào dẫn đến việc Mỹ áp đặt thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc có thể dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn của thỏa thuận, căn cứ theo văn bản thỏa thuận được Nhà Trắng công bố ngày 16/1.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định cơ chế thực thi mạnh mẽ "có răng thật" sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ những cam kết với thỏa thuận Giai đoạn 1 - bao gồm bảo vệ sở hữu trí tuệ của Mỹ, kiểm soát tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ Mỹ cho doanh nghiệp Trung Quốc, và tăng cường thu mua sản phẩm/dịch vụ Mỹ với giá trị 200 tỉ USD trong vòng hai năm.
"Hàm răng" của cơ chế này tương tự với công cụ mà chính quyền tổng thống Donald Trump áp dụng: Áp đặt thuế quan tương ứng với thiệt hại gây ra bởi bất kỳ hành vi không tuân thủ thỏa thuận nào.
Nhưng theo văn bản thỏa thuận, nếu bên vi phạm không đồng tình với cách thức xử lý như trên thì giải pháp duy nhất là từ bỏ thỏa thuận. Thỏa thuận Giai đoạn 1 không hề có quy định về kháng nghị hay đánh thuế trả đũa.
"Nếu Bên bị khiếu nại nhận định hành động của Bên khiếu nại được đưa ra một cách ác ý, biện pháp khắc phục là rút khỏi Thỏa thuận bằng cách gửi thông báo bằng văn bản tới Bên khiếu nại," Thỏa thuận có đoạn.
Một quan chức chính quyền Trump cho biết khái niệm "ác ý" và "thiện chí" không được xác định trong thỏa thuận, nhưng những hành động sẽ căn cứ trên tình hình thực tế cùng tác động về kinh tế.
Theo một kịch bản như vậy, hành động thực thi khiếu nại có thể khiến thỏa thuận sụp đổ - các chuyên gia về thương mại với Trung Quốc nói. Một số thỏa thuận thương mại khác của Mỹ, như thỏa thuận ba bên Mỹ-Mexico-Canada đã thuê các kênh trọng tài thứ ba để dàn xếp bất đồng.
"Cơ chế thực thi thỏa thuận Giai đoạn 1 là hết sức đơn giản. Nó cơ bản là 0 và 1, bật hoặc tắt," Scott Kennedy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, nhận xét.
"Một bên có thể gặp rủi ro hủy hoại toàn bộ chỉ vì một bất đồng trong chấp hành [thỏa thuận]," ông nói thêm.
Cơ chế tham vấn 90 ngày
Các quan chức chính quyền Trump khẳng định đã thiết lập một quy trình đủ mạnh để xử lý mâu thuẫn, trong đó mỗi nước sẽ mở một văn phòng thi hành thỏa thuận để theo dõi, phân loại và đánh giá các khiếu nại xoay quanh việc tuân thủ thỏa thuận.
Những bất đồng sẽ được trao đổi thông qua một chuỗi các cuộc tham vấn với cấp độ quan chức tham gia cao dần trong vòng 90 ngày, trước khi hình phạt được áp đặt.
Mỹ và Trung Quốc cũng nhất trí khôi phục tham vấn thương mại định kỳ, với các cuộc gặp công tác hàng tháng, các cuộc họp cấp thứ trưởng mỗi quý và họp cấp bộ trưởng thường niên - tương tự với các cuộc đối thoại kinh tế song phương trong quá khứ.
"Cuối cùng tổng thống [Trump] sẽ là người ra quyết định" rằng vấn đề bất đồng có lớn đến mức cần đánh thuế trừng phạt hay không - Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói.
"Nếu [Trung Quốc] đang mua vào [hàng hóa Mỹ], tổng thống chắc hẳn sẽ rất vui."
Ông Lighthizer thừa nhận ngày 14/1 rằng các kế hoạch dàn xếp bất đồng của thỏa thuận Giai đoạn 1 chưa được kiểm nghiệm, nhưng ông cho rằng thỏa thuận "sẽ có hiệu quả nếu Trung Quốc muốn nó hiệu quả".
"Tôi có nghĩ rằng liệu chúng ta có bị thử thách và gặp phải các vụ việc [bất đồng] hay không à? Có, chắc chắn là thế," Đại diện thương mại Mỹ nói. "Rồi chúng ta sẽ thấy. Nếu quy trình dàn xếp bất đồng có hiệu quả thì chúng ta sẽ ổn, còn nếu không thì sẽ không ổn."
Ông Lighthizer nhấn mạnh Mỹ sẽ vận dụng quy trình thực thi thỏa thuận "đến từng chữ cái".
Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Giai đoạn 1, do tổng thống Trump và phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký kết ngày 15/1, đã hủy bỏ thuế quan mà Mỹ dự kiến áp đặt đối với mặt hàng điện thoại di động, đồ chơi và máy tính do Trung Quốc chế tạo, cũng như giảm thuế suất xuống còn 7.5% đối với 120 tỉ USD hàng Trung Quốc - gồm tivi màn hình phẳng, tai nghe Bluetooth và giày dép.
Dù vậy, 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc - gồm các sản phẩm công nghiệp và linh kiện mà doanh nghiệp Mỹ sử dụng - vẫn bị Mỹ đánh thuế 25%.
Trí thức trẻ