Điều kiện kinh doanh trói tay doanh nghiệp
Một doanh nghiệp cho biết nhiều công ty đã phá sản sau khi có Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương.
- 01-07-2015Bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh: Còn hơn cả... “cởi trói”
- 29-06-2015Chính thức đề nghị bãi bỏ gần 3.300 điều kiện kinh doanh
Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14-6 đã trở thành dịp để các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) “tổng kết” những khó khăn do những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vô lý gây ra.
“Tay chân bị trói, cái đầu lắc lư”
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Quốc Bình cho hay vì các ĐKKD ràng buộc nên taxi không phát triển được. Ông Bình bức xúc: “Mặc dù Luật DN, Luật Đầu tư không cho phép UBND các địa phương được ban hành ĐKKD nhưng chỉ cần một chỉ thị của lãnh đạo là phải thi hành. Chỉ thị của lãnh đạo nói tạm dừng cấp phép kinh doanh taxi nên từ năm 2010 đến nay hầu hết các DN taxi không tăng. Bởi chỉ thị, quyết định to hơn luật nên buộc DN phải luồn lách bằng cách thành lập công ty ở các địa phương khác rồi đem xe về Hà Nội. Luồn lách đủ đường chỉ để được kinh doanh. DN loay hoay như “chàng Don Quichotte đấu tranh với cối xay gió”.
Mô tả thêm về việc bị các ĐKKD trói buộc, ông Bình dí dỏm: “Các công ty taxi hiện nay bị trói chặt cả tay, cả chân, chỉ còn cái đầu lắc lư nhưng cũng phải cố gắng duy trì kinh doanh vậy”. Để cởi trói cho DN, ông Bình kiến nghị: “Nếu phải ban hành nghị định thì các bộ, ngành phải cố gắng bao trùm vấn đề, tránh tình trạng đẻ thêm thông tư, rồi chỉ thị… khiến DN rất khổ”.
Chia sẻ với ông Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên An Phú Nguyễn Tuấn, cho rằng với ngành nhập khẩu ô tô, các DN bị trói chân, trói tay và ngay cả cái đầu cũng không lắc lư được chỉ vì Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương. Thông tư này quy định DN nhập khẩu phải có giấy ủy quyền của chính hãng. “Đây là điều bất khả thi, bởi các hãng ô tô chỉ cần có một đại lý tại Việt Nam là đủ” - ông Tuấn nói.
Chính vì vậy, từ khi có Thông tư 20, theo ông Tuấn, các công ty không nhập khẩu ô tô được nữa, chỉ đi mua bán ô tô cũ. Còn các hãng ô tô nước ngoài thì ung dung đặt đại lý tại Việt Nam thoải mái. “Vậy những ĐKKD trong Thông tư 20 có lợi cho ai, cho tất cả DN hay chỉ có lợi cho các DN nước ngoài?” - ông Tuấn đặt câu hỏi.
Ngoài ra, ông Tuấn còn cho rằng nếu Thông tư 20 nói trên được nâng cấp lên nghị định thì khoảng 200 DN nhập khẩu ô tô sẽ tự giải tán. Thiệt thòi khi đó sẽ thuộc về người tiêu dùng và ngân sách nhà nước. “Chúng tôi muốn đối thoại với Bộ Công Thương về thông tư này” - ông Tuấn tha thiết.
Còn ông Nguyễn Minh Đức, thuộc nhóm khởi nghiệp của Tập đoàn FPT, thì nêu thực tế ĐKKD đối với dịch vụ an toàn thông tin là phải có cán bộ kỹ thuật có bằng đại học chuyên ngành. “Chúng tôi chắc chắn không thể tìm được nhân lực như thế. Lý do là ngành an toàn thông tin mới được mở đào tạo cách đây vài năm, nghĩa là đến nay các em sinh viên theo ngành này mới ở năm thứ hai. Vậy thì làm sao có thể đáp ứng được điều kiện trên” - ông Đức nói.
Dự thảo nghị định “8 không”
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhận định việc các bộ, ngành đang chạy đua, nâng cấp cơ học các thông tư thành nghị định khiến chất lượng các nghị định rất… đáng quan ngại.
Quy trình rút gọn trong việc xây dựng các nghị định về ĐKKD được Chính phủ cho phép các bộ, ngành áp dụng để đảm bảo các nghị định về ĐKKD hoàn tất đúng hạn, trước ngày 1-7 để Chính phủ kịp ban hành. Ông Tuấn lo lắng: “Vì theo quy trình rút gọn nên các bộ, ngành không đăng dự thảo nghị định trên mạng; không lấy ý kiến DN; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không thuyết minh; không giải trình”.
Đề cập thêm về vấn đề này, người từng có 30 năm công tác ở Bộ Tư pháp là ông Nguyễn Am Hiểu thừa nhận nếu phải đọc, thẩm định gần 50 dự thảo nghị định về ĐKKD sắp ban hành sẽ rất mệt, vì số lượng ĐKKD quá… khủng khiếp. “Gần 50 nghị định, chắc sẽ có khoảng 4.000 ĐKKD. DN chỉ cần gánh được các ĐKKD này cũng đã mệt, còn thời gian đâu mà làm ăn nữa” - ông Hiểu cảm thán.
Đồng tình, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh Chính phủ bao giờ cũng phải tính đến việc ĐKKD sẽ tăng độc quyền, bất lợi cho DN và người tiêu dùng, giảm tính năng động và sáng tạo của DN. Ông Tuấn còn nêu ra thực trạng: “Hiện nay khi lấy ý kiến về dự thảo các nghị định, thông tư thì các bộ, ngành hầu hết lấy ý kiến DN lớn, trong khi những DN nhỏ có tiềm năng, cơ hội phát triển thì không được lấy ý kiến. Vì thế DN không chỉ sợ có quá nhiều ĐKKD bất hợp lý mà còn sợ ĐKKD không minh bạch”.
Kẹt 8 triệu USD vì thông tư
Trước đây, các DN nhập khẩu rất nhiều mẫu mã xe mới nhất trên thế giới, giá rất cạnh tranh. Sau khi có Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương thì nhiều DN đã phá sản, một số DN khác đang bên bờ vực phá sản. Chúng tôi đã từng viết thư kêu cứu gửi Thủ tướng về vấn đề này.
Riêng công ty tôi đã chuyển 8 triệu USD cho đối tác nước ngoài để nhập khẩu xe từ năm 2011. Tôi phải ứng trước số tiền trên thì họ mới sản xuất xe. Tôi viết đơn khắp nơi kiến nghị tháo gỡ khó khăn để được nhập nốt số xe đã đặt hàng về suốt bốn năm nay nhưng không được…
Thông tư 20 như thế đã “tiêu diệt” DN nhập khẩu ô tô. Nếu thông tư này được nâng cấp thành nghị định thì các DN nhập khẩu ô tô như tôi không còn cơ hội kinh doanh. Trong khi chúng tôi chỉ muốn được cạnh tranh lành mạnh, không xảy ra độc quyền.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua nói sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN nên chúng tôi mới kiến nghị tiếp. Nếu không, chắc chúng tôi phải phá sản hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc
Công ty Cổ phần Thương mại Kylin-GX
Một tuần thẩm định 44 dự thảo nghị định
Theo thống kê của VCCI, đến ngày 31-5 đã có 38/49 dự thảo nghị định được trình Chính phủ và chỉ có 24 dự thảo nghị định lấy ý kiến VCCI. Ông Đậu Anh Tuấn cho hay có khi Bộ Tư pháp phải thẩm định 44 dự thảo nghị định trong một tuần. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải của Bộ Tư pháp và cả VCCI.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì cho rằng điều này là hệ quả của việc các bộ, ngành cứ… vô tư ban hành các ĐKKD trái thẩm quyền mặc dù Luật Đầu tư không hề cho phép làm việc đó.
Pháp luật TPHCM