MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều kỳ diệu ở làng thép hơn 600 năm tuổi: 15 người làm ra tới 500.000 tấn thép mỗi năm

27-06-2017 - 08:59 AM | Tài chính quốc tế

Bên trong nhà máy, những sợi dây kim loại nóng đỏ đang chạy dọc đường dây sản xuất dài 700m, trên nền gạch sáng tinh tươm. Thứ duy nhất gây ra tiếng ồn nhè nhẹ là những động cơ máy. Ngoài máy móc, ở đây chỉ có 3 người đó là những kỹ thuật viên ngồi trên cao điều khiển dây chuyền sản xuất thông qua một màn hình phẳng.

Kể từ những năm 1400, ngôi làng Donawitz nước Áo đã là thủ phủ luyện kim của vùng. Quặng sắt được chuyển về đây từ những ngọn núi phủ tuyết trắng gần đó. Qua nhiều thế kỷ, ngôi làng này trở thành trung tâm sản xuất thép của đế chế Hasburg. Đến đầu những năm 1900, nó đã trở thành nhà máy thép lớn nhất châu Âu. Cho đến tận năm nay, sự kiện thành lập nhà máy mới của tập đoàn Voestalpine AG tại ngôi làng này đã chứng minh vị trí không thể thay thế của Donawitz trong ngành thép, tuy nhiên có một điều ít chắc chắn hơn: việc làm.

Nhà máy nằm cách thủ đô Vienna 2 giờ lái xe về phía Tây Nam. Tại đây, chỉ cần 14 nhân viên có thể sản xuất ra 500.000 tấn sợi thép mỗi năm - tương đương với công suất làm việc của 1.000 người trong một nhà máy được xây dựng từ những năm 1960.

Bên trong nhà máy, những sợi dây kim loại nóng đỏ đang chạy dọc đường dây sản xuất dài 700m, trên nền gạch sáng tinh tươm. Thứ duy nhất gây ra tiếng ồn nhè nhẹ là những động cơ máy, nhưng nó cũng không thể phá vỡ bầu không gian yên tĩnh đến mức đáng sợ tại đây. Ngoài máy móc, ở đây chỉ có 3 người đó là những kỹ thuật viên ngồi trên cao điều khiển dây chuyền sản xuất thông qua một màn hình phẳng. Wolfgang Eder - người có kinh nghiệm giám đốc điều hành Voestalpine trong 13 năm qua cho biết về lâu về dài, nhà máy sẽ mất đi phần lớn lao động cổ cồn xanh cũ - những người làm việc bên trong nhà máy nấu thép nóng nực, bẩn thỉu hay xung quanh lò cao. Chúng sẽ được tự động hóa.


Bên trong nhà máy rèn thép của Voestalpine ở làng Donawitz.

Bên trong nhà máy rèn thép của Voestalpine ở làng Donawitz.

Từ lâu, Voestalpine đã quyết định không cạnh tranh sản xuất mặt hàng thép không gỉ với những gã khổng lồ như ArcelorMittal của Luxembourg, Nippon Steel của Nhật Bản, hay Posco của Hàn Quốc, chưa kể đến hàng trăm lò nung chi phí thấp ở Trung Quốc. Thay vào đó, các nhà quản lý của Voestalpine đã tìm đến những sản phẩm thuộc thị trường ngách có giá trị cao như sợi thép được sản xuất tại Donawitz, đã giúp cho Voestalpine duy trì được trạng thái lợi nhuận.

Tuy nhiên, điều đó tạo nên một sự thay đổi lớn đến số lượng và loại hình công việc ở Voestalphine. Nhà máy xuất hiện một số lượng lớn kỹ thuật viên cổ cồn trắng thay thế cho những công nhân lao động tay chân. Sự thay đổi này đến trong bối cảnh ý nghĩa chính trị của thép đang tăng lên. Pháp và Anh đang xem xét quốc hữu hóa các nhà máy thép để ngăn chặn việc đóng cửa, trong khi Tổng thống Donald Trump coi thép như một biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Mỹ và nguồn việc làm lương cao cho những công nhân cổ cồn xanh.

Nhưng những người trong ngành lại cho rằng đó là một quan điểm nông cạn, bởi thép sẽ "tạo ra việc làm nhưng sẽ không phải là số lượng mà nhiều chính phủ mong muốn", Edwin Basson - giám đốc điều hành Hiệp hội thép thế giới cho biết. "Để được chấp nhận ở khắp mọi nơi, thông điệp này cần phải trải qua một chặng đường dài. Chúng ta đang đấu tranh chống lại những kinh nghiệm và nhận thức truyền thống".

Hình ảnh nhà máy khi nhìn từ bên ngoài
Hình ảnh nhà máy khi nhìn từ bên ngoài

Trong 20 năm qua, số giờ lao động cần thiết để tạo ra một tấn thép trong toàn ngành đã giảm từ 700 xuống 250 giờ, nhờ có quy trình kiểm soát mới và nhiều sáng kiến như đúc thép gần với hình dạng của sản phẩm cuối cùng đã giúp cải thiện năng suất. Từ 2008 - 2015, số người lao động làm việc trong ngành thép trên toàn châu Âu đã giảm gần 84.000 người - chiếm khoảng 20% - xuống còn 320.000 người.

Ông Eder dự đoán số lượng việc làm trong ngành có thể giảm 20% trong thập kỷ tới. “Càng ngày, ngành thép sẽ không dùng tới những lao động không có tay nghề", ông Eder nói.

Nằm trong một thung lũng hẹp bao quanh bởi đồng cỏ xanh tươi với những chú bò sữa, nhà máy Donawitz trái ngược hoàn toàn với vẻ cổ kính của những ngôi nhà thờ và lâu đài đá gần đó. Tại đây, thép được rèn thành dây để bán cho các nhà máy sản xuất ô tô bên kia biên giới Đức như BMW, Mercedes-Benz và Audi. Trong khi có khoảng 300 công nhân ở Donawitz thực hiện các công việc hỗ trợ như chuyển hàng, bản thân nhà máy rèn thép chỉ do hơn một chục người vận hành.

3 người kỹ sư điều khiển dây chuyền ngồi trong một phòng gọi là "bệ phóng" có cấu trúc giống như buồng lái của một chiếc tàu thuỷ phía trên sàn máy. Nhiệm vụ của họ chủ yếu là theo dõi, quan sát các dấu hiệu cảnh báo như nhiệt độ, áp suất. Những công nhân làm dây chuyền trước đây được trải qua một khoá đào tạo cho công việc mới khi có sự thay thế của robot. Họ được nghiên cứu hệ thống điều khiển và làm việc trong một bệ phóng mô phỏng và học cách thuyết minh số liệu. Những công nhân khác chịu trách nhiệm duy trì thiết bị hoặc sửa lại nhà máy cho nhiều loại đường kính dây cáp khác nhau từ loại 4,5mm đến 60mm.

Trong vòng 3 năm tới, Voestalpine dự định mở một nhà máy tự động hoàn toàn tại Kapfenberg - cách thung lũng Donawitz nửa ngày lái xe. Đây sẽ là nơi cung cấp linh kiện máy bay công nghệ cao như các bộ phận động cơ chịu áp lực và bộ phận hạ cánh. Mặc dù kế hoạch chi tiết vẫn chưa chắc chắn, việc tự động hoá một nhà máy hiện đang sử dụng 2.500 công nhân có thể thay đổi đáng kể bức tranh thị trường lao động trong tương lai.

Voestalpine hiện có 5 lò rèn thép ở Donawitz và Linz. Môi trường làm việc ở đây bẩn thỉu và thâm dụng lao động với tổng số nhân công lên tới 2.700 người. Ông Eder nói rằng phần lớn công việc có thể làm tự động, tạo ra một môi trường an toàn và sạch sẽ hơn cho nhân viên ngay cả khi số lượng việc làm có thể giảm. "Sản xuất thép trong tương lai sẽ trông như thế nào?. Tin tốt là, những công việc sống sót được trong tương lai sẽ thực sự hấp dẫn", ông Eder nói.

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên