Điều thô tăng giá 50%, doanh nghiệp điều đau đầu vì bị xù hợp đồng
Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu đến 90%, các nhà máy chế biến điều Việt Nam đang đứng ngồi không yên vì đối tác bẻ kèo, không giao hàng
- 30-05-2024Việt Nam trở thành ‘cứu tinh’ của Campuchia ở mặt hàng cực quan trọng này: Thu mua đến 98% sản lượng, nước ta thống trị thị trường toàn cầu
- 29-05-2024Một mặt hàng từ Ukraine đổ bộ Việt Nam với giá rẻ kỷ lục: Nhập khẩu tăng hơn 800% trong 4 tháng đầu năm, nước ta chi hơn 600 triệu USD mua hàng
- 14-05-2021Chỉ sau 4 tháng Việt Nam đã chi lượng ngoại tệ cao hơn cả năm 2020 để nhập điều thô
Chiều tối 31-5, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin tình hình biến động thị trường hạt điều gần đây.
Theo ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Vinacas, gần đây Vinacas nhận được phản ánh của các hội viên về việc không nhận được đầy đủ nguyên liệu từ đối tác là các nước Tây Phi trước tình hình giá điều thô tăng mạnh. Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 3 triệu tấn điều thô, trong đó nguồn từ châu Phi khoảng 2,2 triệu tấn (chủ yếu là Tây Phi). Nguồn cung trong nước chỉ chiếm khoảng 10%.
Vào tháng 2, giá điều thô chỉ khoảng 1.000 – 1.050 USD/tấn thì vào tháng 5 đã 1.500 – 1.550 USD/tấn. Do đó, các nhà xuất khẩu đã tìm cách trì hoãn giao hàng, đòi hỗ trợ tăng giá và theo thống kê sơ bộ, chỉ khoảng 50% lượng hàng được giao theo hợp đồng. "Thông thường, khi doanh nghiệp mua điều thô sẽ ký hợp đồng xuất khẩu điều nhân tương ứng với giá nguyên liệu. Với tình hình biến động giá nguyên liệu hiện tại, từ cuối quý 3 năm nay sẽ xảy ra nhiều vụ tranh chấp hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu vì giá thành tăng cao, nhiều doanh nghiệp không có cả năng thực hiện hợp đồng đã ký" – ông Họa dự báo.
Nguyên nhân điều thô tăng giá được cho là vì Tây Phi mất mùa với dự báo khoảng 7% và một số nước như Bờ Biển Ngà áp dụng chính sách tạm ngưng xuất khẩu điều thô để hỗ trợ các nhà máy sản xuất hạt điều nội địa.
Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn I, doanh nghiệp xuất khẩu tốp đầu cho biết năm 2024 ký hợp đồng mua 52.000 tấn điều thô từ Tây Phi nhưng chỉ nhận được 25.000 tấn đúng giá, bị xù khoảng 12.000 tấn, còn lại nhận được hàng nhưng phải tăng giá.
"Một số đối tác nước ngoài đang làm tiền doanh nghiệp Việt Nam, ép doanh nghiệp phải mua mới với giá cao hoặc không giao chứng từ để doanh nghiệp không lấy được hàng" – ông Huyên nói.
Để ứng phó tình hình, ông Huyên cho hay sẽ cùng với Vinacas lập danh sách các đối tác không uy tín để cùng nhau tẩy chay. Những đối tác cố tình xù hợp đồng sẽ kiện ra tòa án và thực hiện theo phán quyết của tòa án.
Ông Cao Thúc Uy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cao Phát, nói thêm trong 20 năm kinh doanh điều chưa bao giờ giá điều thô tăng 400 USD/tấn chỉ trong 1 tháng nên không trở tay kịp.
"Thường chúng tôi ký hợp đồng xuất khẩu trước 6-12 tháng và chưa bao giờ gặp cảnh thiếu nguyên liệu như hiện nay. Giá xuất khẩu tăng không tương ứng với giá nguyên liệu đầu vào khiến chúng tôi rất đau đầu để giữ chữ tín" – ông Uy nói.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas, thông tin Vinacas sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, trong đó có tác động các nước châu Phi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu điều thô. Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vinacas kiến nghị quan tâm phát triển vùng nguyên liệu điều, phát triển bộ giống điều chất lượng, năng suất cao. Điều này sẽ giúp các nhà chế biến điều bớt phụ thuộc nguồn nhập khẩu, để không bị chèn ép.
Trước đó, Vinacas cũng có văn bản gửi Hiệp hội các nhà xuất khẩu điều Bờ Biển Ngà xem xét hỗ trợ nhắc nhở hội viên và doanh nghiệp xuất khẩu của Bờ Biển Ngà thực hiện đúng hợp đồng đã ký.
Người lao động