Điều tra bổ sung vụ Phạm Công Danh: Phát sinh tình tiết mới tại Sacombank, BIDV?
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung đối với các đối tượng liên quan tại BIDV và Sacombank, trong vụ án Phạm Công Danh.
- 19-06-2018“Đại án” Phạm Công Danh: Điều tra bổ sung có gì mới?
- 22-05-2018Ông Phạm Công Danh tiết lộ mua Ngân hàng Đại Tín chỉ 4 triệu đồng
- 12-05-2018Phạm Công Danh sập bẫy bất động sản của bà Hứa Thị Phấn
Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới đây đã hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2.
Thực hiện yêu cầu điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành lấy lời khai một số đối tượng liên quan tại các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV ) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Tại BIDV, các bị cáo gồm Hoàng Long Hà, nguyên Phó giám đốc; Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng Khách hàng Doanh nghiệp và Nguyễn Vũ Bảo, nguyên Cán bộ tín dụng BIDV CN Gia Định đều khai nhận hành vi của mình trong việc tham gia giải quyết từng hồ sơ vay theo văn bản ủy nhiệm của BIDV Hội sở chính và phân công của lãnh đạo chi nhánh theo đúng chức năng nhiệm vụ của Phòng Khách hàng Doanh nghiệp. Quá trình thực hiện không nhận được sự chỉ đạo nào khác của lãnh đạo cấp trên.
Kết quả lấy lời khai các đối tượng liên quan: Triệu tập, ghi lời khai của giám đốc 4 chi nhánh BIDV (Gia Định, Bến Thành, Nam Sài Gòn, Sở giao dịch 2) và tường trình của lãnh đạo các chi nhánh để làm rõ quá trình giải quyết hồ sơ vay vốn của các công ty do Phạm Công Danh thành lập và điều hành. Lãnh đạo các chi nhánh đều khai sau khi nhận được các văn bản của BIDV Hội sở chính do ông Trần Lục Lang, Phó Tổng giám đốc ký, các chi nhánh đã thực hiện cho 12 khách hàng vay để bổ sung nguồn vốn kinh doanh vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà đúng như nội dung Hội sở chính giao.
Ngoài ra, BIDV Hội sở chính giao 4 chi nhánh thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định khách hàng, phương án kinh doanh, xem xét quyết định cấp tín dụng bảo đảm thu đủ nợ gốc và lãi. Nội dung các công văn ủy nhiệm cho 4 chi nhánh cũng nêu rõ tại Hội sở chính đã thông qua Ban Khách hàng Doanh nghiệp có tờ trình đề nghị lãnh đạo phê duyệt cho vay, đã được Ủy ban rủi ro ra quyết định phê duyệt chủ trương cho khách hàng vay vốn với số tiền tối đa từng công ty (từ 320 tỷ đồng đến 460 tỷ đồng, tổng cộng 4.700 tỷ đồng/12 khách hàng) nên chi nhánh không tiến hành thẩm định thực tế khách hàng; điều kiện về tài sản đảm bảo (gồm bất động sản và tiền gửi của doanh nghiệp hoặc bên thứ ba) luôn bằng hoặc lớn hơn 100% dư nợ vay, về thời hạn cho vay (phù hợp với các hợp đồng bán vật liệu xây dựng nhưng không quá 12 tháng), lãi suất theo quy định của BIDV…
Do đó, các chi nhánh thấy hồ sơ vay vốn của các khách hàng có phương án vay, có các hợp đồng mua vật liệu xây dựng (đầu vào) và hợp đồng bán vật liệu xây dựng (đầu ra), hồ sơ pháp lý các khách hàng… đã thống nhất cho vay với điều kiện về số tiền vay, tài sản đảm bảo, thời hạn hợp đồng như phê duyệt của BIDV Hội sở chính.
Tài sản đảm bảo gồm bất động sản do chi nhánh đánh giá, thẩm định, đăng ký giao dịch đảm bảo trước khi giải ngân; đối với tài sản đảm bảo là 3.070 tỷ đồng tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại BIDV do Hội sở chính ký hợp đồng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và văn bản hướng dẫn nên Hội sở chính thực hiện phong tỏa các hợp đồng tiền gửi. Các khoản vay đều giải ngân chuyển khoản vào tài khoản thụ hưởng là các công ty bán vật liệu xây dựng cho 12 khách hàng. Các chi nhánh đều yêu cầu thu hồi trước hạn do khách hàng không phối hợp với ngân hàng thực hiện kiểm tra hàng hóa sau giải ngân, không cung cấp được hóa đơn mua bán hàng hóa vật liệu xây dựng và đã thu đủ gốc, lãi từ nguồn tiền khách hàng chuyển trả.
Kết quả điều tra bổ sung vụ án không phát sinh tình tiết mới nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an giữ nguyên quan điểm xử lý trước đây đối với các đối tượng liên quan tại BIDV.
Kết quả giám định về thiệt hại: kết luận giám định bổ sung số 7405 ngày 10/10/2016, số 1637 và số 2391 ngày 5/4/2017 của Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định việc BIDV thu nợ là phù hợp với thỏa thuận của các bên tại hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo lãnh. Việc bảo lãnh của VNCB cho 12 công ty vay vốn tại BIDV đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 2.550 tỷ đồng.
Tại Sacombank, kết quả ghi lời khai các cá nhân liên quan tại Sacombank gồm Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc; Đào Nguyên Vũ, Phó TGĐ; Đỗ Văn Nghiêm, Phòng kiểm soát rủi ro CN Hưng Đạo; Nguyễn Hồng Cường, Trưởng Phòng kinh doanh CN Hưng Đạo; Bùi Văn Thành, Giám đốc CN Hưng Đạo; Cáp Văn Hoàng, Phó Giám đốc CN Hưng Đạo; Phạm Ngọc Tuấn Anh, Trưởng phòng kinh doanh CN Quận 8; Trần Quý Thiên Kim, Trưởng phòng kiểm soát rủi ro CN Quận 8; Văn Phú Duẫn, Phó giám đốc CN Quận 8; Nguyễn Đăng Hưng, Chuyên viên tín dụng CN Quận 8.
Kết quả những đối tượng nêu trên đều không thay đổi gì về lời khai của họ trước đây đối với những nội dung liên quan đến khoản vay mà Sacombank đã giải ngân cho 6 khách hàng với tài sản là tiền gửi tại Sacombank. Họ thực hiện cho vay theo yêu cầu của Hội sở (từ ý kiến chỉ đạo của TGĐ), họ không biết gì về thỏa thuận giữa ông Trầm Bê , Phó chủ tịch HĐQT, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank với Phạm Công Danh, không quan hệ gì với Phạm Công Danh, không biết các công ty vay vốn là của Danh.
Kết quả điều tra bổ sung vụ án không phát sinh tình tiết mới nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an giữ nguyên quan điểm xử lý trước đây đối với nhóm đối tượng liên quan tại Sacombank.
Về thiệt hại: căn cứ kết quả giám định tại kết luận giám định số 1637 ngày 16/3/2017 của giám định viên NHNN về việc Sacombank cho 6 công ty vay 1.800 tỷ đồng thì đến thời điểm giám định, Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến Phạm Công Danh. Việc bảo lãnh của VNCB cho 6 công ty vay vốn tại Sacombank đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền là hơn 1.835 tỷ đồng.
BizLive