MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Digiworld đầu tư vào chuỗi cầm đồ Vietmoney, định giá hơn 232 tỷ đồng

06-04-2021 - 16:12 PM | Doanh nghiệp

Digiworld đầu tư vào chuỗi cầm đồ Vietmoney, định giá hơn 232 tỷ đồng

Sáng lập Vietmoney, ông Trịnh Văn Phương (Kelvin Phuong) từng có nhiều năm làm việc vị trí quản lý tại các nhà băng như Techcombank, MBBank, ANZ.

Trong năm 2020, CTCP Thế giới số (Digiworld) đã đầu tư sở hữu 21,86% cổ phần Công ty Vietmoney, doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cửa hàng cầm đồ.

Digiworld bỏ ra số tiền 50,7 tỷ đồng, tương đương định giá của Vietmoney khoảng 232 tỷ đồng (10 triệu USD).

Tại thời điểm kết thúc năm ngoái, vốn điều lệ của Vietmoney ở mức 92,33 tỷ đồng. Năm 2020 là năm và hoạt động tăng vốn của công ty cầm đồ này diễn ra sôi động, tăng vốn từ 22,7 tỷ đồng lên 69,1 tỷ đồng (cuối tháng 8/2020), và từ 69,1 tỷ đồng lên 92,33 tỷ đồng (tháng 12/2020).

Vietmoney được thành lập vào tháng 9/2016, vốn điều lệ ban đầu 9 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm ông Trịnh Văn Phương (55%), công Lý Hoàng Tuấn (40%) và ông Lê Quang Vũ (5%). Theo giới thiệu, nhóm cổ đông sáng lập Vietmoney thuộc thế hệ 8x, xuất thân từ ngành ngân hàng và các công ty công nghệ có tiếng tăm như FPT, VNG.

Ông Trịnh Văn Phương (Kelvin Phuong) – Tổng giám đốc từng có nhiều năm làm việc vị trí quản lý tại các nhà băng như Techcombank, MBBank, ANZ.

Bên cạnh Digiworld, Vietmoney công bố đã nhận được vốn đầu tư từ quỹ Probus Opportunities (Thụy Sĩ). Năm 2018, công ty nhận đầu tư vòng hạt giống từ quỹ Indochine Investment.

Ông Trinh Văn Phương từng chia sẻ hồi tháng 10 năm ngoái, Vietmoney có kế hoạch mở lên 100 chi nhánh, phủ sóng 28 tỉnh thành, vận hành theo mô hình O2O (kết hợp cửa hàng truyền thống và online). Ông Phương cho biết giao dịch online chiếm 60% tổng giao dịch hàng tháng của toàn bộ chuỗi cầm đồ Vietmoney.

Mô hình của Vietmoney tương đồng với mô hình của F88 được sáng lập bởi ông Phùng Anh Tuấn (Tuấn Pat), chuỗi cầm đồ hiện đã có gần 330 phòng giao dịch trên toàn quốc.

F88 có mục tiêu hướng đến 1.000 phòng giao dịch vào năm 2023, khi đạt quy này công ty sẽ tiến hành chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).

Năm 2020, doanh thu thuần của F88 đạt hơn 490 tỷ đồng, tăng 125% so với năm trước đó. Theo cơ cấu, 63% doanh thu từ hoạt động cầm cố xe máy, gần 20% từ cầm cố ô tô, và 17,5% từ nguồn khác. Ngoài cầm cố tài sản, một nguồn thu tương đối của F88 đến từ các sản phẩm bảo hiểm thông qua hợp tác với Mirae Asset và PTI.

Quay trở lại với Vietmoney, năm ngoái công ty này vẫn lỗ. Số lỗ của Vietmoney ăn vào phần vốn đầu tư của Digiworld khoảng 213 triệu đồng.

Được biết, ông Đoàn Hồng Việt – Tổng giám đốc Digiworld đang có chân trong HĐQT Vietmoney.

Digiworld đầu tư vào chuỗi cầm đồ Vietmoney, định giá hơn 232 tỷ đồng - Ảnh 1.
Digiworld đầu tư vào chuỗi cầm đồ Vietmoney, định giá hơn 232 tỷ đồng - Ảnh 2.

Với Digiworld, công ty này có một năm kinh doanh thăng hoa bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19. Doanh thu thuần đạt 12.536 tỷ đồng, tăng 48%; lợi nhuận sau thuế đạt 267 tỷ đồng, tăng 64%.

Digiworld đứng sau thành công của thương hiệu Xiaomi tại Việt Nam, nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục gia tăng thị phần trong năm vừa qua. Điều này giúp cho doanh thu mảng điện thoại di động của Digiworld tăng trưởng 64%, trong bối cảnh thị trường bão hòa.

Bên cạnh Xiaomi, thành quả của Digiworld còn đến từ việc bán dòng sản phẩm iPhone 12 của Apple. Nhu cầu tại thị trường Việt Nam với các sản phẩm "táo khuyết" là rất lớn.

Dưới tác động của đại dịch khiến làm việc, học tập tại nhà trở nên phổ biến hơn. Lĩnh vực máy tính xách tay và máy tính bảng hưởng lợi từ sự chuyển đổi này. Doanh thu của Digiworld tăng trưởng 46% so với năm trước, vượt 38% kế hoạch. Đóng góp chính đến từ các sản phẩm Macbook của Apple và Huawei.

Máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại di động đóng góp tỷ trọng chủ yếu vào doanh thu của Digiworld, gần 86%.

Đông A

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên