MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Định giá ngành ngân hàng đang hấp dẫn, nhưng cơ hội không dành cho tất cả”

Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)

Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)

Theo Phó Tổng giám đốc MSB, định giá chung toàn ngành ngân hàng hiện có P/B 1,5 là P/E khoảng 10-11 là hấp dẫn cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư dài hạn. Nhưng điều này không có nghĩa rằng ngân hàng nào đầu tư vào cũng tốt.

Tại Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8 mới diễn ra, bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) đã có những chia sẻ về kỳ vọng ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2022 với kỳ vọng "van" tín dụng được khơi thông, qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

BTV Mùi Khánh Ly: Trong giai đoạn dịch vừa qua, ngành ngân hàng đã phải đứng hai vai, vừa phải đảm bảo an toàn, tăng trưởng, và vừa phải hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn bởi dịch. Đó thực sự là một nỗ lực rất lớn?

Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB): Đúng là ngành ngân hàng đang phải đứng hai vai, nhưng trong suốt giai đoạn dịch phải nói đến sự sát sao của Ngân hàng Nhà nước để ngành ngân hàng có thể trợ giúp được cho các doanh nghiệp như giãn nợ, giảm lãi suất, giảm phí và hỗ trợ cho cả khách hàng cá nhân. Ví dụ như tại MSB, riêng từ tháng 7/2021 cho đến 31/12/2021, giá trị lãi mà chúng tôi giảm cho khách hàng lên đến 185 tỷ đồng.

Thứ hai là trong dịch, ngay chính ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi nhìn thấy cơ trong nguy để cho ngành ngân hàng phát triển. Ví dụ như số lượng giao dịch online của người tiêu dùng Việt Nam bây giờ tăng gấp 20 lần so với những giai đoạn trước dịch. Người dân Việt Nam thay vì dùng tiền mặt sẽ dùng bằng các giao dịch chuyển khoản ngân hàng và tài chính khác. Đây là cơ hội cho bất cứ một ngân hàng nào có những sản phẩm số ra mắt đúng thời gian để khách hàng có thể sử dụng.

Chúng tôi trong giai đoạn đó cũng có những sản phẩm số ra đời, ví dụ như mở tài khoản giao dịch online cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp hoặc là giải ngân, chúng tôi cũng thực hiện được online và sản phẩm cho vay khác. Với việc thực thi điều đó thì ngành ngân hàng trong 2 năm qua mặc dù khó khăn, nhưng đang tăng trưởng rất tốt. Trong hai năm vừa qua chúng tôi tăng trưởng kép về doanh thu lên tới 136%.

Như vậy là mức định giá trên sàn chứng khoán đang chưa phản ánh đúng tình hình kinh doanh của ngành ngân hàng?

Tôi thấy rằng định giá chung toàn ngành ngân hàng hiện có P/B 1,5 là P/E khoảng 10-11 là hấp dẫn cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư dài hạn. Nhưng cũng không có nghĩa rằng ngân hàng nào đầu tư vào cũng tốt, mà phải lưu ý tới khả năng tăng trưởng và mức độ phát triển một cách an toàn, bền vững của từng ngân hàng.

Nhà đầu tư có thể xem xét thêm các tiêu chí khác, những tiêu chí vẫn ảnh hưởng đến ngành ngân hàng như tỷ lệ nợ xấu hoặc lạm phát, hoặc một số những chính sách thay đổi khiến cho ngành ngân hàng đôi lúc gặp khó khăn. Nhưng thị trường ngành ngân hàng với tỷ lệ người dùng các dịch vụ còn đang thấp và làn sóng dịch chuyển rất lớn, từ việc sử dụng tiền mặt sang sử dụng các giao dịch ngân hàng và tài chính số. Đây là cơ hội cho bất cứ một ngân hàng nào có khả năng để bứt phá, đặc biệt là những ngân hàng có khả năng phát triển, đón làn sóng lao động trẻ và dịch chuyển lên kênh số.

Bà đánh giá triển vọng ngành ngân hàng nửa cuối năm 2022 sẽ như thế nào?

Theo quan điểm tôi, Ngân hàng Nhà nước thận trọng trong giai đoạn vừa rồi là hợp lý vì cần phải cân đối chung cho toàn nền kinh tế. Ngoài ra, việc mở van tín dụng sẽ lệ thuộc rất nhiều vào việc đánh giá mức độ an toàn hoạt động, chỉ số an toàn về mặt tài chính của các ngân hàng chứ không nới đều cho tất cả các ngân hàng.

Và đối với nhà đầu tư, ngoại trừ những chỉ số về tỷ lệ nợ xấu hay việc quản trị ngân hàng, cũng cần đánh giá thêm về các chỉ tiêu khác như tỷ lệ mà CASA/tổng huy động hay giá trị huy động trên tài khoản thanh toán trên tổng huy động, tỷ lệ này cao thì ngân hàng có mức vốn huy động thấp và thường là khả năng sinh lời trên vốn cho vay cũng sẽ tốt hơn. MSB cũng là một trong ba ngân hàng đang có mức CASA/tổng huy động là 38%, trong quý 1/2022, chúng tôi được xếp thứ ba trên thị trường và vẫn duy trì vị thế đó. Hay chúng ta phải nhìn thêm phần liên quan đến tỷ lệ thu phí ngoài lãi. Khi nhà đầu tư muốn đầu tư dài hạn cũng nên xem xét những tiêu chí như vậy nữa.

Khi tín dụng cũng được khơi thông thì tốc độ sinh lời cũng như doanh thu của ngân hàng cũng sẽ có thêm đà để phát triển. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng hạn mức tín dụng và tăng trưởng tín dụng luôn luôn có giới hạn, nên lợi thế sẽ đến với những ngân hàng nào có khả năng thực hiện những sản phẩm, dịch vụ có nhiều giá trị cho người dùng, hơn là chỉ đơn thuần cho vay và huy động.

Với khuynh hướng chuyển dịch số và một thế hệ trẻ gia nhập thị trường như hiện nay rõ ràng là việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng số, ví điện tử hoặc thanh toán điện tử khác sẽ trở thành thứ thông dụng hơn rất nhiều. Đó sẽ là cơ hội cho ngành ngân hàng bán lẻ của Việt Nam phát triển. Thế nhưng cơ hội sẽ đến với ngân hàng nào có thể nắm bắt được điều đó và có được những chiến lược chuyển đổi số bài bản, dựa trên khả năng thấu hiểu khách hàng và đưa ra những sản phẩm thuần số cho giới trẻ và những người mong muốn sự tiện dụng.

Tại MSB chúng tôi cũng có những chiến lược chuyển đổi số 5 năm, từ năm 2018 đến năm 2024. Vì vậy giai đoạn khó khăn nhất là giãn cách xã hội, chúng tôi làm được cả hai việc cùng một lúc. Chuyển dịch số giúp cho ngân hàng có thể vận hành được từ xa để phục vụ được khách hàng với chi phí hoạt động hiệu quả nhất.

Ngoài ra, với những sản phẩm số giải ngân online hoặc thanh toán quốc tế, khách hàng của MSB đều có thể thực hiện được trên kênh số. Tôi nghĩ chuyển dịch số là điều rất quan trọng khi Chính phủ đang khuyến khích việc này và đang có những sự thay đổi để trợ giúp. Đồng thời người dân cũng như doanh nghiệp đã sẵn sàng cho việc giao dịch online. Ngân hàng nào tận dụng được cơ hội này sẽ là thời cơ của ngân hàng đấy. Sự tăng trưởng sẽ có phân lớp với những ngân hàng thực sự tạo ra được những lợi thế riêng, phát triển một cách dài lâu và bền vững hơn.

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 này, kỳ vọng về việc "mở van" tín dụng sẽ giúp khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó cũng sẽ thúc tăng trưởng của thị trường, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, khi mở room tín dụng cũng chưa chảy thẳng vào thị trường chứng khoán. Mà mở room tín dụng sẽ là khơi thông dòng vốn và sẽ chảy vào hoạt động sản xuất.

Các ngân hàng sẽ xem xét đến các yếu tố để cấp vốn cho những doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp có được sự trợ giúp về mặt tín dụng khi có nhu cầu phát triển sẽ tạo ra lực đẩy cho cho các doanh nghiệp có nhiều dòng vốn vào sản xuất, từ đó hoạt động kinh doanh tốt lên.

Nhờ vậy mà chính nguồn thu nhập và nguồn thu của ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tốt lên, góp phần thúc đẩy giá cổ phiếu ngành ngân hàng tích cực hơn, và với vai trò "dẫn dắt" của ngành thì qua đó cũng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, với việc khơi thông dòng vốn thì cũng sẽ tạo thêm được công ăn việc làm và thu nhập thêm, qua đó cũng tạo ra độ tin tưởng nhất định cho toàn thị trường, bao gồm cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Khi mà nhà đầu tư cảm thấy tin tưởng vào việc thị trường sẽ tốt lên, thì cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn, bớt thận trọng và trú ẩn ở những kênh đầu tư an toàn khác mà ít sinh lời, lúc đó tôi nghĩ là thị trường sẽ có những tín hiệu lạc quan.

Theo Cẩm Thạch

Nhịp Sống Kinh Doanh

Trở lên trên