“Định giá thị trường Việt Nam không còn quá rẻ, dự báo VN-Index kết thúc năm 2019 trong vùng 920 – 950 điểm”
Vietinbank Securities cho rằng bức tranh thị trường năm 2019 sẽ không phải màu hồng, cũng không phải màu xám mà mang sắc thái trung tính và nhà đầu tư cần thận trọng trong việc ra quyết định đầu tư.
Ngày 7/5/2019 đã diễn ra hội thảo TTCK Việt Nam năm 2019: Góc nhìn vĩ mô và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp do Vietinbank Securities tổ chức. Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán đã có những đánh giá về xu hướng thị trường, cũng như dòng vốn ngoại tại Việt Nam.
Theo dự báo của CTCK Vietinbank Securities (CTS), vào cuối năm 2019, chỉ số VN-Index sẽ đạt khoảng 920 – 950 điểm dựa trên một số giả định như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết HoSE đạt 7,51%; Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 6,7%; Lạm phát duy trì ở mức 4%; FED không tăng lãi suất và tỷ giá duy trì ổn định.
Vietinbank Securities cho rằng bức tranh thị trường năm 2019 sẽ không phải màu hồng, cũng không phải màu xám mà mang sắc thái trung tính và nhà đầu tư cần thận trọng trong việc ra quyết định đầu tư.
Dòng vốn ngoại liệu có còn đổ mạnh vào thị trường Việt Nam?
Vietinbank Securities cho biết chỉ số P/E của VN-Index hiện là 16,38, cao hơn mức trung bình P/E giai đoạn 2013 – 2018 và trung bình khu vực Đông Nam Á. Tỷ suất sinh lời của VN-Index (Earning Yeild) hiện đạt 6,8%, không hấp dẫn khi so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng.
Mặc dù tháng 9/2019, Việt Nam đã chính thức có tên trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường cận biên lên mới nổi loại 2 của FTSE Russell và kỳ vọng sẽ được chính thức nâng hạng vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, trong đợt đánh giá vào 30/3/2019, FTSE đã hạ bậc một vài tiêu chí để xét nâng hạng thị trường đối với Việt Nam (thanh toán, lưu ký và giao dịch ngoài sàn).
Một vấn đề cần quan tâm khác là sau khi nâng hạng, dòng tiền đổ vào trước đó liệu có bị rút ra? Trong lịch sử đã chúng kiến sự sụt giảm mạnh của TTCK Pakistan, Qatar khi chính thức được MSCI, cũng như FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi và đây là yếu tố Vietinbank Securities lưu ý nhà đầu tư.
Nói thêm về dòng vốn ngoại, ông Đào Phúc Tường – Giám đốc Đầu tư Công ty quản lý quỹ APS (Singapore) cho biết TTCK Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn được sự hậu thuẫn của khối ngoại gồm 2006 – 2007; 2017 – đầu năm 2018 và đầu năm 2019. Trong đó, dòng vốn ngoại giai đoạn 2006 – 2007 đến từ những câu chuyện mở cửa thị trường, gia nhập WTO…; Giai đoạn 2017 đến đầu năm 2018, dòng vốn ngoại đến từ những câu chuyện kỳ vọng nâng hạng thị trường, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn.
Trong khi đó, giai đoạn đầu năm 2019, dòng vốn ngoại đến thị trường Việt Nam chủ yếu do các quỹ có xu hướng tìm kiếm cơ hội mới từ các thị trường Emerging Markets, Frontier Markets trong bối cảnh thị trường Mỹ có dấu hiệu chậm lại. Theo nhận định của ông Tường, nhiều khả năng dòng vốn này đã cơ bản đã được giải ngân xong trong đầu năm 2019.
Giai đoạn vừa qua, dòng vốn vào Việt Nam chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Trong khi dòng tiền thông qua các quỹ như VNM ETF, FTSE ETF có phần hạn chế. Ông Tường đánh giá dòng vốn vào Việt Nam giai đoạn qua tham gia thị trường Việt Nam chủ yếu đến từ "story", và khi "story" qua đi, dòng vốn sẽ không còn mạnh nữa.
Về câu chuyện nâng hạng thị trường Emerging Markets, tăng tỷ trọng trong Frontier Markets, ông Tường cho rằng nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng bởi đây không phải câu chuyện mới nữa, các quỹ đã đón đầu từ trước rồi. Ông Đào Phúc Tường cũng đánh giá Việt Nam hiện không quá hấp dẫn so với các thị trường khu vực.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch kiêm TGĐ Fiin Group cho rằng việc Việt Nam nâng hạng Emerging Markets không phải quá khó. Trong các tiêu chí để nâng hạng, vướng mắc lớn nhất đến từ vấn đề ngoại hối. Ông Thuân lưu ý tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường Việt Nam hiện đã khá lớn, vào khoảng 40% trên HoSE. Do đó, sẽ khó có thể kỳ vọng dòng vốn lớn tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam.