Định kiến làm việc ở công ty “cha truyền con nối” và sự thật trái ngược: Cơ hội thăng tiến lớn, người nhà sếp làm sai cũng phải chịu phạt!
Nhắc đến công ty gia đình, nhiều người trẻ có thể cảm thấy không nhiều cơ hội ở một doanh nghiệp “cha truyền con nối”. Tuy nhiên, văn hoá ở Tân Hiệp Phát lại cho thấy một bức tranh khác hẳn.
Dương Quốc Quý, 33 tuổi, hiện đang là phụ trách bộ phận content của Tân Hiệp Phát. Nhớ lại thời điểm phỏng vấn với Phó Tổng giám đốc Trần Uyên Phương cách đây 3 năm, Quý cười: "Tôi không nghĩ mình được chọn". Anh chàng có vẻ ngoài trau chuốt, hay cười, có nhiều năm kinh nghiệm làm quảng cáo cho công ty chuyên về thể thao.
Dù nghĩ rằng bản thân chưa chắc phù hợp với công việc nhưng Quý vẫn tham gia phỏng vấn vì tò mò về gia đình ông Trần Quí Thanh. Vô tình đọc cuốn Chuyện nhà Dr Thanh, Quý muốn biết nhiều hơn về ông chủ "vốn lớn lên từ trại mồ côi, đánh nhau với heo để sinh tồn" và Trần Uyên Phương – con gái lớn của ông Thanh và là người đã viết sách.
Sau buổi nói chuyện kéo dài, phía tuyển dụng thông báo rằng Quý đã được nhận. Kể lại, anh chàng bình luận: "Hoá ra Tân Hiệp Phát không chỉ đánh giá ứng viên dựa trên giá trị chuyên môn. Họ quan tâm hơn cả đến bản thân người phỏng vấn có phù hợp với 7 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp không, tiềm năng của bạn là gì?".
Đinh Thị Kim Nhung, thuộc bộ phận tuyển dụng, cho biết, bản thân không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này khi đặt chân vào Tân Hiệp Phát. Đơn giản là cô muốn thử sức với mảng nhân sự và đầu quân cho một công ty Việt Nam nhưng có sức cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia.
"Tôi muốn sự nghiệp của mình là một phần tự hào trong công ty nội địa mạnh ngang ngửa doanh nghiệp nước ngoài", cô nhớ lại.
Từng làm việc và phỏng vấn qua nhiều công ty, cả nội địa lẫn nước ngoài, Nhung cho biết trải nghiệm ở Tân Hiệp Phát là điều rất đặc biệt. "Đó là buổi chia sẻ thì đúng hơn", cô mô tả.
Thông thường, trong buổi phỏng vấn, phía nhân sự sẽ hỏi rất nhiều, khai thác ứng viên. Nhưng ở Tân Hiệp Phát thì ngược lại. Các trưởng nhóm, lãnh đạo cấp cao sẽ "nói rất nhiều" về những kiến thức, những điều ứng viên cần cải thiện, cái gì nên có, cái gì không, đồng thời, cung cấp một lộ trình thăng tiến rõ ràng. "Lúc đó tôi nghĩ, dù có ‘sale’ bản thân thành công hay không, tôi cũng đã nhận được rất nhiều điều", Nhung nhớ lại.
Là một doanh nghiệp gia đình, nhưng cách làm việc của Tân Hiệp Phát luôn khiến nhân viên dễ chịu ở mức tối đa. "Mọi người hay định kiến công ty gia đình thì không có cơ hội phát triển, chế độ ‘gia đình trị’ này kia kinh lắm nhưng có đúng đâu", Nhung nói. Cô cho biết Tân Hiệp Phát có hệ thống quy trình rất chặt chẽ, từ tuyển dụng, thăng tiến, đào tạo, kiến nghị, xử phạt... được tư vấn từ những tập đoàn, đơn vị lớn trên thế giới.
Nhung nhận xét, những gì mà cô được phía tuyển dụng chia sẻ, đều đúng khi cô trở thành một phần của doanh nghiệp. Mọi người rất cởi mở, thân thiện, quy trình làm việc rõ ràng. Điều duy nhất mang yếu tố công ty gia đình chính là... sự tử tế, đầm ấm tạo cảm giác nơi làm việc là nhà. Tại Tân Hiệp Phát, Nhung khẳng định, không phải "con ông cháu cha" mới có cơ hội. Theo đó, các nhân viên được hướng dẫn, đưa ra lộ trình công việc, được điều chỉnh rất nhiều để học hỏi, nắm giữ thêm các kỹ năng mới.
"1 năm làm ở Tân Hiệp Phát bằng 3 năm làm ở ngoài", Nhung nói.
Mặt khác, nếu sếp làm sai, công ty cũng có cơ chế mở để nhân viên trực tiếp phản hồi lên phía Tổng giám đốc. "Không có chuyện gia đình trị đâu. Ai làm sai cũng bị xử phạt thôi", cô khẳng định.
3 năm làm ở Tân Hiệp Phát cũng giúp Quý củng cố thêm niềm tin ban đầu của anh. "Những người như chú Thanh, chị Phương bận như thế, mỗi ngày ngủ có mấy tiếng thôi nhưng khi nhân viên cần, họ luôn sẵn sàng dành thời gian", anh chia sẻ.
Thời gian đầu ở Tân Hiệp Phát, Quý gặp vấn đề với gia đình. Anh đã tìm đến sếp Phương để xin lời khuyên. Anh tỏ ra bất ngờ vì sếp đã dành cho mình cuộc hẹn từ 6h sáng đến tận 12h trưa để tư vấn. Cách tư vấn của sếp Phương cũng khác biệt, không bình luận, không đưa ra lời khuyên, thay vào đó là đặt câu hỏi. Từ những câu trả lời sếp, Quý tìm ra được mấu chốt mà anh cần xử lý.
"Sau này, tôi cũng hỏi chị Phương sao dành thời gian cho tôi nhiều thế. 6 tiếng chị có thể làm được rất nhiều việc", Quý nói. Thắc mắc của anh cũng sớm được giải đáp với câu trả lời của Uyên Phương: "Giúp nhân viên xử lý được việc tư cũng là gián tiếp cho việc công. Nhân viên là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp".
Sau thời gian gắn bó, Quý, Nhung đều cho biết, rất hài lòng với công việc hiện tại. "Tân Hiệp Phát đúng là công ty gia đình đấy, nhưng nhìn lại, bao nhiêu công ty thành công trên thế giới không phải là doanh nghiệp gia đình!", anh nói.
Trí thức trẻ
Sự kiện: Bí mật công ty gia đình
Xem tất cả >>- Vòng đời không bao giờ khép lại của nhựa ở Tân Hiệp Phát: Kinh tế tuần hoàn giúp nhựa không bao giờ là… rác
- Thiếu gia nhà Biti’s Vưu Tuấn Kiệt: “BĐS là con đường an toàn bền vững để đi nhưng ra MV âm nhạc vì đam mê từ nhỏ”
- Thử thách liên tục và niềm tin mãnh liệt của người Tân Hiệp Phát
- Chủ tịch New Viet Dairy tiết lộ lợi thế ‘khủng khiếp’ của doanh nghiệp gia đình: ‘Nhiều ý tưởng chúng tôi chỉ quyết định trong 10 phút!’
- Cuộc cách mạng tại dầu Tường An và 30 năm gìn giữ lời hứa với mẹ của 2 anh em nhà KIDO