MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DL1 chuẩn bị "lột xác" từ một bến xe phố núi thành công ty địa ốc nghìn tỷ tại Sài Gòn, cổ phiếu tăng 150% trong hơn 1 tháng

20-07-2017 - 09:33 AM | Doanh nghiệp

CTCP Đầu tư Phát triển dịch vụ công trình công cộng Đức Long Gia Lai sẽ tăng vốn từ 169 tỷ lên 1.013 tỷ để mua lại 2 công ty bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

CTCP Đầu tư Phát triển dịch vụ công trình công cộng Đức Long Gia Lai (mã: DL1) vừa công bố một Nghị quyết HĐQT khá bất ngờ và được xem như câu trả lời cho quá trình tăng sốc của cổ phiếu DL1 thời gian qua. Trong hơn 1 tháng từ ngày 19/05 đến 30/06, DL1 đã tăng từ 9.400 đồng lên 23.200 đồng, tương đương mức tăng gần 150%.


Diễn biến cổ phiếu DL1 trong 6 tháng qua

Diễn biến cổ phiếu DL1 trong 6 tháng qua

Phát hành tăng vốn gấp 5 lần, từ một bến xe trở thành doanh nghiệp "nghìn tỷ"

Theo nội dung Nghị quyết nói trên, DL1 sẽ phát hành 84,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán 10.000 đồng/cp để tăng vốn điều lệ từ 168,9 tỷ đồng lên 1.013 tỷ đồng. 845 tỷ đồng dự kiến thu được sẽ được dùng để mua lại 98% cổ phần của CTCP Đầu tư – Xây dựng Vạn Gia Long và phần vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Đồng Phú Hưng.

Việc tăng vốn gấp nhiều lần vốn điều lệ hiện hữu rồi dùng số tiền đó mua lại công ty mục tiêu vẫn thường được biết đến như là hình thức "niêm yết cửa sau" được nhiều doanh nghiệp thực hiện trong thời gian qua với một số ví dụ điển hình của Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN), Amvi Biotech (AMV) hay Apax Holdings (IBC).

Năm 2016, chính DL1 cũng từng tăng vốn gấp 5 lần từ 31 tỷ lên 152 tỷ để hoán đổi cổ phần của công ty Khoáng sản và luyện kim Tây Nguyên.

Thông tin do DL1 cung cấp cho biết, CTCP Đầu tư – Xây dựng Vạn Gia Long có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, đang được sở hữu bởi ông Lâm Quốc Hoàng (80%) và ông Nguyễn Tấn Lợi (18%). Công ty này là chủ đầu tư của dự án Trung tâm thương mại – Dịch vụ và căn hộ cao cấp Sunshine Apartment tại Quận 7, Tp.HCM. Cũng theo giới thiệu, dự án này có diện tích 11.623 m2 với 27 tầng nổi, 885 căn hộ và tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, doanh thu dự kiến 1.775 tỷ đồng. Dự án được UBND Tp.HCM chấp thuận đầu tư vào tháng 7/2016, thời gian thực hiện dự kiến 3 năm.

DL1 dự kiến sẽ chi 647 tỷ đồng để mua lại 98% cổ phần tại công ty này.

Còn Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Đồng Phú Hưng có vốn điều lệ 200 tỷ đồng và đang đầu tư dự án “khu nhà ở cao tầng Đức Long New Land” tại Quận 8, Tp.HCM. DL1 dự kiến bỏ ra 197,6 tỷ đồng để mua lại 98,78% vốn từ 2 cá nhân. Dự án này đang được quảng cáo trong danh mục các dự án phát triển trên website của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG).

Nếu nhìn vào bản kế hoạch lợi nhuận của Vạn Gia Long và Đồng Phú Hưng thì riêng năm 2018, LNST kế hoạch của Vạn Gia Long đạt gần 197 tỷ đồng, đủ đem về cho DL1 hơn 190 tỷ đồng lợi nhuận.

Như vậy, từ một doanh nghiệp nhỏ đi lên từ hoạt động bến xe, đột nhiên DL1 trở thành doanh nghiệp lớn đa ngành, gián tiếp sở hữu 2 dự án bất động sản được mô tả là có quy mô lớn và hứa hẹn con số lợi nhuận đáng mơ ước. Không khó hiểu nếu nhà đầu tư kỳ vọng vào điều này và đẩy giá cổ phiếu tăng sốc như trên.

Thế nhưng, nhìn lại quá khứ thì DL1 có gì?

Báo cáo tài chính đủ những dấu hiệu mà chuyên gia luôn khuyến nghị "cẩn trọng"

CTCP Đầu tư Phát triển dịch vụ công trình công cộng Đức Long Gia Lai thành lập từ năm 2007, tiền thân là chi nhánh bến xe Liên tỉnh Đức Long Gia Lai. Trở thành công ty đại chúng vào năm 2009 và cổ phần hóa năm 2016, DL1 nhanh chóng tăng vốn từ 9,7 tỷ đồng lên 169 tỷ đồng.

Trong đó, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) sở hữu 1,9 triệu cổ phiếu tương đương 11%. Tập đoàn này vừa thoái hết vốn khỏi DL1 trước khi quyết định tăng vốn được thông qua.

Trước khi có kế hoạch tăng vốn “sốc” như trên thì DL1 mới chỉ có một đợt tăng vốn mạnh từ 31,4 tỷ lên 152 tỷ vào năm 2016 thông qua việc phát hành 12 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi với CTCP Khoáng sản và luyện kim Tây Nguyên – biến công ty này thành công ty con.

DL1 hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường bộ, kinh doanh bến bãi với việc sở hữu bến xe tại Gia Lai và có kết quả kinh doanh lẹt đẹt, nhưng sau khi tăng vốn vào năm 2016 thì DL1 đã lột xác.

Nhờ tăng vốn, tổng tài sản của DL1 tại thời điểm cuối năm 2016 là 247 tỷ đồng – gấp 4,5 lần hồi cuối năm trước. Tuy nhiên, báo cáo tài chính này hội tụ đủ những điểm cần chú ý về các trường hợp cần “cẩn trọng” mà các chuyên gia luôn khuyến nghị.

Chiếm tới 2/3 tổng tài sản là khoản phải thu hơn 164 tỷ đồng trong đó có đến 106 tỷ là phải thu đối với CTP Đầu tư Quốc tế Sài Gòn. Đây là khoản chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con của CTCP Khoáng sản và luyện kim Tây Nguyên cho Quốc tế Sài Gòn. Đồng thời, DL1 có khoản phải thu từ việc cho vay 37 tỷ đồng đối với 1 số cá nhân.

Các giao dịch về bán hàng, phải thu hay cho vay đều xuất hiện cái tên của Đức Long Gia Lai.

Riêng về kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2016 của DL1 tăng vọt gấp 10 lần từ 20,6 tỷ đồng lên gần 200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 176% lên gần 12 tỷ đồng. Đáng nói là doanh thu đó lại đến chủ yếu từ bán đá (99 tỷ đồng) và bán phân bón (64 tỷ đồng) cho chính cổ đông lớn của DL1 là Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG).

Theo công bố mới nhất, 6 tháng đầu năm 2017, DL1 đạt 109,5 tỷ đồng doanh thu thuần - tăng 30% và LNST là 6,4 tỷ đồng - giảm 24% so với cùng kỳ.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên