MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN của Shark Hưng tìm hơi ấm trong ‘mùa đông’: Đặt cược vào du học nghề Đức, bán trà san tuyết cổ thụ sang châu Âu

20-09-2023 - 08:26 AM | Bất động sản

DN của Shark Hưng tìm hơi ấm trong ‘mùa đông’: Đặt cược vào du học nghề Đức, bán trà san tuyết cổ thụ sang châu Âu

Để đối phó với tình hình kinh tế ảm đạm – đặc biệt là ở mảng bất động sản, CEN Group đang tích cực ‘đánh bắt xa bờ’ như thành lập CEN Academy phục vụ du học nghề Đức. Về phần kinh doanh riêng của Shark Hưng, ông tích cực bán trà san tuyết cổ thụ Hacoocha sang châu Âu và mở nhà máy bia craft tại Việt Nam.

Sự sụt giảm kinh tế đang hiện diện từng ngóc ngách xã hội lẫn doanh nghiệp và nó đặc biệt khủng khiếp ở mảng bất động sản. Theo chia sẻ của Shark Hưng trong buổi ra mắt Shark Tank Việt Nam mùa 6, thì ‘doanh thu của CEN Group đang sụt giảm không thể tưởng tượng nổi, từ mỗi năm vài chục ngàn tỷ giờ chỉ còn những vụn nhỏ’.

Vậy nên, để ngồi vào chiếc ghế nóng ở chương trình Shark Tank lần thứ 6 này ông đã phải nỗ lực rất nhiều. Thường khi gặp khó khăn, các tập đoàn thường lo cho mình trước, không còn mặn mà câu chuyện đầu tư ở bên ngoài, CEN Group cũng vậy. Nên khi nhận lời mời tiếp tục tham gia Shark Tank, câu hỏi lớn đầu tiên trong đầu ông là: “Lấy tiền ở đâu để đầu tư?”. Và đó cũng là nguyên do cho sự xuất hiện của Colombo Capital.

Theo đó, năm nay Shark Hưng tham gia Shark Tank với vai trò là người đại diện cho quỹ đầu tư tư nhân Colombo Capital chứ không phải cho CEN Group.

Colombo Capital ra đời với mục tiêu đầu tư vào các startup hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề truyền thống nhưng có áp dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh. Tiếp theo, các startup muốn được đầu tư phải có định giá doanh nghiệp hợp lý theo các chỉ số tài chính, chứng minh được khả năng tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và nhà đầu tư có khả năng thoái vốn sau tối đa 5 năm.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm dày dạng trên thương trường, Shark Hưng không hề hoảng sợ mà vẫn bình tĩnh tìm những khe cửa hẹp để lách qua. Không những thế, theo quan điểm của ông, khủng hoảng chính là cơ hội để các startup và SMEs cạnh tranh – xoay chiều nếu đủ am hiểu thị trường cũng như thay đổi cách làm mới, đơn giản và hiệu quả hơn.

Shark Hưng sẽ tham gia vào Shark Tank Việt Nam mùa 6 với vai trò là đại diện của Colombo Capital.

CEN Group đặt cược vào du học nghề Đức

Với sự trầm lắng của thị trường bất động sản Việt Nam, CEN Group đang phải bươn chải tìm cơ hội ở thị trường nước ngoài. Kế hoạch ngắn hạn là bán nhà ở châu Âu – Úc cho khách Việt, còn kế hoạch dài hạn là thành lập CEN Academy phục vụ du học nghề châu Âu – trước mắt là tập trng vào nước Đức.

Du học nghề tại Đức không phải là dịch vụ gì quá mới trên thị trường, người ta đã làm khoảng trong 10 năm nay. Dù thế, trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu ở thị trường này ngày càng nóng bỏng. Nói như Shark Bình là Cen Group đã tìm được ‘long mạch’ chính là nhu cầu lao động có tay nghề tăng ngày càng cao ở châu Âu. Mảng miếng này đã trở thành làn gió mới của Tập đoàn.

Hiện tại, nước Đức thiếu khoảng gần 1 triệu lao động có kỹ năng và để bù đắp lỗ hổng đó, chính phủ Đức đã ra nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Cùng với luật cư trú vừa được chính phủ Đức sửa đổi vào tháng 7 vừa qua, họ không chỉ tài trợ 100% học phí và trả lương chọ học viên khi còn học nghề mà còn bảo đảm về việc làm lúc ra trường, cũng như được tạo điều kiện định cư nếu có nhu cầu.

Trong khoảng 10 năm qua, mỗi năm chỉ có khoảng 2.000 đến 3.000 thanh niên Việt sang Đức du học nghề. Mặc dù đi sau song CEN Group vẫn muốn làm quy mô lớn, mục tiêu là mỗi năm sẽ đưa khoảng 10.000 học viên sang Đức. Với nhu cầu khoảng 800.000 lao động/năm của nước Đức, con số mà CEN Group đưa ra không hề khó thực hiện.

Với sự đầu tư bài bản của CEN Group, biết đâu tương lai các lao động Việt Nam không còn là ‘lao động giá rẻ’ mà sẽ tự hào trở thành ‘lao động giá đắt’. Từ xuất khẩu lao động phổ thông chúng ta xuất khẩu lao động có kỹ năng – tay nghề sở hữu giá trị cao; làm ở Việt Nam chỉ có vài triệu một tháng nhưng sang châu Âu có thể nhận vài ngàn USD/tháng ”, Shark Hưng phân tích.

Sự kiện ký kết chuyển giao công nghệ giữa Tập đoàn CEN Group và Tập đoàn Azurit Hansa (Đức).

Lợi thế cạnh tranh của CEN Group khi theo đuổi mô hình kinh doanh du học nghề này là họ có bất động sản trên khắp Việt Nam, nên có thể dễ dàng mở các lớp học tiếng và học nghề cơ bản cho các học viên khắp mọi miền tổ quốc.

Năm 2021, Shark Tank Việt Nam từng xuất hiện startup làm về xuất khẩu lao động đi Đức là VNG Education 21 và 2 Founder đã ra về sau khi chốt deal 3 tỷ cho 45% - Shark Liên/Bình/Louis Nguyễn mỗi người 15%. Shark Hưng từ bỏ đầu tư vào VNG Education 21 từ rất sớm.

Bán trà san tuyết cổ thụ ra khắp thế giới và bán bia craft tại Việt Nam

Bên cạnh đó, 2 trong nhiều giải pháp mà Shark Hưng tìm ra để giúp các DN của mình bước qua thời gian khó: toàn cầu hóa những sản phẩm đặc biệt/đặc trưng của Việt Nam và địa phương hóa sản phẩm nổi tiếng toàn cầu.

Hacoocha là một thương hiệu chuyên về trà san tuyết cổ thụ nổi tiếng ở các vùng núi phía Bắc. Shark Hưng là Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch còn vợ ông – bà Nguyễn Thu Trang là Đồng sáng lập kiêm CEO.

Thương hiệu trà san tuyết cổ thụ Hacoocha của vợ chồng Shark Hưng.

Thật ra ý định mang trà Việt Nam ra thế giới đã nung nấu trong tôi từ lâu nhưng phải tới thời điểm này, cơ hội mới chín muồi. Trong Covid-19, vì các thương lái Trung Quốc không thể qua Việt Nam thu mua trà san tuyết cổ thụ, khiến chúng tôi nhanh chóng mở rộng được mạng lưới đối tác cũng như sản lượng trà mua vào.

Việt Nam là nước xuất khẩu trà lớn thứ hai thế giới nhưng không có thương hiệu trà nào nổi tiếng khắp thế giới và nếu phải tính giá trị thương hiệu thì chúng ta đứng thứ 6 hoặc 7 gì đó. Nếu chỉ mang trà từ Hà Giang xuống Hà Nội hoặc TP.HCM tiêu thụ, giá lên cao cũng chỉ gấp 2 hoặc 3, nhưng chỉ cần ra khỏi biên giới là gấp 10, đến được châu Âu sẽ gấp vài chục lần.

Với tôi, bán trong nước là kiểu ‘mua đầu chợ - bán cuối chợ’ ai cũng làm được. Còn khi xuất khẩu trà sang châu Âu, hoạt động này không còn là thương mại thuần túy, nó đủ phức tạp (phải có logistics – giấy phép buôn bán – kênh phân phối xuyên quốc gia) mà không phải ai cũng làm được. Chúng tôi sẽ phấn đấu để ngày nào đó Hacoocha trở thành thương hiệu trà Việt Nam được nhiều người trên thế giới biết đến ”, Shark Hưng hứa hẹn.

Ở phía ngược lại, Shark Hưng đã xây nhà máy để sản xuất bia craft tại Việt Nam. Theo ông, thì bia craft đã nổi tiếng trên toàn thế giới và tại Việt Nam cũng có rất nhiều người yêu thích dòng bia này, nhưng họ rất khó tiếp cận, bởi bia craft nhập khẩu khá mắc – thậm chí có loại giá vài trăm ngàn một chai.

Với việc xây nhà máy tại Việt Nam (nội địa hóa) khiến việc sản xuất bia craft đơn giản và rẻ hơn ngoại nhập rất nhiều, nên ông có thể bán với giá chỉ vài chục ngàn/chai. Nhờ theo sát xu hướng tiêu dùng tại gia – với dịch vụ vận chuyển chai/lon tới tận nhà, thương hiệu bia craft của Shark Hưng đã bước đầu thành công khi tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi lại không biết được bia craft của Shark Hưng thương hiệu là gì.

Hiện tại, trên thị trường có vài nhà sản xuất bia craft nổi tiếng như Thơm Brewery, BiaCraft Artisan Ales, Pasteur Street Brewing, Heart of Darkness Craft Brewery, East West Brewing, iBiero Craft Beer, Belgo….

Quỳnh Như

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên