DN địa ốc đua nhau thay 'tướng', chuyển hướng kinh doanh hậu COVID-19
Để ứng phó với khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM đã phải thay đổi nhân sự, chuyển hướng kinh doanh nhằm duy trì dòng tiền, nuôi nhân viên qua giai đoạn khó khăn.
- 02-07-2020Doanh nghiệp địa ốc điêu đứng vì dự án "đứng hình" do pháp lý
- 01-07-2020Tp.HCM hạn chế phát triển nhà thấp tầng 10 năm tới, doanh nghiệp địa ốc nói gì?
- 18-06-2020Doanh nghiệp địa ốc nói gì về nhà thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2?
Từ thay “tướng”, cơ cấu lại nhân sự
Mùa đại hội cổ đông vừa qua chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp địa ốc thay Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Điển hình như Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã có Chủ tịch HĐQT mới là bà Nguyễn Thùy Vân. Bà Vân đang là thành viên HĐQT độc lập Công ty CP Điện Gia Lai và trưởng Kiểm toán Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công.
Ông Nguyễn Đăng Thanh rời ghế Chủ tịch TTC Land chỉ sau một năm bổ nhiệm.
Trước bà Vân, người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT TTC Land là ông Nguyễn Đăng Thanh. Ông Thanh cho biết sẽ quay lại mảng tài chính sau hơn 1 năm làm Chủ tịch TTC Land. Ngoài ông Thanh, hai thành viên khác trong HĐQT là ông Lâm Minh Châu phụ trách kiểm soát và bà Trần Yến Duyên, thành viên HĐQT độc lập cũng có đơn từ nhiệm.
Tương tự, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT trị Tập đoàn Đất Xanh cũng “nhường” ghế Tổng giám đốc cho ông Bùi Ngọc Đức. Đây là vị trí mà trước đó, ông Thìn đã ngồi trong suốt gần 18 năm ở Đất Xanh. Ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT, Đất Xanh cũng thay hàng loạt vị trí Phó tổng giám đốc và kế toán trưởng.
Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng vừa bổ nhiệm ông Bùi Quang Anh Vũ, cựu Phó Tổng giám đốc Đầu tư vào chức vụ Tổng giám đốc, thay thế ông Nguyễn Văn Đạt. Như vậy, ông Đạt hiện chỉ còn nắm chức Chủ tịch HĐQT công ty. Ông Đạt là một trong những cổ đông sáng lập Phát Đạt và là cổ đông lớn nhất với 61,2% cổ phần của Phát Đạt.
Ông Bùi Quang Anh Vũ, tân Tổng giám đốc Công ty Phát Đạt.
Công ty CP Địa ốc Sài Gòn chứng kiến sự biến động nhân sự cấp cao khi bà Hồ Trần Diệu Lynh, thành viên Ban Kiểm soát và ông Phạm Quốc Thắng, thành viên HĐQT đồng loạt nộp đơn xin từ nhiệm. Doanh nghiệp này cũng đã bổ nhiệm ông Phạm Đình Thành làm Phó tổng Giám đốc kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Địa ốc Sài Gòn Nam Đô. Ngoài ra, ông Phạm Tuấn được Công ty CP Địa ốc Sài Gòn bổ nhiệm làm Giám đốc Đầu tư phát triển.
Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng có thay đổi, khi bà Nguyễn Quỳnh Hương được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Đoàn Tường Triệu. Ngoài ra, ông Trương Hải Đăng Khoa được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc. Bà Dương Quỳnh Điệp cũng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát mới.
Đến đổi hướng kinh doanh
Hậu COVID-19 cũng chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp địa ốc phải đổi hướng kinh doanh để thích nghi với tình hình mới. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cho rằng, bất động sản vùng ven đang trở thành xu hướng cho nhà đầu tư và nhiều người dân có nhu cầu an cư. Công ty có những quỹ đất tại các quận, huyện như Nhà Bè, Bình Chánh, quận 9… và sẽ tập trung triển khai ở những khu vực này trong năm nay. Đồng thời, mở rộng dư địa phát triển dự án ra các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Còn Công ty Nam Long cũng phải thay đổi chiến lược, tiến về tỉnh lẻ bằng các dự án khu đô thị. Năm 2020, Nam Long tập trung phát triển giai đoạn một của Khu đô thị ở Long An, có quy mô lên 355ha.
Với TTC Land, năm 2020 doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 2.056 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019 nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm mạnh đến 65%, chỉ còn 120 tỷ đồng. Ban lãnh đạo TTC Land cho rằng kế hoạch này là thận trọng, bởi lo ngại COVID-19 có thể sẽ quay trở lại. Đầu năm nay, các công trình phải tạm dừng xây dựng cả tháng vì dịch COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Rất rất nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM bị âm dòng tiền kinh doanh, sa thải nhân viên do không có nguồn thu.
Ban lãnh đạo TTC Land cũng cho biết, năm 2020 sẽ tập trung hoàn thiện pháp lý các dự án đang triển khai để đưa vào kinh doanh. Doanh nghiệp cũng tập trung khai thác quỹ đất phù hợp để phát triển loại hình Smart-Office, tận dụng cơ hội thị trường trong điều kiện việc kiểm soát đất công ngày càng gay gắt.
Ngoài ra, hàng loạt “ông” lớn khác trên thị trường bất động sản TPHCM như Novaland, Hưng Thịnh, Thủ Đức House, Phát Đạt… cũng thay đổi chiến lược, đua nhau chạy về các tỉnh để phát triển dự án do thị trường bất động sản TPHCM “đứng hình” với giá cao giao dịch trầm lắng.
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng cho rằng, doanh nghiệp địa ốc TPHCM đang đứng trước sức ép lớn về dòng tiền để duy trì hoạt động công ty. Năm 2019, rất nhiều doanh nghiệp bị âm dòng tiền kinh doanh, sa thải nhân viên do không có nguồn thu. Họ kỳ vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn ở năm 2020 thì bị dịch COVID-19 làm cho mọi thứ tê liệt.
“Việc các doanh nghiệp địa ốc phải thay Chủ tịch hay Tổng giám đốc là cách đi tìm “làn gió mới”. Có thể từ các nhân tố này, họ tìm được hướng đi mới, giúp vực dậy công ty. Còn việc đua nhau về tỉnh làm dự án là xu hướng tất yếu, khi pháp lý và quỹ đất ở Sài Gòn ngày càng khó khăn”, ông Hoàng nói.
Đứng ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Duy Sinh nói rằng, nhiều Chủ tịch HĐQT thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc là để đáp ứng quy định Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc cùng một công ty đại chúng sắp có hiệu lực vào 1/8/2020, theo quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP.
Tiền phong