DN hàng không "cất cánh": Những DN đầu tiên công bố KQKD tăng vọt, hãng bay tấp nập lên kế hoạch mua sắm, cổ phiếu được cấp margin trở lại
Trên thị trường, cổ phiếu VJC đã vượt mốc 100.000 đồng/cp và tăng giá ổn định, đi ngược cú lao dốc của thị trường trong tuần qua.
- 22-10-2023Nhãn hàng đã xoá clip sau khi công an vào cuộc xác minh vụ Quốc Cơ - Quốc Nghiệp chồng đầu đi xe máy
- 22-10-2023Ông Hoàng Nam Tiến: Sếp nào cũng nói tài sản quý nhất là con người, nhưng hễ gặp khó khăn lại cho bớt ‘tài sản’ ấy ra đường
- 21-10-2023Nhựa Tiền Phong báo lãi gần 150 tỷ đồng, có 1.500 tỷ đồng gửi ngân hàng
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM vừa đưa 2 cổ phiếu nhóm ngành hàng không ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Cụ thể là mã AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco và VJC của CTCP Hàng không VietJet.
Hồi sức KQKD
Quý 3/2023 có hai đơn vị đã công bố KQKD tương đối khả quan. Đầu tiên phải kể đến CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, SAS) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn: đạt gần 131 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,7 lần quý 3/2022. Lũy kế 9 tháng, Sasco đạt 1.886 tỷ đồng doanh thu, 241 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 124% và 99% so với thực hiện năm trước.
Hay CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) quý 3/2023 ghi nhận doanh thu đạt 164 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế cô 12 tỷ đồng, tăng 33% so với kỳ này năm trước. Đây là quý có lợi nhuận cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây nhờ sự hồi phục của thị trường. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Suất ăn Hàng không Nội Bài ghi nhận 447 tỷ doanh thu thuần - tăng 60% và đạt 60 tỷ lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ lỗ 3 tỷ đồng).
Trong bối cảnh ngành hàng không hồi phục, AST và VJC đã có lãi trở lại trong nửa đầu năm 2023. Trong đó:
+ Với AST: doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 525 tỷ - tăng đến 160% so với cùng kỳ. LNST hơn 73 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 7 tỷ đồng. Sự cải thiện chủ yếu nhờ sự hồi phục của lượng khách nước ngoài và khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc hợp nhất doanh thu từ công ty dịch vụ Hà Linh cũng giúp doanh thu AST tăng mạnh.
+ Với VJC: doanh thu hợp nhất 6 tháng đạt 29.770 tỷ đồng, tăng 87%. Trong đó, mảng doanh thu phụ trợ duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 9.000 tỷ đồng, gấp hai lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 387 tỷ đồng, tăng 167%.
Trên thị trường, cổ phiếu VJC đã vượt mốc 100.000 đồng/cp và tăng giá ổn định, đi ngược cú lao dốc của thị trường trong tuần qua.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng hành khách 9 tháng thông qua các cảng hàng không đạt 89 triệu lượt, tăng 20%. Trong đó, khách quốc tế đạt 23,7 triệu lượt, tăng 267%.
Thông tin từ Vietravel Airlines mới đây ghi nhận, ngoài các thị trường truyền thống và một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, các hãng hàng không Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến Ấn Độ, Úc….
Điểm sáng từ thị trường quốc tế
Sau 2 đường bay quốc tế kết nối Hà Nội/Tp.HCM – Bangkok, Vietravel Airlines ngày 25/5/2023 đã mở mới đường bay Cam Ranh/Đà Nẵng – Ma Cao. Hãng cho biết đang xúc tiến làm việc với các cơ quan chức năng và đối tác tại các nước trong khu vực Đông Bắc Á để sớm đưa vào khai thác các thị trường tiềm năng như Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Với Vietjet, theo báo cáo 6 tháng, hãng bay này đã mở mới 11 đường bay quốc tế trong quý 2/2023 đến Úc, Indonesia, Ấn Độ, nâng tổng số đường bay lên 120 đường bay (45 đường bay quốc nội, 75 đường bay quốc tế). Vietjet Air cũng đã khai thác thị trường Ấn Độ với 7 đường bay nối Hà Nội, Tp.HCM với Mumbai, Dehli, Ahmedabad và Kochi.
Trong trao đổi với báo giới mới đây, đại diện Cục Hàng không cho biết, khó khăn của ngành hàng không chỉ là nhất thời, ngành đã và đang hồi phục mạnh trở lại đúng với tiềm năng. Đặc biệt, các hãng hàng không Việt Nam liên tục mở thêm các đường bay mới đến Ấn Độ, Australia, Kazakstan; trong khi nhiều hàng hàng không quốc tế sẽ tham gia khai thác trở lại, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này sẽ là chất chất xúc tác cho ngành hàng không trong thời gian tới.
Hãng bay tấp nập lên kế hoạch mua máy bay
Mặt khác, các hãng hàng không lên kế hoạch mua máy bay để tăng năng lực đội bay cũng thể hiện triển vọng phục hồi. Vietnam Airlines ký thỏa thuận chi 10 tỷ USD mua 50 máy bay của Boeing, Vietjet với kế hoạch mua 200 tàu bay Boeing 737MAX, Vietravel Airlines cũng lên kế hoạch tăng đội bay trong năm 2023.
Báo cáo chiến lược mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng thể hiện thị trường quốc tế đang là “chất xúc tác” cho doanh nghiệp hàng không. Khi, doanh thu cốt lõi của Vietnam Airlines và Vietjet Air đã có sự tăng trưởng đáng kể nhờ thị trường quốc tế tăng tốc.
Chi tiết, doanh thu vận tải và phụ trợ của Vietnam Airlines trong 6 tháng 2023 tăng 57% so với cùng kỳ và bằng 86% cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietjet, hai khoản doanh thu này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và thậm chí cao hơn 20% mức trước dịch khi hãng này chủ trọng phát triển thị trường quốc tế hơn trong năm nay. Tỷ trọng sản lượng hành khách quốc tế/doanh thu bay quốc tế của Vietjet chiếm 29%/41% trong tổng cơ cấu nửa đầu năm 2023, thay đổi lần lượt +24%/+27% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tỷ trọng sản lượng hành khách các chuyến bay quốc tế của nhóm Vietnam Airlines hiện chiếm 25% trong tổng cơ cấu sản lượng (tăng 18%), nếu tính riêng Vietnam Airlines thì con số này là 28% (tăng 21% so với cùng kỳ) do VASCO không bay quốc tế và Pacific Airlines ưu tiên phục vụ thị trường nội địa.
Mặc dù bức tranh lợi nhuận chưa thể thực sự khởi sắc trong thời gian cao điểm quý 2/2023 vừa qua, nhưng việc số lỗ đã giảm đi đáng kể cũng là những tín hiệu rất khích lệ của các doanh nghiệp vận tải hàng không.
Trong thời gian tới, VDSC cho rằng có 2 yếu tố để các hãng có được lợi nhuận cốt lõi một cách ổn định hơn bao gồm:
Thứ nhất , sự hồi phục tiếp diễn của thị trường quốc tế sẽ giúp các hãng tiếp tục tối ưu hóa được hoạt động đội bay và tăng trưởng được doanh thu cũng như cải thiện dòng tiền HĐKD.
Thứ hai, giá nhiên liệu bay giảm và duy trì ổn định ở mức dưới 100 USD/thùng.
Nhịp sống thị trường