DN ngành bia xoay xở trước bài toán mang tên “thổi nồng độ cồn”: Habeco Mỹ tiến, Heineken đẩy mạnh đồ uống không cồn, Sabeco đặt hy vọng vào thương mại điện tử
Việc "làm gắt" quy định xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông giúp nhiều người thở phào vì có lý do chính đáng để không bị "ép bia ép rượu", nhưng lại đặt ra bài toán khó cho các doanh nghiệp trong ngành.
- 19-02-2024Điểm mặt "tứ hoàng" thống trị thị trường bia Việt Nam: Heineken, Sabeco, Carlsberg kiếm tỷ USD nhờ văn hóa nhậu của người Việt thế nào?
- 19-02-2024Doanh nghiệp xây dựng rạp xiếc 1.400 tỷ tại TP.HCM: Trúng gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành cùng gói 9.000 tỷ sân bay Tân Sơn Nhất
- 19-02-2024Tập đoàn BĐS bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Pattana thành lập pháp nhân tại Việt Nam, chuẩn bị cho một cuộc chơi lớn?
Tình hình kinh doanh ảm đạm
Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh thu thuần của Sabeco đạt 30.461 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước đó và xuống thấp hơn cả năm 2016. Lợi nhuận vẫn duy trì được mốc trên 4.000 tỷ, nhưng đã giảm 23% so với năm 2022.
Tình hình đối thủ cùng ngành của Sabeco là Habeco cũng không khá hơn. Lũy kế cả năm 2023, Habeco đạt doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 355 tỷ đồng, giảm lần lượt 7,7% và 30% so với năm 2022. Doanh thu năm qua của Habeco chỉ nhỉnh hơn chút ít so với năm 2020.
Đối với "ông lớn" ngành bia Heineken, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm trên thế giới. Trong báo cáo tài chính năm 2023, Heineken toàn cầu ghi nhận doanh thu cả năm đạt 36,4 tỷ euro, tăng 4,9% so với năm trước đó. Tuy nhiên, tổng sản lượng cả năm lại giảm 4,7%, trong đó thị trường Việt Nam và Nigeria chiếm hơn 60% mức giảm này.
Xét trên toàn thị trường, doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt giảm 11% xuống còn gần 45.700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%, còn chưa tới 5.100 tỷ đồng.
Lý giải cho tình hình ảm đạm của ngành bia, một nguyên nhân thường xuyên được đề cập là việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện được thực hiện vô cùng quyết liệt trong năm qua, với mức phạt tiền kịch khung cho người lái xe máy vi phạm lên tới 6-8 triệu đồng, còn ô tô là 30-40 triệu đồng (Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ).
Không dừng lại ở đó, bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, cùng sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã cũng là những lý do quan trọng. Ngoài ra, theo tờ Forbes, giới trẻ ngày càng hạn chế bia rượu nên nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn giảm mạnh, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Các doanh nghiệp bia xoay xở ra sao?
Trong bối cảnh khó khăn chung của cả ngành, Habeco đã liên tiếp đưa ra nhiều hành động vào nửa cuối năm 2023.
Tháng 12/2023, Habeco tổ chức lễ khai trương, giới thiệu các sản phẩm Bia Hà Nội tại Mỹ được nhập khẩu chính ngạch thông qua công ty MIB Morris International Beverage của Mỹ. Được biết, mở rộng thị trường xuất khẩu là một trong những trọng tâm phát triển trong tầm nhìn chiến lược của Habeco.
Giá trị mà Habeco nhấn mạnh là hương vị được lưu giữ suốt hơn 130 năm lịch sử của doanh nghiệp, chứa đựng những tinh hoa truyền thống. Điều này được thể hiện rõ rệt thông qua màn thay đổi nhận diện thương hiệu hồi tháng 9/2023. Bên cạnh mục tiêu "gìn giữ tinh hoa", Habeco còn muốn "nâng tầm vị thế" bằng thiết kế hiện đại, hướng đến người tiêu dùng trẻ.
Về mặt sản phẩm, dòng cao cấp Hanoi Premium ra mắt hồi tháng 12/2023 hướng đến mang lại trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.
Cũng đi theo công thức đổi mới sản phẩm và tập trung vào yếu tố văn hóa Việt, hồi tháng 9/2023, Heineken cho ra mắt phiên bản Bia Việt Mới của thương hiệu Bia Việt. Thương hiệu này xuất hiện từ năm 2020, đánh vào phân khúc bia phổ thông với thiết kế có hình ảnh chim Lạc và trống đồng Đông Sơn đậm bản sắc Việt. Ở phiên bản mới, bao bì của Bia Việt trông hiện đại hơn, hương vị được giới thiệu là đậm đà hơn.
Heineken còn truyền tải thông điệp uống có trách nhiệm, đẩy mạnh quảng bá cho các loại bia độ cồn thấp hoặc không cồn – những dòng sản phẩm mà Sabeco cũng đang hướng tới. Tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn đã được ban lãnh đạo Sabeco đề cập trong Đại hội cổ đông hồi tháng 4/2023.
Tại sự kiện này, phía Sabeco còn cho biết ngoài thị trường phân khúc tầm trung, họ sẽ tấn công vào phân khúc cận cao cấp. Để làm được điều đó, Sabeco có thể sẽ tự phát triển hoặc kết hợp với các đối tác khác.
Thêm vào đó, Sabeco dự kiến sẽ có chuyển dịch từ kênh tiêu dùng tại chỗ sang kênh mua về. Kênh Shopee của hãng được mở từ khoảng tháng 10/2023. Dù chỉ bán được một lượng nhỏ sản phẩm thông qua các nền tảng thương mại điện tử trong năm 2023, Sabeco hy vọng doanh số sẽ cao hơn vào năm 2024.
Đời sống pháp luật