'Dở dang' cụm công nghiệp tại Hà Nội
Hà Nội hiện có khoảng 70 cụm công nghiệp đang hoạt động; trong đó, chỉ có hơn 1/3 cụm có các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đồng bộ. Để có một hệ thống cụm công nghiệp bài bản, đồng bộ, Hà Nội có giải pháp nhằm giải quyết những bất cập, tồn tại hiện nay.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã trên địa bàn Thủ đô với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha; trong đó, có 1.392 ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm cho 60.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.
Các cụm công nghiệp đã phần nào giải quyết tốt nhu cầu về mặt bằng cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là khi được đầu tư đồng bộ và quản lý chặt chẽ. Điều này cũng giúp cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; đưa sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.
Tuy nhiên, hiện chỉ 26/70 cụm công nghiệp (chiếm 1/3) là có các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đồng bộ; điển hình như cụm công nghiệp Quất Động mở rộng, Ngọc Hồi, Từ Liêm, thị trấn Phùng…
Về vấn đề này, Sở Công Thương Hà Nội lý giải, do nhiều cụm công nghiệp triển khai từ thời chưa sáp nhập địa giới hành chính nên chỉ dừng lại ở việc giao đất cho doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhà xưởng trong khi chưa có hạ tầng chung toàn cụm.
Vì vậy, hiện nhiều cụm công nghiệp không có trạm xử lý nước thải tập trung, chưa quan tâm đến phòng cháy chữa cháy... Đơn cử như trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Tân Triều (huyện Thanh Trì) được đầu tư từ năm 2007 nhưng chưa một ngày hoạt động. Hay trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Duyên Thái (huyện Thường Tín) sau hơn năm năm hoạt động, từ năm 2012 đến nay cũng đã dừng hoạt động do gặp khó khăn về kinh phí. Thậm chí, đến nay mới có 4 cụm được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, giai đoạn đầu phát triển, các địa phương chủ yếu muốn thu hút nhanh nhà đầu tư nên vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, khi đang tiến hành xây dựng đã tiếp nhận doanh nghiệp vào hoạt động.
Một bất cập nữa là phần lớn các cụm công nghiệp trên địa bàn được hình thành và phát triển từ làng nghề, hoạt động còn mang tính tự phát, không có quy hoạch. Trong khi đó, để đáp ứng được các yêu cầu về xử lý môi trường, phòng cháy chữa cháy… đòi hỏi chi phí đầu tư trang thiết bị, hệ thống rất tốn kém nên thường bị “bỏ qua”.
Hà Nội hiện có hơn 200.000 hộ kinh doanh. Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp rất cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề xuất được hỗ trợ bởi họ bị "vướng" về kiến thức quản trị kinh doanh, marketing khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp; nhiều hộ kinh doanh còn gặp khó khăn về mặt bằng…
Ông Võ Việt Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng chia sẻ, mặt bằng sản xuất phù hợp là nhu cầu tất yếu khi tham gia vào cụm công nghiệp bởi nó sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, có đủ điều kiện thuận tiện về kho bãi, vận chuyển…
Từ năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với 159 cụm công nghiệp có tổng diện tích khoảng 3.204,31 ha, kinh phí đầu tư khoảng 49.425 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn đến năm 2020 là 34.900 tỷ đồng và từ 2021 - 2030 là khoảng 14.525 tỷ đồng.
Đây căn cứ quan trọng để tiến hành thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, hình thành mạng lưới các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Khi các cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ thu hút doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang cần mặt bằng phát triển mà không phải mở rộng đầu tư sang những tỉnh lân cận hoặc bó hẹp trong khuôn khổ hiện tại.
Theo ông Đàm Tiến Thắng, để khắc phục phần nào những bất cập hiện nay, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng "Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2023" với kinh phí dự kiến khoảng 4.075,3 tỷ đồng; trong đó, đề xuất hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng gồm hệ thống xử lý nước thải, bãi tập kết chất thải rắn, hệ thống giao thông nội bộ… cho 56 cụm công nghiệp do Ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư với số tiền khoảng 1.562,7 tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư cụm công nghiệp thành lập mới thuộc địa bàn những huyện khó thu hút đầu tư như Ba Vì, Mỹ Đức...
Đến nay, Hà Nội đã thành lập 19 cụm công nghiệp mới. Ngoài ra, có 14 cụm công nghiệp đang trình hồ sơ lên UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt thành lập; 6 cụm công nghiệp khác đang được Sở Công Thương Hà Nội thẩm định, giải trình và bổ sung giúp hoàn thiện hồ sơ… Việc có thêm nhiều cụm công nghiệp mới ra đời sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới trong lĩnh vực sản sản xuất công nghiệp, tạo đột phá và góp phần phát triển của kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Báo tin tức