MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đổ tiền tỷ lên mặt nước làm điện mặt trời

10-11-2020 - 18:29 PM | Thị trường

Mặc dù mới phát triển trong một thời gian ngắn, nhưng các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước đã thu hút hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư của các tập đoàn năng lượng.

Khởi động nhiều dự án lớn

Dự án nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên (tại huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) cuối tháng 10 đã hoàn tất những khâu lắp đặt cuối cùng để đi vào vận hành. Dự án được lắp đặt hầu như toàn bộ trên mặt nước của hồ Đa Mi có diện tích trên 56,6 ha, công suất 47,5 MWp và tổng vốn đầu tư 1.226 tỷ đồng.

Theo chủ đầu tư dự án, để hoàn thành công trình kể trên, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi đã phải mất nhiều năm thực hiện đầy đủ các thủ tục đánh giá tác động để thuyết phục Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho vay ưu đãi 37 triệu USD (tương đương 70% giá trị đầu tư dự án), khi đi vào vận hành dự án này sẽ cung cấp khoảng 70 triệu kWph/năm hòa vào lưới điện quốc gia.

Đã có hàng chục dự án nhà máy điện mặt trời lắp đặt trên mặt hồ được các tập đoàn tư nhân đầu tư

Nối tiếp dự án điện nổi lớn nhất Đông Nam Á tại hồ Đa Mi, gần đây hàng loạt địa phương đã bắt đầu đề xuất xây dựng các dự án điện mặt trời lớn nhằm tận dụng không gian mặt nước của các sông và hồ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Chẳng hạn, giữa tháng 10 vừa qua Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành đã được chính quyền tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đề xuất bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời tấm nổi KN Sêrêpốk 3 vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020. Dự án này dự kiến sẽ được triển khai trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) với công suất 380 MWp và tổng mức đầu tư khoảng hơn 6.226 tỷ đồng. Khi hoàn thành sau năm 2021, sản lượng điện dự kiến của nhà máy sẽ đạt khoảng 621 kWh/năm. Trong khi đó tại Bình Định, Công ty cổ phần Licogi 16 trong tháng qua cũng đã được phê duyệt chủ trương xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời lắp đặt trên 60ha mặt nước đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ). Dự án này có tổng vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng, dự kiến sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia 78 triệu kWh/năm và ngay khi hoàn thành sẽ giúp Licogi 16 có thêm doanh thu khoảng 52 tỷ đồng mỗi năm từ việc bán điện.

Những địa phương khác, hoạt động đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước cũng không kém phần sôi động. Theo đó, sau khi dự án điện mặt trời sử dụng vùng đất bán ngập của hồ chứa Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) được khánh thành với công suất 420 MWp, các tỉnh Nghệ An và Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đề xuất làm mặt trời công nghệ nổi. Trong đó, Nghệ An đề xuất bổ sung hai dự án vào Quy hoạch Phát triển điện quốc gia VII là các dự án điện mặt trời xây dựng trên mặt nước các hồ Vực Mấu và hồ Khe Gỗ. Tổng mức đầu tư của hai dự án này khoảng 6.500 tỷ đồng, sử dụng gần 500 ha mặt nước và đất bán ngập. Bên cạnh đó, các tập đoàn năng lượng cũng đã hoàn tất quá trình thẩm định để triển khai 2 nhà máy điện mặt trời trên hồ Gia Hoét 1 và hồ Tầm Bó (Bà Rịa – Vũng Tàu) với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng…

Tiềm năng nhiều nhưng rủi ro lớn

Theo quan sát của các chuyên gia ngành điện, trong những năm gần đây các nước như Israel, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc… đều đã và đang phát triển các dự án điện mặt trời nổi thử nghiệm. Ưu điểm của công nghệ điện nổi là tận dụng được mặt bằng đầm, hồ và mặt nước biển nên chi phí suất đầu tư thấp hơn so với các dự án xây dựng trên mặt đất. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, khi lắp đặt trên mặt nước do có hơi nước làm mát các module pin mặt trời, nên hiệu suất phát điện đối với các dàn pin tăng lên trung bình khoảng 11 - 12%; việc lắp đặt các hệ thống tự động hướng mặt dàn pin theo mặt trời cũng dễ dàng và tốn ít phí hơn.

Tuy nhiên, hạn chế của các dự án điện mặt trời nổi là có thể gây ảnh hưởng tới môi trường, làm mất không gian sinh sống của các loại động vật, thực vật và xáo trộn cân bằng sinh thái.

Theo khảo sát của Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, hiện nay với hệ thống khoảng 7.000 hồ thủy lợi và 3.400 km đường bờ biển thì tiềm năng phát triển các dự án điện mặt trời nổi của nước ta là khá lớn. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam thì không phải tất cả các hồ, đập đều có thể lắp đặt các nhà máy điện nổi. Bởi các yếu tố như chế độ dòng chảy, hoạt động quản lý mặt nước; các lợi ích về nông nghiệp, đa dạng sinh học, giao thông thủy và sinh kế ảnh hưởng rất lớn đến suất đầu tư.

Khảo sát ở nhiều dự án điện mặt trời nổi đã được xây dựng tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ông Tuấn cho rằng chi phí đầu tư thực tế của một dự án nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước cũng tương đương với dự án được xây dựng trên mặt đất (tức là tương đương khoảng 0,8 - 1,2 USD/Wp, tính theo thị giá năm 2017-2018 - PV). Thậm chí tùy theo độ sâu và kích thước hệ thống  chi phí đầu tư các mảng phao, neo và các thiết bị điện có thể lớn hơn. Vì vậy, giá bán điện đối với các nhà máy điện xây dựng trên mặt hồ sẽ là bài toán mà các nhà đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, đối với các dự án xây dựng trên mặt biển thì các yếu tố liên quan đến phòng ngừa rủi ro sóng to bão lớn, thiết kế hệ thống theo dòng chảy và thủy triều, tính toán tác động của nước mặn đến độ bền kết cấu… là những yếu tố cần phải quan tâm đầu tiên vì chi phí rất lớn và rủi ro mất vốn rất cao.

Với hệ thống khoảng 7.000 hồ thủy lợi và 3.400 km đường bờ biển thì tiềm năng phát triển các dự án điện mặt trời nổi của nước ta là khá lớn. Mặc dù vậy, không phải tất cả các hồ, đập đều có thể lắp đặt các nhà máy điện nổi.

Thạch Bình

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên