Do vẫn bị Thành phố Đà Nẵng đình chỉ sản xuất, Thép Dana – Ý (DNY) báo lỗ 57 tỷ đồng trong quý 1
Hiện Thép Dana – Ý đã khởi kiện vụ việc công ty bị đình chỉ sản xuất ra Toà án để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công ty và hàng trăm cổ đông.
Công ty Cổ phần Thép Dana – Ý (mã CK: DNY) đã công bố BCTC quý 1/2019 với khoản lỗ lên tới gần 57 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt gần 4,3 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 441 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thấp trong khi giá vốn lên tới hơn 48 tỷ đồng khiến DNY chịu lỗ gộp gần 44 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp gần 5,4 tỷ đồng.
Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt nửa tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lên tới gần 10 tỷ đồng. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí QLDN đều thấp hơn cùng kỳ nhưng kết quả DNY vẫn lỗ ròng tới gần 57 tỷ đồng cao gấp 3 lần so với khoản lỗ cùng kỳ 2018.
Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do trong quý 1/2019 công ty vẫn tiếp tục tạm dừng sản xuất theo Quyết định số 5585/QĐ-XPVPHC ngày 22/11/2018 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty, trong đó có nội dung xử phạt hành vi không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) của dự án "Đầu tư dây chuyền luyện thép 200.000 tấn/năm và dây chuyền cán thép 200.000 tấn/năm" với số tiền là 300 triệu đồng và xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất thời hạn 6 tháng để khắc phục vi phạm. Do đó doanh thu trong kỳ của công ty là đến từ việc thanh lý hoặc xuất trả vật tư thiết bị có thời hạn sử dụng ngắn.
DNY đã kết thúc năm 2018 đầy sóng gió, ngay từ đầu năm người dân sống xung quanh Nhà máy kéo đến bao vây, không cho nhà máy hoạt động, nguyên nhân của vụ việc là do việc quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh trước đây chưa phù hợp khi để người dân sát cạnh cụm công nghiệp và không có vành đai phân cách giữa khu dân cư và cụm công nghiệp; đồng thời việc thiếu nhất quán trong giải tỏa di dời người dân ra khỏi Cụm công nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người dân phản ứng gay gắt, bao vây nhà máy.
Tiếp theo việc phản ứng của người dân là hàng loạt các quyết định gây bất lợi cho hoạt động SXKD của công ty do UBND thành phố Đà Nẵng ban hành. Kết quả là DNY đã phải chịu lỗ ròng 112,5 tỷ đồng trong năm 2018 - Đây cũng là năm đầu tiên kể từ khi niêm yết DNY báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2018 là hơn 16 tỷ đồng.
DNY cho rằng dù không có cơ sở để buộc công ty phải ngừng hoạt động sản xuất, UBND thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục ra quyết định xử phạt đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty trong thời hạn 6 tháng. Công ty cũng cho biết từ tháng 7/2018, thành phố đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện công ty từ ngày thành lập đến thời điểm thanh tra.
Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra, thực hiện quan trắc môi trường và hàng loạt các biện pháp liên quan đến môi trường khác, sau hơn 4 tháng tiền hành đoàn Thanh tra đã không phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường nào của nhà máy, đồng thời không công bố kết quả quan trắc môi trường, dù công ty đã hàng chục lần kiến nghị, để cho người dân và cả khách hàng, đối tác của công ty hiểu lầm.
Dự đoán tình hình không thuận lợi, khi công ty liên tục kiến nghị, đề xuất gặp lãnh đạo UBND thành phố để tìm tiếng nói chung song vẫn không được giải quyết, đầu tháng 2/2019 DNY đã quyết định khởi kiện vụ việc ra Tòa án để giải quyết đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công ty và hàng trăm cổ đông.
DNY cho biết công ty sẵn sàng mua lại cổ phần nếu cổ đông có nhu cầu bán lại theo giá thỏa thuận.
DNY không đưa ra được các con số kế hoạch kinh doanh trong năm 2019, để chia sẻ khó khăn cùng công ty các thành viên HĐQT đã thống nhất giảm mức thù lao hàng tháng trong đó ông Huỳnh Văn Tân – chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ và bà Phan Thị Thảo Sương – thành viên HĐQT kiêm PTGĐ thống nhất không nhận thù lao HĐQT trong năm 2019.
HNX