MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bán lẻ cần gói tín dụng riêng

Trong 4 khó khăn về phân phối, mặt bằng, vốn, lao động thì vốn vẫn được các DN bán lẻ nhận định là thiếu và yếu nhất.

“Khát” vốn

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có trên 40 đơn vị thành viên, trong đó, Hapro đã đầu tư khá nhiều cho các DN thành viên hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc Hapro cho hay, nguồn vốn ít nên các DN thành viên đều phải đi vay, ngoài vốn lưu động để phục vụ kinh doanh, mọi việc khác từ sửa chữa, mở rộng đều cần đến vốn vay. Tuy nhiên, hoạt động bán lẻ của các DN phần lớn là đi thuê từ mặt bằng cho đến cơ sở hạ tầng nên không có tài sản thế chấp ngân hàng nên khó tiếp cận vốn vay.

Thiếu vốn là thực trạng của nhiều DN trong ngành bán lẻ, nhất là trong bối cảnh hội nhập và sự cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, các DN FDI vào Việt Nam có lợi thế rất lớn về vốn. Họ có nguồn vốn tự có dồi dào, thậm chí, nếu vay vốn thì lãi suất cho vay ở nước ngoài cũng thấp hơn so với tại Việt Nam. Nếu so sánh, các DN Việt Nam hiện chỉ hơn DN FDI ở việc hiểu được tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, nhưng đây không phải lợi thế lâu dài, bởi chỉ cần hoạt động một thời gian, các DN FDI cũng sẽ hiểu được tâm lý của người tiêu dùng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, cũng như nhiều ngành nghề khác, với các DN bán lẻ, vốn có vai trò rất quan trọng trong việc thuê mặt bằng, giúp đa dạng nguồn hàng và mở rộng quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, hiện vốn đang được các DN bán lẻ đánh giá là khó khăn, cản trở lớn nhất.

“Không chỉ có khả năng tiếp cận nguồn vốn thấp mà quan trọng hơn, các ngân hàng vẫn chưa có các gói tín dụng được thiết kế dành riêng, phù hợp với đặc điểm của ngành bán lẻ như về: Định mức cho vay, thời gian vay, tài sản đảm bảo, cách thức hoàn trả gốc và lãi”, bà Loan nhận xét.

Cần giải quyết

Với nhiều DN, việc giải quyết vấn đề về vốn nếu không tiếp cận được tín dụng từ ngân hàng thì họ đều hướng tới những nguồn vốn vay từ bạn bè, gia đình, thậm chí, họ sẵn sàng sử dụng “tín dụng đen” với lãi suất cao để có tiền kinh doanh.

Chia sẻ về hướng giải quyết của Hapro, ông Nguyễn Tiến Vượng cho hay, với công ty mẹ thì ngân hàng nào cũng mong cho vay, nên trước đây Hapro có đứng ra bảo lãnh cho các công ty thành viên được vay vốn. Nhưng đến nay, hoạt động này không được phép nữa nên các công ty thành viên lại lâm cảnh khốn đốn, bởi đây đều là những DN vừa và nhỏ, ngân hàng sợ rủi ro nên không dám cho vay.

Vì thế, Hapro đành phải nghĩ “kế sách” là Công ty mẹ cho công ty con vay vốn hoạt động. Ông Vượng thừa nhận, cách làm này “hơi không đúng” vì công ty mẹ không có chức năng hoạt động ngân hàng, vốn cũng có phần do công ty mẹ đi vay ngân hàng nhưng do “lực bất tòng tâm” nên phải thực hiện.

Riêng về đề xuất cần có gói tín dụng riêng cho ngành bán lẻ, theo điều tra đánh giá về độ cản trở trong tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động bán lẻ của Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 53% DN được hỏi cho rằng, sự thiếu vắng gói tín dụng riêng này đang gây nhiều cản trở cho việc tiếp cận vốn.

Chính vì thế, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, VCCI cho hay, VCCI đang tham gia vào hội đồng tư vấn xây dựng Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Từ những khó khăn của DN bán lẻ nói chung và DN nhỏ và vừa nói riêng, VCCI có gợi ý trong luật nên có những quy định về việc giảm lãi suất cho vay, thành lập những quỹ tín dụng riêng cho từng loại hình DN và có biện pháp bảo lãnh hiệu quả giúp DN không cần dùng đến tài sản thế chấp khi vay vốn.

Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, trong Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, những kiến nghị trong Chiến lược phát triển ngành bán lẻ đã được cụ thể hóa, được ghi nhận thành chiến lược phát triển tổng thể cho thương mại nội địa. Điều này cho thấy, Chính phủ đã chú trọng hơn đến hoạt động của các DN bán lẻ, để từ đó sẽ có những hỗ trợ kịp thời, giải quyết vướng mắc cho các DN.

Nhìn chung, các DN ngành bán lẻ đều mong muốn Nhà nước và các ngân hàng có những sự quan tâm, hỗ trợ về chính sách tín dụng để họ có được nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tăng sức cạnh tranh với DN FDI. Do vậy, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện tổ chức các diễn đàn trao đổi giữa ngành bán lẻ và các tổ chức tài chính để cùng tìm hiểu nhu cầu của ngành bán lẻ và khuyến khích các tổ chức này cân nhắc việc thiết kế các gói tín dụng phù hợp, cải thiện vướng mắc về vốn cho DN bán lẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các chính sách về vốn của Nhà nước cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh lạm dụng để không đi ngược với cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Theo T.Bình

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên